Chuyện thời cuộc: Văn minh thương mại

10:48 14/08/2018

Xã hội ngày càng phát triển thì ngày càng xuất hiện nhiều các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng với những tiện ích đặc thù. Tuy nhiên, đối với đa phần người dân địa phương, đặc biệt là phần đông khách du lịch, chợ truyền thống luôn là điểm đến hấp dẫn trong sự lựa chọn của họ.

Với thế mạnh là một phần nét văn hoá của người Việt; hàng hóa đa dạng, thuận tiện trong việc trao đổi nên mặc dù gặp sự cạnh tranh gay gắt của chuỗi cửa hàng, siêu thị nhưng chợ truyền thống vẫn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề văn minh thương mại ở không ít khu chợ truyền thống vẫn còn nhiều điều đáng bàn bởi cách hành xử còn chưa văn minh của một số tiểu thương.

Thực tế không chỉ khách du lịch mà rất nhiều người dân địa phương thường có tâm lý ngần ngại khi đến các khu chợ truyền thống lớn, nhất là vào các buổi sáng vì bị ám ảnh bởi hành vi “đốt vía”. Đây là một hủ tục mà đến bây giờ tại một số chợ truyền thống một số tiểu thương vẫn còn sử dụng.

Không chỉ chuyện mở hàng sớm mai, tình trạng “nhìn mặt, vặt tiền” cũng là điều rất đáng lên án. Cứ thấy mấy ông Tây lớ quớ đi vào ngó nghiêng hỏi giá, mấy anh đàn ông được vợ “cho đi chợ”, mấy chị khách lạ là thể nào cũng hét lên một vài giá. Thế mới có chuyện tại một chợ dân sinh, chị vợ dặn chồng ra quầy A. mua gà loại 1về thắp hương. Rõ ràng rút ví trả tiền loại 1 mà khi đưa gà về cho vợ lại là loại 2. Hóa ra chị vợ mua quen ở đó biết quy ước của cửa hàng, gà loại 1 thì buộc chân bằng sợi dây. Chủ hàng thấy anh chàng lớ ngớ liền “tương” luôn gà loại 2 mà vẫn lấy giá tiền loại 1. Chị vợ liền mang gà ra chợ làm ầm lên khiến chủ hàng bị phen bẽ mặt.

Qua những sự việc kia cho thấy, ngoài khía cạnh lợi nhuận còn có cả đạo đức kinh doanh và văn minh thương mại. Nếu không xây dựng được những giá trị này một cách bền vững thì những câu chuyện mang tính tiêu cực trong kinh doanh kể trên có thể vẫn xảy ra.

 “Thương trường như chiến trường”, nếu để xảy ra những sự việc như trên thì chính những tiểu thương đó hậu quả nhãn tiền là mất đi số khách hàng nạn nhân và người thân quen của họ. Về lâu dài, kiểu buôn bán tranh thủ, chụp giật, thái độ không hòa nhã, niềm nở, văn minh thì không chỉ tạo ấn tượng xấu cho khách mà còn vô tình tự trói chân mình, thua thiệt mà thôi!

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích