“Chồng là bộ đội Việt Minh, con gái vừa tròn 3 tháng tuổi đành gửi bà ngoại để tiếp tục hoạt động cách mạng. Những ngày ấy, với khí thế đấu tranh sôi nổi, tôi cũng như bao chị em khác ở thành phố chỉ mong sao hoàn thành tốt nhiệm vụ dù phải chịu đựng muôn vàn hy sinh, gian khổ …”.
| Bà Phạm Thị Hồng Thái hiện nay |
Tại một ngôi nhà trên phố Cát Dài, quận Lê Chân, tôi được nghe bà kể những hồi ức về quãng thời gian đấu tranh vô cùng quyết liệt. Bà là Phạm Thị Hồng Thái, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Ủy viên Ban cán sự - Thường vụ Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Hải Phòng, nguyên Bí thư quận ủy Lê Chân, một trong 3 cán bộ phụ nữ kiên trung trực tiếp lãnh đạo Hội phụ nữ trong phong trào đấu tranh giữ người, chống tháo dỡ máy móc trong vùng tập kết chuyển quân 300 ngày. Tuy đã ở tuổi 84 nhưng những ký ức về quãng thời gian đấu tranh dù không tiếng súng để giải phóng thành phố dường như đang hiện rõ trên nét mặt rạng ngời của bà.
Sau hiệp định Giơ ne vơ, trung ương Đảng và Chính phủ ta rất quan tâm đến tiếp quản ban tập kết 300 ngày, trọng tâm là thành phố Hải Phòng. Giữa năm 1954, bà Thái được khu ủy Tả Ngạn điều từ Thái Bình về Hải Phòng, cùng hai đồng chí là Nguyễn Thị Hoành và Lê Thị Bích Nhân được giao nhiệm vụ cốt tử là giữ liên lạc thường xuyên giữa địa phương và khu ủy; xây dựng và củng cố lực lượng, đặc biệt là tổ chức đấu tranh giữ người, giữ tài sản dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trưởng ban cán sự Hội là đồng chí Hưng Toàn. “Năm đó, nhận nhiệm vụ mới tôi vừa tròn 28 tuổi, giữa trăm bề khó khăn, thiếu thốn, mình chỉ mong sao tìm cách tốt nhất để đấu tranh với địch, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao”.
Bà Thái bồi hồi nhớ lại: “Các đồng chí được giao nhiệm vụ đã “xâm nhập” vào khu vực nội thành Hải Phòng, nhưng tình hình khi ấy rất rối loạn. Địch dùng nhiều thủ đoạn từ mua chuộc, dụ dỗ rồi cho bọn chân tay cưỡng ép đồng bào di cư. Đêm đêm, những chiếc tàu “há mồm” của bọn chúng đỗ ở ngoài cửa biển hú còi, bật đèn điện sáng trưng kêu gọi những gia đình theo đạo Thiên chúa rời thành phố vào Nam. Chúng điên cuồng tháo dỡ máy móc, “tập kết” trải đầy đường hàng cây số ở khu trung tâm thành phố để chuẩn bị đưa xuống tàu. Những thiết bị, máy móc không tháo dỡ được thì chúng phá hỏng nhằm biến Hải Phòng thành một “thành phố chết” khi chúng rút đi.
Trước tình hình đó, tôi và một số đồng chí lãnh đạo Hội phụ nữ đã bất chấp sự theo dõi của bọn mật thám, ngày đêm bám sát địa bàn, trực tiếp đến các ngõ phố, chợ, trường học, nhà máy như trường Ngô Quyền, nhà máy xi măng Hải Phòng… giải thích tuyên truyền, vạch trần âm mưu địch, vận động bà con không nghe sự theo xúi giục, xuyên tạc của địch mà rời quê hương, bản quán. Riêng các chợ như chợ Sắt, chợ vườn hoa… bà con tiểu thương đóng cửa không bán hàng cho bọn Tây, sẵn sàng thực hiện bãi thị khi cần thiết.
Một số khu vực như nhà máy nước Văn Trinh, xưởng Carong, Nhà thương Nha khoa… cuộc đấu tranh chống địch phá hoại máy móc cũng diễn ra hết sức quyết liệt. Các cuộc đấu tranh này luôn có từ 500 đến hơn 3000 người tham gia. Chỉ trong một tuần (từ ngày 12-3 đến 17-3-1955), khu vực nội thành Hải Phòng có tới 15 cuộc đấu tranh giữ máy móc. Nhiều đồng chí của ta như chị Xuân Kỳ (Nguyễn Thị Xuân Kỳ), một cán bộ Hội phụ nữ trong vùng địch không quản ngại hy sinh, gian khổ đã khôn khéo vận động binh lính, công nhân nhà máy bảo vệ thiết bị, giao nộp nhiều tài liệu cực kỳ quan trọng”.
Với bà Thái, kỷ niệm lớn nhất phải kể tới cuộc đấu tranh kéo dài suốt hai ngày một đêm tại nhà máy Thủy tinh Hải Phòng vào đầu hè năm 1955. Trước đó, nhận được tin báo của ta về việc địch đưa tù chính trị vào nhà máy Thủy tinh để giam cầm, sau đó chúng sẽ bí mật chuyển vào trong Nam. Tình hình hết sức cần kíp, không kịp xin chỉ đạo từ cấp trên, bà và các đồng chí còn lại trong Ban cán sự hội ý chớp nhoáng rồi quyết định tổ chức cuộc đấu tranh chính trị công khai. Đội xích lô thành phố có nhiệm vụ vận chuyển người xuống khu vực nhà máy, khắp nơi vang tiếng kêu gọi: “Bà con ơi, phải đấu tranh giữ người!”.
Ngay sau đó, hàng ngàn phụ nữ tay nắm tay đã vây kín từ cổng nhà máy kéo dài đến Cảng Hải Phòng. Suốt đêm hôm đó, các bà, các chị trải chiếu, đứng xếp hàng vòng trong vòng ngoài yêu cầu khám xét xe chở hàng, kiểm tra nhà máy, đòi thả tù chính trị. Sáng sớm hôm sau, địch huy động 2 xe tăng ra cổng nhà máy nhằm thị uy. Thế nhưng, dòng người như thác đổ, lập tức đồng lòng đồng sức vây kín lại khiến hai “cỗ máy giết người” này không thể nhúc nhích. Trước khí thế đấu tranh mạnh như chẻ tre, cuối cùng kẻ địch đành phải nhượng bộ thả hàng chục tù chính trị của ta.
Cuộc đấu tranh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của công cuộc giải phóng thành phố. “Sau lần ấy, dù bị cấp trên kiểm điểm vì đã không xin chỉ thị nhưng ai cũng phải công nhận cuộc đấu tranh là một quyết định đúng đắn và kịp thời” - Bà Thái vui mừng giãi bày. Sau đó, theo đúng quy định của hiệp định Giơnevơ từ ngày 28-4-1955, quân ta lần lượt tiếp quản địa bàn các huyện thuộc tỉnh Kiến An. Ngày 13-5-1955, bộ đội ta rầm rộ tiến vào thành phố. Ngày 16-5-1955, tại bến Nghiêng (nay thuộc quận Đồ Sơn), những tên lính cuối cùng rút khỏi miền Bắc. Hải Phòng hoàn toàn giải phóng.
Giờ đây, thế hệ những cán bộ Hội phụ nữ kiên trung như bà Thái sống quây quần cùng cháu con, vui mừng chứng kiến sự đổi thay của đất nước, cũng có những người đã đi xa. Nhưng tất cả họ đều là nhân chứng của một quãng thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của thành phố và xứng đáng là cháu con của nữ tướng Lê Chân trong công cuộc đấu tranh bảo vệ bờ cõi nước nhà.
ĐỖ HIẾU |