16:56 21/04/2009 Bỗng nhiên trở về đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm được coi là mất tích, rồi tình cờ xem chương trình “Người đương thời” nhớ ra đơn vị mình chiến đấu năm xưa... cuộc đời của ông Nguyễn Viết Vĩnh có thể coi như một câu chuyện cổ tích với những điều kỳ diệu...
Bỗng nhiên trở về đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm được coi là mất tích, rồi tình cờ xem chương trình “Người đương thời” nhớ ra đơn vị mình chiến đấu năm xưa... cuộc đời của ông Nguyễn Viết Vĩnh có thể coi như một câu chuyện cổ tích với những điều kỳ diệu...
CHUYỆN XƯA Cách đây 44 năm, chàng trai Nguyễn Viết Vĩnh, thôn Kinh Lương, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng lên đường nhập ngũ. Sau huấn luyện, Nguyễn Viết Vĩnh từ Vạn Hoa về Quảng Yên (Quảng Ninh) học lớp Thông tin tín hiệu (cờ tay). Trong giai đoạn này, anh đã cùng một đồng đội phối hợp với dân quân huyện Yên Hưng trực tiếp bắt sống một tên phi công Mỹ nhảy dù xuống Biểu Nghi sau khi bị quân dân ta bắn cháy máy bay và vinh dự được Bác Hồ gửi tặng huy hiệu của Người. Năm 1967, Vĩnh được điều về Đoàn đặc công Hải quân 126 và tham gia đánh tàu địch tại chiến trường Đông Hà - Cửa Việt. Nguyễn Viết Vĩnh đã được kết nạp vào Đảng trước khi ra trận lần đầu tiên, tháng 9-1967. Ngày 2-5-1968, sau trận đánh tàu Mỹ trong đội hình của Phân đội 4, Đoàn 126, thượng sĩ Nguyễn Viết Vĩnh và Chính trị viên Phân đội Lê Văn Sủng không thấy quay trở lại. Sau nhiều lần tổ chức tìm kiếm không kết quả, Đoàn 126 đã chính thức xác nhận 2 người mất tích và hy sinh. Gia đình Nguyễn Viết Vĩnh lấy ngày anh ra trận không về làm ngày giỗ. Tin buồn về đến gia đình khi Nguyễn Thanh Viễn, người em trai duy nhất của Nguyễn Viết Vĩnh chưa tròn 17 tuổi. Cũng như bao trai tráng của làng quê thuần nông đầy khí phách cách mạng này, Viễn nằng nặc xin cha cho mình tình nguyện lên đường nhập ngũ để trả thù cho anh. Nguyện vọng của Viễn đã được gia đình và đơn vị chấp nhận. Vào quân ngũ, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào, trong trận chiến đấu ngày 17-1-1970, Nguyễn Thanh Viễn đã hy sinh anh dũng và được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Những năm dài sau đó là những năm đớn đau nhất của gia đình Vĩnh: Mẹ anh mất do bệnh tật. Ngôi nhà chật chội trở nên trống trải. Người cha đã luống tuổi ngày ngày phải đối mặt với 3 di ảnh của những người đã khuất; những ánh mắt trẻ trung nhìn ông như nuối tiếc, ân hận vì chưa tròn trách nhiệm làm con. Ngày rằm, mồng một, mỗi khi lo hương khói cho 3 người đã khuất chính là những lúc đè nặng trong ông nỗi đau. CHUYỆN NAY ... Bà Chiêm giật mình khi thấy chồng mình ngồi gần như dán mắt vào màn hình để xem rồi lẩm bẩm một mình những câu khó hiểu. Trên truyền hình đang phát sóng chương trình “Người đương thời” về Đặc công Hải quân. Chương trình được ghi hình ngay trên cảng Cửa Việt - Quảng Trị trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của lực lượng (13-4-1966 * 13-4-2006). Hôm sau, bà con thôn Kinh Lương xôn xao khi hay tin ông Vĩnh đen, người phát lương hưu của Đội 5 đã nhớ ra mình là bộ đội Đoàn Đặc công Hải quân 126. Được mọi người động viên, ông Vĩnh đã tự mình tìm đến Đoàn 126 Hải quân, nhưng ông cũng chỉ đứng ở cổng vệ binh thôi. Cảnh mới, người mới, ông không biết hỏi ai, rồi cũng ngại người đơn vị cho là mình mạo nhận nên đành lặng lẽ quay về. Chuyến đi không thành ấy làm mọi người nghi ngờ ông. Thậm chí, ngay cả ông Vĩnh cũng không tin tưởng vào mình nữa. Ông lại âm thầm sống cùng ký ức. Cho đến những ngày gần đây, ông mới quyết định viết thư gửi về Bộ tư lệnh Hải quân. Lá thư “tọa độ” ấy không ngờ lại trở thành tâm điểm trong cuộc đời ông: Phòng chính sách Hải quân khẩn trương xác minh và khẳng định ông chính là người lính đặc công Hải quân 126 năm xưa trong hồ sơ liệt sĩ. HỒI ỨC Chắp nối những điều ông Vĩnh nhớ lại được và nghiên cứu hồ sơ, quãng thời gian tham gia chiến đấu và trở thành “liệt sĩ” của ông được chúng tôi viết lại như sau: “Chúng tôi cho nổ mìn đánh tàu, sức mạnh của khối thuốc đã hất tôi lên bờ và làm tôi ngất. Đến khi tôi mở mắt được thì thấy đầu óc hoàn toàn trống rỗng và đã thấy mình nằm trong cũi sắt của bọn thám báo Mỹ. Bọn chúng tra tấn tôi nhiều lắm nhưng không khai thác được gì nên đã đưa tôi về trại giam… Ở trong tù, chúng tôi vẫn tổ chức sinh hoạt chi bộ Đảng. Chi bộ chúng tôi tự đề ra trách nhiệm lãnh đạo anh em tù đấu tranh đòi chế độ, chống đánh đập tù và đặc biệt bảo vệ, giữ bí mật cán bộ. Trong chúng tôi có một cán bộ khi bị bắt nhận là giáo viên nhưng đến bây giờ thì tôi nhớ ra đó là một cán bộ cao cấp của Sư 320, đơn vị phối hợp bảo vệ Đặc công chúng tôi khi đi đánh tàu… Tháng 3 - 1972, chúng tôi được trao trả tại Thạch Hãn. Tận ngày đó, tôi vẫn bị chúng nhốt trong cũi sắt, anh em lại phải đấu tranh khi được tin địch sẽ tiêm thuốc gây tê liệt cho tù binh trước khi trao trả, trong đó có tôi. Mọi người phải dìu tôi ra máy bay…”. Về Đoàn an dưỡng Nam Hà, ông Vĩnh được phong quân hàm chuẩn úy, rồi thiếu úy. Đến năm 1974, ông xin ra công tác tại Công ty nông sản Hải Phòng. Về quê, thấy ông hiền lành, thật thà, bà Chiêm đem lòng thương và chấp nhận lấy ông. Cả thôn đứng ra lo tổ chức đám cưới cho 2 người. Đến nay, ông bà có 3 người con trai. Người con trai đầu được ông đặt tên là Nguyễn Quảng Trị, một cái tên đầy duyên nợ trong ông. Ông nói đó là lần đầu tiên ông nhớ được rằng mình bị bắt ở chiến trường Quảng Trị. Tuy nhiên, những chuyện trước khi bị bắt ông không sao nhớ nổi... VĨ THANH Như vậy, trong cuộc đời quân ngũ, Nguyễn Viết Vĩnh đã trực tiếp tham gia 5 trận đánh và được tặng thưởng 2 huân chương Chiến công. Nhưng sau 41 năm tính từ ngày bị bắt, đến bây giờ thiếu úy Nguyễn Viết Vĩnh mới nhớ được mình là chiến sĩ đặc công Hải quân. Còn tính từ ngày ông có giấy báo tử, hơn 5 năm sau đó, ông mới lại được chính quyền… khai sinh. Cầm trên tay lá thư của Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, Chính ủy Hải quân cùng số tiền 5 triệu đồng trích từ quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” Quân chủng Hải quân do đại tá Nguyễn Kiều Kinh, Trưởng phòng Chính sách Hải quân trao, ông Vĩnh xúc động trào nước mắt: “Tôi hạnh phúc lắm vì đã nhớ ra được đơn vị của mình, đã được Chính ủy Hải quân viết thư thăm hỏi. Tôi chỉ ước mong sắp tới kỷ niệm ngày truyền thống Đặc công Hải quân, tôi được ra thăm đơn vị một lần…”. Ông nói vậy thôi bởi sức khỏe ông bây giờ suy sụp nhiều vì đã bị mất tới 54% sức khỏe sau khi ra tù. Cuộc sống của ông Viễn, bà Chiêm chỉ trông chờ vào vài sào ruộng khoán. Chế độ mất sức của ông bây giờ là 700.000 đồng/ tháng. Ngoài ra, ông chỉ còn phần trợ cấp theo tiêu chuẩn thân nhân liệt sĩ Nguyễn Thanh Viễn. Ngôi nhà được vợ con ông gom góp tiền xây nên hiện chẳng có thứ gì đáng tiền. Nhưng nỗi lo những chi tiêu, trang trải hàng ngày của ông bà không quan trọng bằng nỗi lo thường trực về bệnh tật của ông và ông nói mình không dám chắc sẽ trở thành “liệt sĩ” thật khi nào! |
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão