10:31 13/11/2023 Những mùa cau nở rộ, trò chơi “phu kéo mo cau” giờ có lẽ chỉ còn trong cổ tích, chỉ có hương cau vẫn vương vấn quanh vườn nhà, quả cau cùng miếng trầu vẫn là biểu tượng cho tình yêu son sắt trong các lễ cưới hỏi. Ngày lại ngày, những người làm nghề cau vẫn cần mẫn rảo quanh khắp các vùng quê, góp thêm nét thơ cho bức tranh quê hữu tình và đưa quả cau quê nhà “bay” sang tận nơi xứ người...
Hơn 20 năm nay, không ít người dân thôn Mỹ Giang, xã Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên) rủ nhau rong ruổi khắp nơi mưu sinh bằng nghề buôn cau. Chuyện nghề ăn cơm mặt đất, làm việc “trên trời” dù có nhiều vất vả nhưng mang lại cho họ nguồn thu nhập trong những lúc nông nhàn. Gặp chúng tôi đang trên bước đường rong ruổi hái cau rồi thu mua, anh Đỗ Văn Pháp khoe thành quả chuyến đi trong ngày.
Gần chục năm theo nghề, anh đã rất rành trong việc trèo và hái cau, biết nhìn cau già, cau non. Anh bảo, đi trèo cau gặp chăng hay chớ. Bởi có ngày mua những vài tạ, chở cong cả vành xe. Có lúc lèo tèo chỉ vài chục ký, lỗ công cả ngày chạy long tóc gáy khắp làng trên xóm dưới. Cũng có lúc “lấn sân” sang khu Đông Triều, Uông Bí của Quảng Ninh hoặc tuốt lên khu Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Theo kinh nghiệm của anh Pháp, với những vườn cau đã được đặt mua từ lúc mới ra hoa như kiểu con gái mới lớn đã có người dạm ngõ thì dân trèo cau không đụng tới. Thường những chủ vườn cau hay bán cho người quen biết nên dân buôn cau muốn “lọt vào mắt xanh” gia chủ đòi hỏi phải biết nghệ thuật làm mềm lòng người. Tâm lý người bán cau vườn thường muốn cầm tiền cả cục để tiện bề chi tiêu, mua sắm trong gia đình. Nhưng ngộ nhỡ bán xong mà năm ấy giá cau lên vùn vụt thì nóng mặt vì tiếc. Gặp trường hợp như thế, dân buôn cau chuyên nghiệp thường biếu cho chủ vườn một món tiền nho nhỏ gọi là… để mùa sau còn có cơ hội mua tiếp.
Mưu sinh trên những ngọn cau mướt xanh từ thuở mới đôi mươi, cho đến tận bây giờ, nghề trèo cau dường như đã “gắn” với bà Nguyễn Thị Mùi. Nhắc đến nghề, bà Mùi lại nhớ về những ngày ấu thơ nức tiếng trèo cau giỏi, nhà nào cau rộ mà cây quá cao, lại nhờ đến “cô bé hái cau”. Lớn lên, bà lấy chồng quanh quẩn với mấy sào ruộng, thửa vườn. Nhưng từ tháng 9 đến mỗi cái Tết âm lịch, bà lại rong ruổi khắp nơi trong huyện từ Lại Xuân, Kỳ Sơn xuống tận các xã Gia Minh, Gia Đức… hay khắp các vùng ngoại thành Hải Phòng hái cau rồi chở về bán.
Bà Mùi kể: “Hồi mới vào nghề, cứ chạy xe hết chỗ này đến chỗ khác để ý các vườn cau ở mỗi nhà. Sau đó gặp chủ vườn thỏa thuận giá, cứ vậy hái xong, chất đầy xe rồi chở về bán”.
Mỗi chuyến đi, bà Mùi luôn để ý cau mỗi vườn nhà phát triển như thế nào. Rồi bà nhẩm tính thời điểm cau tròn hạt sẽ quay lại. Dụng cụ làm nghề hái cau chỉ vỏn vẹn có đôi nài bằng dây thừng để tròng bàn chân leo cây, theo đó là con dao nhỏ. Nhờ nghề hái cau, bà Mùi có điều kiện nuôi các con ăn học, xây nhà kiên cố.
Mỗi ngày đi trèo cau, những “tay buôn” như anh Pháp, bà Mùi có thể kiếm tiền triệu. Và nghề cau ở nông thôn đang là nghề hái ra tiền bởi vốn liếng đã có những “đại lý” thu mua lại cấp cho. Hằng ngày chịu khó đi săn lùng, uốn tấc lưỡi dẻo quẹo để thuyết phục chủ vườn và vận dụng ngón nghề leo cau thần thánh thì dư sức nuôi vợ, nuôi con, làm nhà.
Giá cau bán cho đại lý hiện nay là khoảng hơn 12.000 đồng/kg. Nếu gặp cau vườn giá rẻ thì mua được một đôi tạ có thể kiếm cả triệu đồng như chơi, trong đó có cả công leo, công hái, công vận chuyển. Nhưng nghề leo cây hái… ra tiền trông vậy mà không dễ, đôi khi phải trả giá bằng cả mạng sống.
Hôm đó, bà Mùi cùng chồng mua cau một nhà ở thôn Thủy Minh, xã Gia Minh. Sau khi mướt mồ hôi leo hết cả vườn cau xanh, bà mới trải lòng: “Ai mới nhìn cũng thấy nhẹ nhàng, nhưng đâu dễ trèo cau. Phải biết hít hơi, đẩy người đưa toàn thân lên cao. Rồi một tay bám cây, một tay xé cau tuột xuống mà người không bị trầy xước và buồng cau vẫn không rụng một trái. Khó kinh...”.
(Còn nữa)
Thuỷ Nguyên
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão