Chuyện về người đàn bà vươn lên từ tuyệt vọng

09:48 29/12/2017

Sau một tháng lo hậu sự cho chồng về thế giới bên kia, do căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, chị Vũ Thị G., sinh 1973, ở xã An Lư, huyện Thủy Nguyên âm thầm một mình đến bệnh viện và nhận được kết quả dương tính với HIV. Bàng hoàng và tuyệt vọng, chị G. và nghĩ mình đã cầm chắc cái chết. Bao đêm dài thức trắng, nước mắt nhạt nhòa, thương bản thân và hai con nhỏ, chị tự nhủ lòng mình phải đứng vững, biết vượt lên số phận, sống có ý nghĩa đối với cuộc đời, vì tương lai của các con, đồng thời giúp đỡ những số phận bất hạnh vươn lên hòa nhập cộng đồng…

Vượt lên số phận bất hạnh

Tôi gặp chị Vũ Thị G. phòng khám thân thiện dành cho những người có HIV, tại Trung tâm y tế huyện Thủy Nguyên. Chị là đồng đẳng viên tích cực tại phòng khám, tham gia tuyên truyền phòng, chống lây nhiễm HIV; đồng thời hướng dẫn bệnh nhân đến khám bệnh có những kiến thức để sống chung với căn bệnh này. Nhìn dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt đầy đặn và nước da trắng hồng, ít ai biết chị G. đã có 12 năm chung sống với căn bệnh HIV, do lây nhiễm từ người chồng quá cố.  

Chị G. (áo đen) trao đổi kinh nghiệm phòng chống HIV/AIDS tại phòng khám thân thiện (Ảnh Hồng Hải)

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em. Năm tròn 25 tuổi, chị bén duyên vợ chồng với người đàn ông cùng xã là Nguyễn Văn H. sinh 1967. Lấy chồng được 3 năm, chị sinh liền 2 con (1 trai, 1 gái). Cuộc sống nơi thôn quê, vợ chồng chị phải lao động vất vả để mưu sinh. Sống với nhau được hơn 1 năm, chị mới nhận ra chồng là người ham chơi và nghiện ma túy có thâm niêm, lại còn có tính trăng hoa, ong bướm. Chị khuyên chồng đi cai nghiện, tu chí làm ăn để làm lại cuộc đời nhưng anh bỏ ngoài tai tất cả và ngày càng lấn sâu vào ma túy. Những đồng tiền kiếm được từ lao động vất vả, anh đều nướng sạch vào ma túy

Đầu năm 2005, anh H. bị viêm họng và sốt kéo dài, người sụt cân trông thấy. Cũng như những lần khác chồng bị ốm, chị chạy ra hiếu thuốc mua mấy liều uống là khỏi, nhưng lần này anh uống cả vốc thuốc mà bệnh không thuyên giảm. Lo lắng cho sức khỏe của chồng, chị quyết định đưa anh nhập viện. Cũng tại bệnh viện, chị chết lặng người khi cầm trên tay kết quả nhiễm HIV giai đoạn cuối của anh. Chị tự tay chị chăm sóc anh từ miếng ăn đến giấc ngủ.

Nhưng ngày cuối của cuộc đời, anh H. phải sử dụng ma túy liều cao để quên đi những đau đớn do bệnh tật. Nhìn chồng vật vã trên giường bệnh, đã nhiều lần chị tự tay tìm ven để chích ma túy cho chồng. Tháng 4-2005, anh bỏ chị ra đi trong một chiều mưa, để lại cho chị nỗi đau quá lớn, với 2 đứa con thơ dại. Thế nhưng, số phận thật trớ trêu, chị đã bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ từ chồng mà chị không hề hay biết…

Qua câu chuyện, chị G. kể lại: “Lo hậu sự cho chồng xong, tôi bị ốm nặng. Lúc đó, hai con nhỏ của tôi, đứa lớn 6 tuổi, đứa bé mới được gần 5 tuổi, tôi phải cậy nhờ sự chăm sóc của hai bên gia đình nội ngoại. Thấy sức khỏe ngày một yếu, sụt cân nhanh, tháng 5-2015, tôi làm xét nghiệm tại bệnh viện, và nhận được kết quả dương tính với HIV. Do bị suy giảm miễn dịch, nên toàn thân tôi bị lở loét…”

Chuyện chồng chị mất vì AIDS, rồi chuyện chị bị nhiễm HIV, trở thành câu chuyện được nhiều người bàn ra tán vào nơi thôn quê. Hễ ai nhìn thấy chị, họ đều tỏ ánh mắt tò mò và xì xèo. Nên cứ ra khỏi nhà là chị lấy khẩu trang che kín mặt. Chị không dám đi ăn cỗ cùng làng xóm. Mà cũng chẳng ai dám ngồi ăn cùng chị, vì sợ chị đổ bệnh cho họ khi ăn cùng mâm…

Và sau cú sốc ấy, hằng đêm chị G. đã âm thầm khóc trong nỗi chán trường đến tột cùng. Tinh thần bị giam sút, lại không có kiến thức về căn bệnh HIV/AIDS nên chị rất hoang mang và lo lắng. Nhiều lúc chị muốn tìm đến cái chết để khép lại những chuỗi ngày tuyệt vọng. Nhưng chết là chấm hết, còn hai con chị sẽ sống ra sao khi chúng đã mô côi cha, nay lại thêm mất mẹ. Tình thương của chị đối với 2 con nhỏ đã ngăn chị lại, đồng thời cũng tiếp thêm nghị lực để chị vươn lên tìm một cuộc sống có ý nghĩa. Sau nhiều ngày tĩnh tâm, chị đưa hai con đến BV làm xét nghiệm, thì nhận được kết quả âm tính. Đó là niềm hạnh phuc nhất mà cuộc sống này đã ban cho chị. Hai đứa con ngoan, học giỏi, hoàn toàn khỏe mạnh, không bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ từ bố mẹ, là động lực lớn giúp chị đứng lên sau những chuỗi ngày dài tuyệt vọng…

Trở thành đồng đẳng viên tích cực

Từ lúc phát hiện mình bị nhiễm HIV/AIDS, sức khỏe chị giảm sút hẳn, cân nặng từ 45kg, bị giảm xuống còn 37kg. Được sự giúp đỡ họ hàng nội ngoại, chị có điều kiện nhập viện để điều trị các hội chứng nhiễm trùng cơ hội do căn bệnh AIDS gây ra. Những vết lở loét trên người chị cũng dần biến mất, cân nặng của chị cũng được cải thiện, đã giúp chị yên tâm hơn phần nào. Tháng 9-2005, biết được hoàn cảnh và tình trạng bệnh của chị, Hội phụ nữ xã An Lư đã đến động viên chị đến số 35 Lê Đại Hành, quận Hồng Bàng, là Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, để được tư vấn những kiến thức cơ bản về căn bệnh thế kỷ.

Và cũng tại đây, chị được các bác sỹ tư vấn tận tình các kiến thức về HIV/AIDS, được điều trị thuốc kháng vi rút ARV. Nụ cười đã nở trên môi người đàn bà bất hạnh, khi chị G. được trang bị những kiến thức bổ ích về AIDS, biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân, phòng lây nhiễm cho cộng đồng…

Cũng tại đây, chị được tham gia câu lạc bộ (CLB) “Hoa Hải đường”, tuyền truyền phòng chống HIV/AIDS. Tại đây, chị gặp không ít những chị em bị lây nhiễm HIV từ chồng. Qua câu chuyện, chị và các thành viên trong CLB đã xích lại gần nhau hơn để động viên nhau tham gia tuyên truyền, để những người có HIV là những đồng đẳng viên tích cực, chung tay ngăn chặn và đẩy lùi căn bệnh thé kỷ ra khỏi cộng đồng…

Sinh hoạt ở CLB “Hoa Hải đường” được thời gian ngắn, chị G. trở về địa phương, tiếp cận một số chị em phụ nữ có H. ở huyện Thủy Nguyên, để chia sẽ những buồn vui trong cuộc sống, đồng thời tư vấn, giúp họ hiểu hơn về căn bệnh thế kỷ. Cứ như thế, lúc rảnh, những người có H. tìm đến  chị, rồi chị tìm đến họ để tư vấn những kiến thức về HIV/AIDS. Càng đi nhiều, chị mới thấy rằng xung quanh mình còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh, có nhiều phụ nữ nghèo cũng là nạn nhân của AIDS như chị. Rồi người này giới thiệu cho người kia, mỗi ngày những người có H. ở huyện Thủy Nguyên tìm đến chị ngày càng đông hơn.

Năm 2007, được sự giúp đỡ của Trung tâm y tế và phát triển cộng động (Cohed), chị đã mạnh dạn đứng ra thành lập CLB “Hoa Hải đường” tại huyện Thủy Nguyên. Thời điểm đầu, CLB chỉ có trên 10 thành viên, thì đến nay đã có 68 thành viên ở 19 xã tham gia sinh hoạt. Với phương châm hoạt động của CLB là tạo cầu nối và nơi sinh hoạt của những người có H.

Mỗi tháng một lần, căn nhà nhỏ của chị trở thành nơi sinh hoạt của những người nhiễm HIV/AIDS. Vậy là nhiều năm nay, các thành viên coi chị G. như người chị cả trong gia đình và căn nhà của chị là ngôi nhà thứ 2 của họ. Qua các buổi sinh hoạt, chị đã tuyên truyền kiến thức về HIV, cách xử lý nhiễm trùng cơ hội cho người có H; giúp đỡ những người nghiện đi điều trị Methadone. Chị còn động viên người có H tham gia chăm sóc tại nhà và tại bệnh viên cho người có H, đồng thời vận động các trường hợp có nguy cơ nhiễm HIV cao đi xét nghiệm tại bệnh viện. Bên cạnh các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền về HIV/AIDS, nhóm vừa hoàn thành đề án nâng cao nhận thức cộng đồng về thu gom bơm kim tiêm; đồng thời mở rộng thêm các mô hình phát triển kinh tế theo nhóm, tạo điều kiện cải thiện chất lượng sống cho người có H…

Năm 2007, với những hoạt động tích cực tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng, chị trở thành đồng đẳng viên được tiếp nhận vào làm việc tại phòng khám thân thiện giành cho những người có H. ở huyện Thủy Nguyên, do tổ chức AHF tài trợ. Hàng ngày, chị phải sắp xếp việc nhà để đến làm việc tại phnfg khám. Những người có H. đến khám bệnh, lấy thuốc ARV đều được chị G. tận tình tư vấn.

Được sống trong những vòng tay yêu thương của những mảnh đời cùng hoàn cảnh, sự đùm bọc của làng giềng, chị thấy mình không còn bị kỳ thị, xa lánh như trước đây.  Chị cũng cảm thấy sức khỏe mình ổn định để tiếp tục chăm sóc và nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành.

Bước ra từ bóng tối, biết vươn lên từ tuyệt vọng, giờ đây, chị G. đã lấy lại tự tin để sống có ý nghĩa. “Ai cũng trải qua giai đoạn sốc, buồn chán, rồi tất cả sẽ quên đi, chấp nhận và lấy lại niềm tin vào cuộc đời”- đó là triết lý sống của chị, đồng thời đã giúp bao phận người không may mắn nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS vượt qua mọi khó khăn thử thách, để bước tiếp cuộc sống có ý nghĩa…

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông