16:38 30/06/2017
Chỉ còn 1 tháng nữa là bé Bách, con trai anh Tùng sẽ tạm biệt trường mầm non. Vợ chồng anh đã tham khảo nhiều người, đến tìm hiểu một vài nơi dạy chữ trước cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Ban đầu vợ chồng anh cũng không nghĩ đến chuyện này, nhưng thấy nhiều phụ huynh trong lớp cho con đi học trước, anh lo con ở nhà sẽ thua kém bạn bè.
Anh Tùng đang tính cho học chữ trước tại lớp học của một cô giáo có kinh nghiệm đã về hưu ở gần nhà. Lớp học diễn ra vào 2 buổi sáng thường ngày trong tuần. Vì thế anh chưa biết sắp xếp thời gian như thế nào cho phù hợp. Công việc của hai vợ chồng đều xa nhà, phải có mặt ở công ty trước 7h30 và về nhà sau 17h30.
Anh đành gọi con dậy thật sớm, cho con đi đến lớp học trước cả tiếng so với giờ quy định. Lúc đó cô giáo còn chưa đến. Thằng bé vào một căn phòng trống rỗng, chỉ có mấy dãy ghế bàn, cái bảng đen, khác xa với lớp học ở trường mầm non, nên vẻ mặt hơi e dè, lo sợ. Nó cứ bám lấy gấu áo, trốn sau lưng bố, không muốn vào. Anh phải dỗ dành mãi, thằng bé mắt rơm rớm mới lủi thủi đi vào ghế ngồi một mình.
Anh đành nói khó với chủ nhà, cho cháu được ngồi chờ cô giáo ở trong phòng học, dù chẳng yên tâm chút nào. Chủ nhà không mấy vui vẻ khi bị gọi mở cửa trước cả tiếng nhưng cũng đành chịu. Thấy con một mình, anh Tùng cũng thương, nên khi con vào lớp rồi anh vội vàng đi ngay.
Giờ đi học đã thế, giờ tan học lại vào giữa buổi làm, khoảng 10h là kết thúc. Công việc ngập đầu ngập cổ, anh Tùng tính để vợ xin nghỉ giữa giờ đi đón con về gửi bà ngoại, nhưng nghĩ thương vợ đường xa nên anh lại cố. Anh đành gác công việc lại cả tiếng đồng hồ cho việc học hành của con.
Ngày đầu tiên Bách đi học, anh phải đến đón đúng giờ, anh lo con sẽ mong, không thấy bố mẹ đến lại sợ sệt, buồn tủi. Vừa đứng trước cửa lớp, chưa kịp nhìn vào để tìm con thì thằng bé đã chạy ào ra ôm chầm lấy bố, mếu máo, nấc nghẹn: “Bố ơi, bố ơi, con không muốn học chữ. Cô giáo chê con viết chậm, viết chưa đúng. Lại không có bạn bè của con. Con muốn học trường mầm non cơ. Ở đó có nhiều trò chơi, nhiều bạn, vui hơn…”.
Anh Tùng ôm lấy con dỗ dành: “Thôi được rồi, hai bố con mình về nhà bà ngoại đã, đến tối bố mẹ đi làm về rồi chúng ta sẽ nói chuyện nhé”. Thằng bé nắm chặt tay bố, vừa bước đi vừa sụt sùi.
Đến tối, khi ăn cơm xong, vợ chồng anh Tùng mang bài vở của con trên lớp học chữ ra xem. Những nét tô chữ ngoằn nghèo, vợ chồng anh Tùng bấm bụng không dám cười mà luôn miệng động viên con là buổi đầu tiên viết như thế là giỏi rồi. Nhưng khi xem đến phần bài tập cô cho để con làm ở nhà, anh Tùng cũng bắt đầu thấy rịn mồ hôi trán. Được 2 ngày nghỉ mà cô cho đến 8 - 9 trang viết.
Buổi tối hôm đó, lập tức vợ anh phải bắt con ngồi vào bàn học để hướng dẫn con viết bài, vì ngày mai anh chị lại phải đi làm cả ngày. Thằng bé, sáng mới đi học, giờ lại ngồi vật lộn với mấy trang viết, mặt nó buồn thiu. Nó nghĩ ra đủ mọi lý do để trì hoãn việc viết chữ lại. Kết quả là đến 11h đêm, 2 mẹ con mới hoàn thành được 2 trang viết. Đến ngày thứ 2 cũng vậy. Mai lại đi học buổi nữa rồi mà bài tập còn chưa xong.
Tuần đầu qua đi, đến tuần thứ 2, tuần thứ 3 thì không chỉ bé Bách mà cả vợ chồng anh cũng rất mệt để theo kịp bài học của con. Anh bàn với vợ rồi quyết định cho con ở nhà, không cho thằng bé học chữ trước nữa.
Cũng muốn cho con học chữ trước khi vào lớp 1, nhưng chị Mai lại chọn cách khác. Trước khi cho con đi học làm quen với chữ, chị Mai thường xuyên cho Ngọc, con gái chị đến trường tiểu học để đón anh trai, với mong muốn cho con không cảm thấy quá bỡ ngỡ, xa lạ khi bước vào lớp 1. Mỗi lần chị đưa con gái đến trường, chị lại cho con vào lớp học, giới thiệu cho con bảng đen, phấn trắng, góc thư viện, phòng máy tính… Trước 1 tuần đi học, chị Mai cho Ngọc vào hiệu sách để con tự chọn mua những đồ dùng học tập cần thiết, mua một bộ bàn ghế học sinh. Ngọc cũng thấy hào hứng lắm.
Buổi đầu tiên bé Ngọc đi học chữ, con cũng chẳng thích thú gì. Con cũng muốn nghỉ ở nhà. Chị Mai cũng không ép việc con làm bài tập, chỉ nhẹ nhàng động viên con gái. Chị kể cho con nghe những kỷ niệm ngày đầu tiên đi học chữ của mình, những trò chơi với bạn bè cùng lớp, những món quà sẽ được cô giáo và bố mẹ thưởng nếu học hành chăm chỉ….
Ngọc cũng hiểu phần nào đó rồi lại tự nguyện muốn mẹ đưa tới lớp. Buổi thứ 2, thứ 3… khi bàn tay đã mềm dẻo, con chữ đã bớt phần nghuệch ngoạc, Ngọc được cô giáo khen, tặng những phần quà nhỏ cho sự tiến bộ nên con ngày càng vui vẻ khi đến lớp. Chị Mai lúc đó mới thấy nhẹ lòng đi phần nào.
Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục thì trẻ vào lớp 1 là bước ngoặt của cả con và cha mẹ. Ngày đầu tiên đi học sẽ là dấu ấn trong tâm thức của trẻ cho đến khi trưởng thành. Vì vậy, kiến thức chỉ là một phần đối với trẻ trong giai đoạn này, quan trọng là trong buổi đầu con đến với môi trường mới với thầy cô, bạn bè mới cũng như quy tắc mới. Bố mẹ cần lắng nghe con, chuẩn bị tốt về tâm lý cho con, giúp con làm quen bằng cách cùng đi học với con để cho con luôn có cảm giác an toàn, được thương yêu, chia sẻ... Hơn nữa giai đoạn này, bé tiếp tục có những thay đổi về thể chất như rụng răng sữa, mọc răng hàm, nên dễ mắc bệnh.
Trong khi đó, nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh, những thắc mắc về mọi hiện tượng của bé nhiều hơn. Vì vậy cha mẹ cần quan tâm đến sức khỏe, việc rèn luyện thể chất của con mình. Thay vì quá lo cho con học chữ trước, cha mẹ hãy cho con làm quen với trường mới, sách vở, rèn luyện tính tập trung của con, tạo hứng thú cho con khi ngồi vào bàn học với lời khen, hay phần thưởng nào đó... Bé sẽ tự tin đến lớp và cảm thấy mình “được học lớp 1”, chứ không là “phải học lớp 1”.
Xuân Hạ
22:29 23/11/2024
09:46 21/11/2024