19:08 28/04/2020 Đầu năm 1975, tình hình cách mạng miền Nam diễn ra hết sức khẩn trương, chuyển biến mau lẹ, mở ra khả năng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc sẽ đi đến thắng lợi hoàn toàn, non sông được thu về một mối. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Bộ Công an, trong khí thế rầm rập quân đi mở màn mùa xuân đại thắng, lực lượng Công an Hải Phòng đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ngay sau chiến dịch Tây Nguyên giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột (11-3-1975), Đảng ủy và Giám đốc CATP đã tổng động viên toàn lực lượng chi viện cho công tác an ninh ở các tỉnh, thành phố vừa được giải phóng. Không khí sục sôi, hừng hực thế tiến công cách mạng. 100% CBCS hăng hái viết đơn tình nguyện ra chiến trường, trong đó có nhiều lá đơn viết bằng máu. Tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của toàn lực lượng Công an Hải Phòng đã xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong cuộc kháng chiến thần thánh ấy của dân tộc, những cán bộ Công an Hải Phòng chi viện cho chiến trường miền Nam đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian nan nguy hiểm, không quản ngại hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong số đó đã có 40 đồng chí đã anh dung hy sinh, nhiều đồng chí chiến đấu bị thương, bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn một long trung kiên bất khuất, chấp nhận hy sinh không đầu hang…
Cán bộ, chiến sĩ Công an miền Bắc nô nức lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam (ảnh tư liệu).
Mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh, thành phố của khu 5 được giải phóng, Công an Hải Phòng đã cử trên 300 cán bộ lên đường thần tốc hành quân, kịp thời tiến vào tiếp quản Đà Nẵng vừa được giải phóng. Tính đến đầu tháng 4-1975, đã có tới hơn 1.400 CBCS lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Các chiến sỹ đều được huấn luyện, học tập, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, lập trường quan điểm cách mạng, chính sách tiếp quản của Đảng, trau dồi 6 điều Bác Hồ dạy CAND. Đáng quý hơn, họ còn được lãnh đạo CATP phổ biến những kinh nghiệm đã được đúc kết trong suốt 20 năm chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an Hải Phòng, nhất là những phương án tiến công chiếm lĩnh và quản lý ANTT thành phố trong những ngày đầu mới giải phóng (13-5-1955).
Sát cánh cùng với các chiến sỹ giải phóng, hầu hết các CBCS được cử đi chi viện cho tiền tuyến đều lập công xuất sắc. Tiêu biểu là đơn vị Cảnh sát PCCC làm nhiệm tại thành phố Đà Nẵng đã dung cảm dập tắt vụ cháy, giữ an toàn kho vũ khí, bảo đảm tính mạng và tài sản cho nhân dân thị xã Hội An. Khó có thể kể hết những chiến công thầm lặng của CBCS Công an Hải Phòng ở mặt trận phía Nam. Họ đã phải vượt qua bao khó khăn, gian khổ cùng lực lượng an ninh địa phương nhanh chóng ổn định tình hình ANTT ở vùng mới giải phóng, trấn áp tội phạm, truy quét phản động, đấu tranh với bản thân để không trúng những “viên đạn bọc đường” giữa chốn đô thị phồn hoa của ngụy quyền tư sản. Bằng kinh nghiệm công tác, nhiều CBCS có những đóng góp xây dựng lực lượng công an địa phương và sau này được cử giữ các trọng trách của ngành an ninh, như các đồng chí: Nguyễn Hữu Điển (tức Tư Thanh), Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban an ninh tỉnh Ninh Thuận; Nguyễn Thào, Tỉnh ủy viên, Phó Ban an ninh tỉnh Lâm Đồng; Nguyễn Văn Vinh, Phó Ban an ninh tỉnh Bình Thuận; Nguyễn Văn Rã, Phó Ban an ninh tỉnh Quảng - Đà; Bùi Hữu Hới, Phó Ban an ninh tỉnh Bình Dương; Dương Văn Mùi (tức Tư Mỹ), Ủy viên an ninh tỉnh Thủ Dầu Một; Dương Minh, Phó Giám đốc Công an thành phố Vũng Tầu; Bùi Đình Lập (tức Bùi Quang Hiệp), Trưởng Phòng Chấp pháp, Giám thị Trại giam tỉnh Lâm Đồng…
Hiện chưa có con số thống kê đầy đủ về các chiến sỹ Công an Hải Phòng được vinh dự có mặt trong đoàn quân rầm rập tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975, chứng kiến giờ phút trọng đại của lich sử. Chỉ biết rằng, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, 250 CBCS Công an Hải Phòng lại hăng hái lên đường vào Nam làm nhiệm vụ, nhiều đồng chí tham gia truy quét bọn Ful-rô, tội phạm hình sự và các tệ nạn xã hội. Đồng chí Trần Đông, Giám đốc Sở CATP Hải Phòng được Ban Bí thư Trung ương Đảng cử làm Trưởng Đoàn cán bộ cấp cao của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) thị sát tình hình và giúp các tỉnh khu 5 vừa được giải phóng, ổn định tình hình ANTT.
Do có nhiều kinh nghiệm và nhờ đúc rút được nhiều bài học xương máu, bổ ích qua công tác quản lý giữ gìn ANTT thành phố Cảng trong những ngày đầu tiếp quản Hải Phòng (năm 1955) nên lực lượng CATP chi viện cho mặt trận phía Nam đã thực sự là những chuyên gia giỏi, những cán bộ nòng cốt trong bảo đảm ANTT ở các tỉnh, thành phố những ngày đầu giải phóng. Họ đã góp phần tích cực trong công tác xây dựng lực lượng an ninh địa phương, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh cảm mến, khâm phục, ghi nhận những công lao đóng góp. Điều trân quý là trong số họ có rất nhiều người đã từng trực tiếp tham gia tiếp quản Hải Phòng, để rồi 20 năm sau lại có mặt công tác tại thành phố mang tên Bác, tại các tỉnh Đà Nẵng, Gò Công kết nghĩa…
Trang sử vàng truyền thống của CATP Hải Phòng mãi mãi còn sáng chói chiến công của các anh - những chiến sỹ CATP Cảng vào thời khắc lịch sử không thể nào quên đó của dân tộc. 45 năm đã qua song truyền thống ấy luôn là tấm gương sáng giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục được nhân lên, phát huy nối bước cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thống nhất, giàu mạnh hôm nay.
ANHP