11:40 05/09/2024 Chủ tịch UBND thành phố vừa ban hành Công điện gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.
Cụ thể, Công điện nêu rõ, theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4 giờ ngày 4/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 13, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 10km/h.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km. Đến 4 giờ ngày 5/9, vị trí tâm bão ở khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16. cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Dự báo bão số 3 sẽ tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 14, giật cấp 17 trong những ngày tới, di chuyển về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) và khu vực Vịnh Bắc Bộ, khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền khu vực Bắc Bộ.
Thực hiện Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ; để kịp thời chủ động ứng phó với bão, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, quận và Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:
Một là. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất các điều kiện để chủ động triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Hai là. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản; hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn để đảm bảo an toàn.
Ba là. Theo dõi chặt chẽ diến biến của bão; Kiểm đếm, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyến về nơi trú tránh an toàn; quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thuỷ sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tầu thuyền; gia cố lồng bè thủy sản; tuyệt đối không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản khi có gió mạnh hoặc bão đổ bộ, đặc biệt là khách du lịch trên biến và các đảo; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Cơ quan Thường trực về phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cầu qua sông, hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển; chủ động trao đổi cùng Sở Giao thông vận tải để thông tin, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam dừng hoạt động của cầu vượt biển.
Bốn là. Chủ động rà soát, thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu.
Năm là. Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều (nhất là các vị trí xung yếu), khu, cụm công nghiệp, công trình đang thi công (đặc biệt lưu ý các công trình cao tầng), cầu tàu, bến cảng, khu hậu cần dịch vụ cảng, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc, khu vực khai thác khoáng sản, khu nuôi trồng thuỷ sản, trang trại, gia trại nông nghiệp, cắt tỉa cây xanh.
Sáu là. Chủ động các biện pháp tiêu nước trong hệ thống thủy lợi đề phòng ngập úng, bảo vệ cây trồng; rà soát, có phương án đảm bảo tiêu thoát nước đô thị trong trường hợp mưa lớn gây ngập lụt; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, để giảm thiểu thiệt hại.
Bảy là. Rà soát, sẵn sàng phương án và tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt tại các khu vực sạt lở do mưa lớn gây ra; Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Tám là. Đề nghị Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I chỉ đạo, hướng dẫn các tàu, thuyền, phương tiện thủy neo đậu tại các vùng nước do đơn vị quản lý đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến các công trình kết cấu hạ tầng khác khi có sự cố xảy ra.
Chín là. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sụ thành phố chủ động kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống theo địa bàn, lĩnh vực đã đuợc phân công.
Mười là. Đề nghị Thường trực các quận ủy, huyện ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão trên địa bàn quản lý.
Mười một. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực về phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố (Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai).
KC
22:01 22/11/2024
22:00 22/11/2024
21:17 22/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão