09:25 24/09/2020 Với kết quả đã nêu, có thể nói chưa có thời điểm nào thành phố lại có những bước đột phá chiến lược trong phát triển công nghiệp như những năm qua, khẳng định vững chắc hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ 15.
Gia công sản xuất tại Khu công nghiệp Nomura
Đánh giá về lĩnh vực này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các Bộ, Ban, ngành Trung ương trong các chuyến thăm và làm việc tại Hải Phòng đều có chung nhận xét: Ngành công nghiệp phát triển mạnh, đã từng bước đưa Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, một trong những trung tâm công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao của cả nước.
Công nghiệp thành phố phát triển cả về quy mô, chất lượng và tốc độ, cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng hợp lý, hiện đại; xuất hiện nhiều nhiều phân ngành, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, hướng tới phát triển bền vững.
Thành phố đang trở mình mạnh mẽ, lấy nền tảng vị thế làm điểm tựa phát triển, kết quả ngày càng rõ nét. Thành tựu công nghiệp không chỉ tạo nguồn đưa Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhanh và lớn nhất nước, mà còn tạo thế chủ động cho nguồn lực thương mại, dịch vụ.
Quan trọng nữa, công nghiệp phát triển tiếp tục tạo nhiều việc làm, tương hỗ với thu nhập cho cộng đồng xã hội, đồng thời tham gia đóng góp vào ngân sách nhà nước. Rõ ràng, mục tiêu phát triển công nghiệp đã đem đến những kết quả thiết thực, toàn diện, cho thấy tính chất trụ cột trong phát triển kinh tế đồng bộ.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều thách thức, các địa phương khác trong cả nước cũng không ngừng phát triển theo xu hướng thời đại, đòi hỏi nền kinh tế nói chung và công nghiệp của Hải Phòng nói riêng cần có nhiều hơn nữa sự vận động mang tính cách mạng, đáp ứng đúng và đủ yêu cầu trong tình hình mới.
Thời gian qua, trong quá trình rà soát, tổng hợp những kết quả đạt được cũng như đúc rút những bài học kinh nghiệm, có ý kiến cho rằng bên cạnh những đột phá, công nghiệp Hải Phòng cần những bước tiến mới, để thực sự trở thành trung tâm của cả nước và khu vực, hoàn thiện hơn những giải pháp cạnh tranh.
Sản phẩm máy giặt được sản xuất tại Khu công nghiệp Tràng Duệ
Theo lý giải, tỷ trọng đóng góp của công nghiệp thành phố trong giá trị sản xuất chung chủ yếu vẫn là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các ngành sản xuất có sự tham gia của doanh nghiệp trong nước ít được đầu tư, đổi mới; sản xuất hàng xuất khẩu vẫn chủ yếu dựa trên nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển; tốc độ đổi mới và ứng dụng công nghệ còn chậm…
Hạ tầng về công nghệ cao còn yếu, đa phần các doanh nghiệp FDI đều có hoạt động đa quốc gia vì vậy công tác quản lý, chống thất thu thuế, chống chuyển giá gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn lao động qua đào tạo còn thiếu, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp khu kinh tế và khu công nghiệp. Thu nhập người lao động không đồng đều và xuất hiện tình trạng thiếu lao động trên diện rộng…
Đi vào chi tiết nội dung đánh giá trên, có thể thấy rất rõ điều đó. Trong một thời gian dài, nhiều mô hình sản xuất chỉ nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề trước mắt, các địa phương mạnh đâu nơi đó làm, hoang phí sức lao động, phá vỡ kết cấu tài nguyên, đã để lại hệ lụy lâu dài mà trong một thời gian ngắn không dễ khắc phục.
Bên cạnh đó, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong nền kinh tế thành phố vẫn chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào sự đóng góp của 3 yếu tố: vốn, lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Tỷ lệ chi phí trung gian trong tổng giá trị sản xuất cao, tỷ trọng nhóm ngành gia công tới còn quá lớn, tốc độ tăng trưởng của chi phí trung gian luôn cao hơn tăng trưởng của giá trị sản xuất.
Ở một góc độ khác, cũng trong thời gian qua, diễn biến kinh tế thế giới có nhiều thay đổi theo hướng tiêu cực, nhất là tác động của tranh chấp thương mại quốc tế và đại dịch Covid-19, dẫn đến nhiều nhóm ngành công nghiệp có tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế Hải Phòng suy giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn, đình đốn sản xuất gia tăng.
Cho đến tận thời điểm này, thành phố vẫn còn nhiều mô hình cơ cấu đầu tư mất cân đối, thiên về vật chất kỹ thuật, việc hình thành tài sản trí tuệ và khoa học công nghệ chưa được quan tâm, chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu hụt lao động có trình độ cao.
Hơn nữa, sau mấy chục năm thu hút đầu tư, mục tiêu làm chủ các công nghệ không những không đạt được, mà quỹ tài nguyên bị hao tổn, nhóm gia công phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu chiếm tới trên dưới 90% GRDP ngành công nghiệp. Trong khi hầu hết nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị phải nhập khẩu, một phần không nhỏ là công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường.
Về phát triển các khu kinh tế, Hải Phòng cũng là một điểm sáng của cả nước, thành phố còn có nhiều khu cụm công nghiệp tập trung ngoài khu kinh tế. Mặc dù vậy, cơ cấu theo thành phần kinh tế ít biến động, chiếm đa số vẫn là khu vực có vốn FDI, đóng góp ngân sách tại các khu kinh tế, khu công nghiệp đạt khá thấp.
Đây là thách thức không hề nhỏ, trong hoàn cảnh Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ, mà Hải Phòng được xác định là một trong những cực hội nhập sâu và rộng nhất, sẽ tiếp cận trực tiếp với những làn sóng đầu tư, chuyển dịch công nghệ, cạnh tranh tiêu thụ và chuyển dịch lao động mang tính toàn cầu. Những nội dung này đã được Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam nêu trong tham luận tại Đại hội 15, đến nay vẫn là vấn đề cần tiếp tục khắc phục.
Đáng mừng là trong những năm gần đây, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15 bước đầu đã tạo thế đòn bẩy, giúp việc tái cơ cấu ngành công nghiệp được đẩy mạnh. Tuy nhiên trước diễn biến thay đổi mang tính xu thế toàn cầu, trên cơ sở chớp thời cơ, nhận diễn rõ hạn chế thách thức, ngành công nghiệp cũng cần thay thế toàn diện mô hình tăng trưởng cũ.
Điều này cũng chính là kỳ vọng chung của kinh tế thành phố, trong định hướng chiến lược giai đoạn 2020-2025.
Lê Minh Thắng (Còn nữa)
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão