09:11 23/09/2020 Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố đề ra chỉ tiêu phấn đấu cho lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2016-2020 với mức tăng trưởng bình quân 14%/năm. Có thể khẳng định, với những gì đạt được, công nghiệp Hải Phòng đã vượt xa mục tiêu, đưa ngành kinh tế mũi nhọn này trở thành đột phá trong những thành tựu đột phá của thành phố Cảng nhiệm kỳ qua.
Hệ thống nhà xưởng sản xuất hoàn toàn do Robot tự động tại Tổ hợp công nghệ cao Vinfast tại Cát Hải
Từ các sự kiện liên quan đến những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành không dưới một lần khẳng định: “Hải Phòng xuất thân là thành phố công nghiệp, đã và đang phát triển mạnh mẽ về công nghiệp và luôn sẽ là thành phố lấy công nghiệp là trụ cột…”.
Về định hướng chiến lược, có thể nói trong giai đoạn trước Đại hội 15 Đảng bộ thành phố, Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị là điểm nhấn hết sức quan trọng, nhưng điều quyết định là thành phố đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, biến đó trở thành mũi nhọn của mình và của cả nước. Thành phố Cảng - có thể nói đã nhận diện đúng thực trạng, tự tin với thành tựu, đánh giá đúng tiềm năng và thách thức, phát huy nội lực và tranh thủ sự hỗ trợ từ ngoại lực để đi lên. Những bài học thực tiễn trên đã được Trung ương khuyến khích: “Hải Phòng cần phát triển theo hướng phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế, để xây dựng trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước…”.
Cụ thể hóa tinh thần đó, Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố đã nêu rõ: “Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phát triển Hải Phòng thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao, được xác định là nhiệm vụ, giải pháp đột phá”. Mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao đã đạt được những thành tựu quan trọng, thể hiện tập trung trong những năm gần đây, ngày càng hội nhập với khu vực và quốc tế. Nếu như giai đoạn mấy chục năm trước, các dự án FDI chủ yếu đến từ Châu Á nhưng đến nay đã có hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có nhà đầu tư đến Hải Phòng, trong đó có khoảng 80% vốn FDI đầu tư vào các ngành công nghiệp.
Điều tích cực là, sau một giai đoạn thu hút đầu tư có phần ồ ạt, phần lớn nhằm giải quyết vấn đề nhân công, thời gian qua chúng ta đã chuyên sau vào lĩnh vực công nghệ cao, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, bảo vệ môi trường. Hơn nữa, đã thu hút được nhiều dự án tập trung trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo mới, từ các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia, thuộc nhóm thương hiệu hàng đầu thế giới như các nhà máy của Tập đoàn LG, GE, Bridgestone, Chevron, Idemitsu, Kyocera, Nippro Pharma, Fuji Xerox…
Một góc khu công nghiệp Nomura Hải Phòng
Bên cạnh đó, thành phố cũng thu hút trên 200 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng, phần lớn đầu tư vào các lĩnh vực truyền thống của Hải Phòng như: đóng tàu, sản xuất xi măng, sản xuất thép, sản xuất và phân phối điện, sản xuất da giày, dệt may… Đặc biệt, đã thu hút được dự án Tổ hợp công nghệ Vinfast của Tập đoàn Vingroup đầu tư tại đảo Cát Hải với diện tích 335 ha, tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng, đánh dấu mốc quan trọng, tạo sự chuyển biến về chất của nền công nghiệp, thiết thực góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Không dừng ở đó, Hải Phòng còn có bước tiến xa hơn khi khép kín bản đồ công nghiệp trên địa bàn với các dự án sản xuất, chế biến ở khu vực ngoại ngành, tiêu biểu là dự án Nhà máy chế biến nông sản của Công ty Cổ phần Lavifood tại huyện Tiên Lãng với diện tích 15,46 ha, vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng; Khu nông nghiệp công nghệ cao VinEco của Tập đoàn Vingoup...
Công nghiệp ngày càng khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là nhân tố chủ đạo trong sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thành phố. Đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo đúng định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Hiện nay, các cơ sở sản xuất công nghiệp được phân bố ở 14 quận huyện (trừ huyện đảo Bạch Long Vĩ) với nhiều phân ngành gắn liền với đặc điểm và lợi thế của từng địa phương. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực, sử dụng hiệu quả hơn năng lượng, lao động. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng tăng bình quân 14,94%/năm, gấp 1,42 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội 15 đề ra (10,5%/năm), gấp 2,1 lần giai đoạn 2011-2015 (7,08%/năm) và gấp 2,2 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước. Thành tựu chung đã đột phá, nhưng nhìn vào tăng trưởng của ngành công nghiệp càng thấy sự đột phá rõ nét hơn, với vai trò dẫn dắt, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung.
Cụ thể, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 21,26%/năm, cao nhất trong 3 khu vực kinh tế, gấp 1,9 lần tốc độ tăng của khu vực dịch vụ (11,12%/năm) và gấp 1,4 lần tốc độ tăng trưởng chung. Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 22,17%/năm, gấp 1,58 lần mục tiêu đề ra (14%/năm), gấp 2,28 lần so với giai đoạn 2011-2015 và gấp hơn 2 lần tốc độ tăng chung cả nước. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2020 ước đạt 89.790 tỷ đồng, gấp 2,67 lần so với năm 2015 (33.626 tỷ đồng), tăng trưởng bình quân 21,71%/năm, gấp 1,86 lần giai đoạn 2011-2015 (11,69%/năm). Đáng chú ý, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% năm 2015 ước lên 45,5% năm 2020.
Lê Minh Thắng