Công viên Sơn thủy vĩnh hằng: Một dự án đáp ứng nhu cầu xã hội

22:48 01/02/2016

 

Một góc dự án công viên nghĩa trang cát táng “Sơn thủy vĩnh hằng”
Một góc dự án công viên nghĩa trang cát táng “Sơn thủy vĩnh hằng”

Tọa lạc tại thung lũng núi Sơn Đào (xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên), dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang cát táng công viên “Sơn thủy vĩnh hằng” có vị trí tựa thế “gối sơn đạp thủy”, hội tụ đủ các yếu tố phong thủy. Dự án đang từng bước đi vào hoàn thiện, hứa hẹn là nghĩa trang cát táng hiện đại, văn minh, có cảnh quan vào hàng đẹp nhất trên địa bàn thành phố và khu vực, đáp ứng nhu cầu thiết thực là nơi yên nghỉ cho người đã khuất...

Nơi yên nghỉ cho người đã khuất

Dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang cát táng công viên “Sơn thủy vĩnh hằng” tại khu vực núi Sơn Đào do Công ty cổ phần Minh Phúc làm chủ đầu tư. Đây là dự án đầu tiên được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 theo mô hình công viên nghĩa trang tại quyết định số 203/QĐ-UBND với tổng quy mô 13ha. Tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 96,34 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mô hình của một công viên nghĩa trang không có hung táng nên diện tích bố trí mộ cát táng chỉ hơn 4,3 ha. 2/3 diện tích còn lại (8,4ha) ưu tiên dành xây dựng các hạng mục cảnh quan gồm: công viên cây xanh, hồ điều hòa, đường giao thông, bãi đỗ xe, khu nghỉ ngơi cho khách thăm viếng vãn cảnh...

Ông Phạm Văn Mẫn, Giám đốc công ty thông báo: Sau một thời gian nỗ lực thi công đến nay, dự án đã hoàn thành các hạng mục quan trọng với khối lượng lớn gồm: cổng vào, nhà điều hành, hồ điều hòa, các tuyến đường giao thông cơ bản, công viên cây xanh. Đặc biệt, 2 khu cát táng (khu C, D) hiện đã hoàn thiện với sức chứa hàng ngàn mộ phần được quy hoạch bài bản thành các khu mộ dòng họ, mộ phần gia đình, mộ đơn hoặc mộ đôi.

Đáng chú ý, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt theo thiết kế được phê duyệt, các công trình kiến trúc trong công viên nghĩa trang “Sơn thủy vĩnh hằng” luôn nhấn mạnh các yếu tố về phong thủy tâm linh, tạo nên sự hội tụ giao cảm hài hòa giữa người trần thế và người đã khuất, đón nhận “khí thiêng” trời đất. Nổi bật là cổng vào (Vĩnh hằng môn) của công viên nghĩa trang được thiết kế theo nét văn hóa truyền thống dân tộc với điểm nhấn kiểu Tam quan đình chùa cổ.

Tiếp đó là Đại lộ vĩnh hằng có chiều dài hơn 800m dẫn đến đền cầu siêu. Giao thông 2 chiều với tuyến đường song song nằm về phía bắc, có bồn hoa, cây xanh ở giữa tạo cảm giác yên ả, thoáng mát và đặc biệt ấn tượng ngay từ những bước chân đầu tiên. Một điểm nhấn trên đại lộ Vĩnh hằng là nút giao thông, điểm khởi đầu của các tuyến đường nội bộ dẫn đến các khu vực trong công viên. Nơi đây có đặt bức tượng Đức địa tạng Vương Bồ tát được chế tác bằng đá xanh ngọc bích từ làng đá Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).

Đi kèm là các dịch vụ gia tăng như: chăm sóc mộ phần, thắp hương rằm mùng một hàng tháng hay ngày lễ tiết, bảo vệ an ninh, cắt tỉa, lau dọn từng phần mộ…

Được biết, nhiều khách hàng trong và ngoài thành phố đã đến thăm quan, hợp đồng thuê đất lo cho người thân đã khuất và hài lòng với quy hoạch của dự án, phong cách phục vụ chuyên nghiệp của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Mẫn, hiện tại doanh nghiệp đang tiếp tục thi công ngày đêm để đảm bảo tiến độ hoàn thiện các khu cát táng còn lại (A, B) và các hạng mục như đền cầu siêu, khu vực lưu giữ tro cốt. Là mô hình mới song với cách làm bài bản của doanh nghiệp, thực tế cho thấy khi đi vào hoạt động đất nghĩa trang đã không còn là đất “chết” vì nơi đây không đơn thuần là nơi an nghỉ của người đã khuất mà còn là nơi có khung cảnh sạch đẹp, đồng thời cũng là một địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của địa phương và khu vực. Mỗi chuyến đi thăm viếng người thân sẽ không còn cảm giác nặng nề nữa, mà thay vào đó sẽ như một chuyến đi dã ngoại, thăm nguồn cội ông bà tổ tiên - nơi truyền thống gia đình được tôn vinh, các thế hệ con cháu luôn luôn được nhắc nhở phải biết yêu thương đùm bọc.

Phù hợp với quy hoạch phát triển

Theo đề án phát triển và quản lý đô thị Hải Phòng đến năm 2020 tầm nhìn 2050, thành phố sẽ “đóng cửa” các nghĩa trang trong khu vực trung tâm thành phố và từng bước di chuyển hết các nghĩa trang nhỏ lẻ nằm trong các khu dân cư đưa vào nghĩa trang theo quy hoạch để cải tạo cảnh quan môi trường.

Trong khi đó, theo Viện quy hoạch thành phố (Sở Xây dựng) thì tổng diện tích đất nghĩa trang toàn thành phố hiện là hơn 1.095,01 ha (chiếm  khoảng 0,72% tổng diện tích đất tự nhiên) gồm 2 nghĩa trang cấp thành phố (nghĩa trang Ninh Hải có diện tích 7 ha; nghĩa trang Phi Liệt 15 ha) và các nghĩa trang ở địa bàn xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, đối với nghĩa trang Ninh Hải (phường Anh Dũng, Dương Kinh) thì theo lộ trình quy hoạch đã đến lúc phải dừng việc chôn cất mả mới, mộ hung táng bởi công suất mặt bằng và nhất là yêu cầu vệ sinh môi trường ở khu đô thị mới. Còn lại thực trạng việc xây dựng tự phát, bố trí các khu nghĩa trang phân tán, thiếu quy hoạch nhất là đối với địa bàn khu vực ngoại thành như hiện nay đã và đang gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng xấu môi trường sống của người dân.

Người thân đến thăm viếng phần mộ tại nghĩa trang
Người thân đến thăm viếng phần mộ tại nghĩa trang

Bên cạnh đó, không ít địa phương chưa có quy chế quản lý, quy định cho việc chôn cất các phần mộ, người dân sử dụng, xây dựng còn tuỳ tiện, không theo hàng lối, không có khoảng cách nhất định… Đại diện Sở Xây dựng thành phố phân tích: Nghị định số 35 của Chính phủ khuyến khích việc huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng mô hình công viên nghĩa trang. Song song với việc quy hoạch những khu đô thị mới khang trang, hiện đại, thành phố khuyến khích hình thức chôn cất hỏa táng, đồng thời bố trí quỹ đất cho việc quy hoạch các nghĩa trang tập trung theo mô hình dạng công viên để nơi đây không đơn thuần chỉ để an nghỉ của người đã mất mà còn là nơi có khung cảnh văn minh, sạch đẹp cho người thân đến thăm viếng mộ.

Việc xây dựng công viên nghĩa trang này sẽ giải quyết được vấn đề bức xúc hiện nay là sự quá tải tại các nghĩa trang trong đô thị, tiếp đó là giải quyết được yếu tố về môi trường. Do đó, việc đầu tư xây dựng các nghĩa trang cát táng theo mô hình công viên nghĩa trang “Sơn thủy vĩnh hằng” như trên có thể coi là một “hướng mở” đảm bảo cảnh quan môi trường và phù hợp với quy hoạch phát triển của thành phố, mặt khác là đáp ứng nhu cầu thiết yếu, đang ngày càng bức xúc của người dân về nơi yên nghỉ cho người đã khuất.

ĐỖ HIẾU


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích