10:13 30/12/2020 Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 547.506 ca mắc COVID-19 và trên 12.500 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên trên 82,2 triệu, trong đó có gần 1,8 triệu ca tử vong. Nước Mỹ phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 mới.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 30/12 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 82.241.526 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.794.311 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 58.259.136 người, 22.188.079 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 105.729 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (143.596 ca), Brazil (56.661 ca) và Anh (53.135 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.735 ca), tiếp theo là Brazil (1.040 ca) và Đức (935 ca).
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 345.916 ca tử vong trong tổng số 19.925.314 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 148.470 ca tử vong trong số 10.245.276 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 192.681 ca tử vong trong số 7.563.551 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 166 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 125 người và Italy với 120 người.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 25,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 555.100 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 499.400 ca tử vong trong hơn 15,2 triệu ca nhiễm.
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 16/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Bắc Mỹ có hơn 349.900 ca tử vong trong hơn 19,8 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 217.100 ca tử vong trong hơn 13,7 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 89.200 ca tử vong, châu Phi có hơn 63.300 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 945 người.
Mỹ phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến chủng COVID-19 mới
Giới chức y tế bang Colorado ngày 29/12 thông báo phát hiện bệnh nhân đầu tiên nhiễm biến thể B.1.17 của virus COVID-19, đúng loại gần đây xuất hiện tại nước Anh. Đó là một nam thanh niên độ tuổi 20, sống tách biệt tại hạt Elbert. Hiện tại, giới chức chưa phát hiện các tiếp xúc gần nào với bệnh nhân.
Thống đốc bang Colorado Jared Polis tuyên bố: "Còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về biến thể COVID-19 mới này, nhưng các nhà khoa học tại Anh đang cảnh báo thế giới rằng chúng lây lân mạnh hơn. Sức khoẻ và sự an toàn của người dân Colorado là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và chúng tôi sẽ theo dõi sát trường hợp này".
Xe tải đông lạnh được sử dụng làm nhà xác dã chiến bên ngoài một bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng ngày, cơ quan chức năng Mỹ thông báo đã phân phối 19,88 triệu liều vaccine COVID tới các bang. Theo kế hoạch của Tướng Gustave Perna, chỉ huy chiến dịch Warp Speed, nước Mỹ sẽ phân phối 20 triệu liều vaccine đến hết năm 2020.
Mặc dù lượng vaccone được phân phối lớn nhưng theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, mới chỉ có 2,1 triệu liều vaccine thực sự được tiêm cho người dân Mỹ.
Argentina - quốc gia châu Mỹ đầu tiên sử dụng vaccine của Nga
Ngày 29/12, Argentina đã khởi động chiến dịch tiêm đại trà vaccine Sputnik V của Nga, trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ sử dụng vaccine này để ngừa bệnh viêm COVID-19. Argentina cũng là nước thứ 4 ở Nam Mỹ tiến hành tiêm chủng đại trà, sau Mexico, Costa Rica và Chile.
Bộ trưởng Y tế Gines Gonzalez Garcia cho biết việc tiêm chủng được bắt đầu đồng thời trên khắp cả nước và các nhân viên y tế là những người được ưu tiên. Dự kiến cần vài tháng để vaccine phát huy hiệu quả trên diện rộng.
Trước đó, 300.000 liều vaccine Sputnik V đã được chuyển đến Argentina vào ngày Giáng Sinh. Mỗi người cần tiêm hai liều. Theo kế hoạch, 19,7 triệu liều sẽ được giao trong hai tháng đầu năm 2021. Ngoài ra, Argentina cũng đã ký một thỏa thuận mua vaccine của Đại học Oxford và công ty AstraZeneca phối hợp sản xuất, đồng thời đang thương lượng mua vaccine của Pfizer/BioNTech.
Cùng ngày, Chile cũng phát hiện ca bệnh đầu tiên nhiễm biến thể COVID mới ở Anh. Đó là một nữ hành khách gần đây trở về sau chuyến thăm London. Chile đã thông báo bắt buộc cách ly với tất cả mọi người nhập cảnh vào Chile, kể từ ngày 31/12.
Brazil: Rio de Janeiro cấm người dân đến bãi biển trong đêm Giao thừa
Chính quyền thành phố Rio de Janeiro (Brazil) đã ban hành lệnh cấm người dân nước này tới khu vực bờ biển trong đêm Giao thừa 31/12 nhằm ngăn chặn việc tập trung đông người tại một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Theo đó, mọi phương tiện giao thông sẽ bị cấm hoạt động dọc trên tuyến đường ven biển dài 30 km trong đêm này. Như vậy, hoạt động thường niên tổ chức mừng Năm mới tại khu vực bờ biển này sẽ không diễn ra. Chỉ có người dân sống khu vực gần đó được phép đi dạo trong khu vực.
Châu Âu: Biến thể mới của SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại Đức trước Anh
Ngày 29/12, giới chức y tế Đức cho biết VUI-202012/01 - biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được công bố tại Anh vào đầu tháng này, đã xuất hiện ở Đức từ tháng trước.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 27/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Trong một tuyên bố, Sở Y tế bang Lower Saxony cho biết các nhà nghiên cứu Trường Y Hannover đã nhận diện được biến thể VUI-202012/01 trong mẫu phẩm của một bệnh nhân COVID-19 cao tuổi vào tháng 11/2020 nhờ giải trình tự cả bộ gene. Bệnh nhân này đã tử vong trong khi vợ ông cũng mắc bệnh, nhưng may mắn qua khỏi. Cặp vợ chồng này đã mắc bệnh sau khi con gái họ trở về nước sau chuyến thăm Anh vào giữa tháng 11. Người này có thể đã mắc biến thể VUI-202012/01.
Cho đến nay, nhiều nước trên thế giới cũng đã ghi nhận các ca mắc biến thể VUI-202012/01, trong đó.
Chuyên gia Anh cảnh báo cần siết chặt phòng dịch hơn
Cùng ngày 29/12, giáo sư Dịch tễ học Bệnh dịch Lây nhiễm thuộc Trường Đại học London (Anh) Andrew Hayward, cảnh báo chính phủ nước này cần phải đưa ra những quy định phong tỏa chặt chẽ để ngăn chặn một làn sóng tử vong mới do biến thể VUI-202012/01 gây ra.
Cũng theo giáo sư Hayward, biến thể VUI-202012/01 lây nhiễm với tốc độ nhanh hơn có nghĩa các biện pháp phong tỏa đang được triển khai tại Anh không đủ hiệu quả khống chế.
Trước đó, ngày 26/12, Chính phủ Anh đã kéo dài các biện pháp phòng chống dịch ở mức siết chặt nhất tại vùng England, theo đó, các cửa hàng bán lẻ đồ không thiết yếu phải đóng cửa, người dân không được gặp gỡ trực tiếp. Theo giáo sư Hayward, những biện pháp này cần được kéo dài hơn nữa. Hơn 24 triệu người dân - chiếm 43% dân số tại England - đang tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt này.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Anh cho biết các lực lượng vũ trang sẽ được triển khai để hỗ trợ từ xa việc xét nghiệm hàng loạt cho học sinh trường cấp II ở England và sẵn sàng cung cấp hỗ trợ trực tiếp nếu cần. Theo bộ trên, 1.500 quân nhân sẽ tiến hành hội thảo trực tuyến và trả lời điện thoại cho nhân viên trường học về việc lập các điểm xét nghiệm hàng loạt cho học sinh trong bối cảnh năm học mới sẽ bắt đầu vào tuần tới.
Belarus bắt đầu tiêm vaccine Sputnik V của Nga
Ngày 29/12, Belarus đã bắt đầu tiêm chủng cho người dân vaccine Sputnik V của Nga phòng bệnh COVID-19. Như vậy, Belarus là quốc gia đầu tiên ngoài Nga sử dụng vaccine này để tiêm phòng cho người dân.
Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) - cơ quan tài trợ hoạt động nghiên cứu vaccine COVID-19, cho biết lô vaccine đầu tiên đã được chuyển đến Belarus. Theo Bộ trưởng Y tế Belarus Dmitry Pinevich, các nhân viên y tế và giáo viên sẽ là những người đầu tiên được tiêm phòng ở nước này.
Iran thử vaccine COVID tự bào chế
Cùng ngày, Iran đã tiến hành thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên, do nước này tự bào chế.
Theo Tập đoàn nhà nước Setad, 6 tháng sau khi thử nghiệm thành công, mỗi tháng, tập đoàn có thể sản xuất được 12 triệu liều vaccine. Những tình nguyện viên đầu tiên tham gia thử nghiệm vaccine là giới chức của Setad nhằm tăng cường lòng tin của người dân đối với vaccine.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Beirut, Liban. Ảnh: THX/TTXVN
Iran là quốc gia tại Trung Đông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Giới chức nước này cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây khó khăn cho Tehran trong việc theo đuổi sự hỗ trợ về thuốc men và y tế từ nước ngoài, trong đó có cả các loại vaccine phòng bệnh - vốn rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh dịch.
Cùng ngày, giới chức Dubai thông báo kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19, do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) bào chế, cho 70% người dân nước này trước cuối năm 2021.
Tuần trước, trung tâm tài chính của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã bắt đầu giai đoạn tiêm vaccine đầu tiên cho các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên, trong đó có những người trên 60 tuổi, những người có bệnh lý nền, những người khuyết tật và các nhân viên tuyến đầu chống dịch.
Australia: Du khách đã tiêm chủng có thể có quyền nhập cảnh đặc biệt
Chính phủ Liên bang Australia đang xem xét cho phép du khách quốc tế và công dân nước này đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 có quyền nhập cảnh đặc biệt.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) vừa đưa ra khuyến cáo những người đã được tiêm phòng COVID-19 vẫn cần phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa hiện nay, bao gồm cả việc cách ly, cho đến khi các nước đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng.
Chính phủ Australia đang đặt mục tiêu triển khai chương trình tiêm chủng vào tháng 3/2021 và toàn dân sẽ được tiêm chủng vào cuối tháng 10, trừ nhóm đối tượng có các bệnh lý nền.
Trong khi đó, bày tỏ ý kiến về khả năng miễn cách ly cho người nhập cảnh đã được tiêm vaccine ở nước ngoài, bà Gladys Berejiklian, Thủ hiến bang New South Wales, bang đông dân nhất của Australia, cho biết bà không cảm thấy thật yên tâm khi có bất kỳ người nào nhập cảnh mà không trải qua thời gian cách ly 14 ngày.
Châu Á:
Hàn Quốc: Ca tử vong cao kỷ lục từ đầu dịch
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại trung tâm xét nghiệm tạm thời ở ngoại ô Seoul, Hàn Quốc ngày 26/12/2020. Ảnh: YONHAP/TTX
Hàn Quốc thông báo ghi nhận thêm 40 ca tử vong do COVID-19 trong một ngày, mức cao nhất kể từ khi nước này ghi nhận ca mắc đầu tiên vào cuối tháng 1 vừa qua, theo đó nâng tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Hàn Quốc lên 859 trường hợp. Số ca mắc mới tại nước này cũng tăng thêm 1.046 ca, nâng tổng số ca mắc lên 58.725 trường hợp.
Nhật Bản: Nghị sĩ đầu tiên tử vong vì COVID
Tại Nhật Bản, Thượng nghị sĩ Yuichiro Hata thuộc đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) đối lập đã tử vong sau khi mắc COVID-19. Đây là nghị sĩ đầu tiên ở Nhật Bản tử vong vì virus SARS-CoV-2 gây căn bệnh nguy hiểm này. Ông Hata có một số bệnh nền, trong đó có bệnh tiểu đường.
Campuchia mở cửa lại trường học
Tại châu Á, Chính phủ Campuchia đã ra chỉ thị cho phép các cơ sở giáo dục tư nhân đón học sinh trở lại lớp kể từ ngày 29/12, trong khi các trường công lập được mở cửa lại từ ngày 11/1/2021. Trước đó, các trường học ở Campuchia đã phải đóng cửa và chuyển sang dạy trực tuyến sau vụ lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại nước này, còn gọi là “sự cố cộng đồng ngày 28/11”. Ngày 29/12, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố sự cố này đã được kiểm soát vì không phát hiện thêm ca mắc mới. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 41 ca mắc COVID-19 liên quan đến sự cố ngày 28/11, trong đó 37 người đã khỏi bệnh.
Lào đình chỉ tất cả các chuyến bay thuê bao
Ngày 29/12, hãng hàng không quốc gia Lào Lao Airlines thông báo hãng đã đình chỉ tất cả chuyến bay thuê bao đến và đi từ nước ngoài đến cuối tháng 1/2021 để hạn chế dịch COVID-19 lây lan. Ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống dịch COVID-19 quy định mọi hành khách nhập cảnh Lào trên tất cả các chuyến bay, kể cả các chuyến bay nhân đạo được cấp phép, đều phải đáp ứng đầy đủ các thủ tục cần thiết và tiến hành cách ly bắt buộc tại các trung tâm do Chính phủ Lào chỉ định. Hiện Lào chỉ còn khai thác đường bay quốc tế thường xuyên duy nhất là Vientiane-Côn Minh (Trung Quốc), với tần suất 2 chuyến/tuần. Tính tới thời điểm hiện tại, Lào ghi nhận 41 ca mắc COVID-19 và hiện chỉ còn duy nhất một bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện.
Philipines cấm nhập cảnh từ 20 nước và vùng lãnh thổ
Philippines sẽ cấm nhập cảnh đối với những hành khách đến từ Nhật Bản, Australia, Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Iceland, Ireland, Israel, Italy, Liban, Hà Lan, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 30/12 đến ngày 15/1/2021, áp dụng với cả hành khách nước ngoài và công dân Philippines về nước. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Philippines đang nỗ lực đối phó với sự gia tăng số ca mắc COVID-19 nghi có liên quan đến biến thể VUI-202012/01.
Thái Lan thêm 134 ca lây nhiễm cộng đồng
Ngày 29/12, Thái Lan đã ghi nhận thêm 155 ca mắc COVID-19, bao gồm 134 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 10 ca trong khu cách ly và 11 ca là lao động nhập cư, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này kể từ tháng 1/2020 đến nay lên 6.440 ca. Trước đó một ngày, Thái Lan cũng thông báo ca tử vong đầu tiên vì dịch COVID-19 trong gần hai tháng trở lại đây, nâng tổng số người không qua khỏi do COVID-19 ở nước này lên 61. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam cho biết chính phủ quyết định không phong tỏa toàn quốc trong dịp Năm mới do tình hình dịch bệnh chưa diễn biến phức tạp.
Thu Hằng (Báo Tin tức)