CPTPP – Cơ hội và thách thức

14:53 11/05/2019

Như tin đã đưa, vừa qua tại Hải Phòng, Bộ Công thương phối hợp với UBND TP tổ chức một hội nghị tập huấn chuyên đề “Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Một số cam kết quan trọng và những điều cần lưu ý”. Đây là hoạt động giúp các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ về cam kết CPTPP, nhằm tận dụng tốt nhất cơ hội và hạn chế rủi ro, thách thức.

Hàng hóa xuất khẩu vẫn lệ thuộc nhiều vào gia công

 Lợi ích trong “sân chơi lớn”

Trước khi có tên gọi như hiện nay, CPTPP được gọi là TPP, viết tắt từ Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, mục tiêu là nhằm thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực.

TPP được thiết lập từ 14 năm trước (2005), là một thỏa thuận bao quát tất cả những khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do. Gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền...

TPP hoạt động theo nguyên tắc thị trường, với mức độ cam kết sâu, hướng đến 5 điểm chính: thúc đẩy hàng hóa các thành viên tiếp cận thị trường của nhau một cách thuận lợi và miễn thuế, các hạn chế về dịch vụ được đồng loạt xóa bỏ; xây dựng hiệp định khu vực toàn diện phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, nâng cao mức sống, cải thiện phúc lợi; hình thành khung hiệp định trên cơ sở những thỏa thuận đã thực hiện trong khuôn khổ APEC và các diễn đàn kinh tế khác; coi các vấn đề mới nổi lên trong thương mại toàn cầu như một phần của đàm phán; xây dựng hình thức mở cho các quốc gia khác trong khu vực.

TPP hứa hẹn tạo ra một khu vực thương mại lớn nhất thế giới, có tổng dân số hơn 804 triệu người (11,2% thế giới), sản lượng kinh tế đạt 27.807 tỷ USD tương đương 40% GDP và 30% tổng doanh thu xuất nhập khẩu toàn thế giới. Với việc là thành viên đầy đủ, kết quả đàm phán thành công với các nước tham gia TPP đã mở đường cho Việt Nam một cơ hội lớn.

Đặc biệt, việc tham gia TPP sẽ là bước đi quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế sâu, ảnh hưởng tích cực vào tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Chính bởi thế, Việt Nam đã nỗ lực đạt được những thỏa thuận quan trọng, tuyên bố tham gia với tư cách thành viên đầy đủ từ tháng 11-2010. Lộ trình đang tiến triển thuận lợi, thì vào đầu năm 2017, nước Mỹ rút khỏi TPP ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức.

Có thể nói, với tư thế là một trong những nền kinh tế lớn và quan trọng bậc nhất thế giới, việc Mỹ rút khỏi TPP đã làm cho lòng tin vào triển vọng của Hiệp định bị suy giảm ghê gớm. Nhiều người còn tin chắc sẽ không thể có TPP khi không có Mỹ, tuy nhiên nhờ quyết tâm và nỗ lực của những nước còn lại, trong đó có vai trò rất lớn của Việt Nam, TPP vẫn tiếp tục lộ trình.

Vị thế Việt nam, cơ hội và thách thức

Những khó khăn tưởng chừng không thể tháo gỡ, nhất là những mâu thuẫn nội tại giữa các nước thành viên. Bởi lẽ TPP là một Hiệp định giữa những nền kinh tế bất cân xứng, khi so sánh giữa Mỹ, Nhật Bản, Ca-na-đa… với Philipines, Bruney, Mexico và cả Việt Nam. Dĩ nhiên trong sân chơi lớn, bất cứ thành viên nào cũng đòi hỏi phần hơn cho mình, vì vậy khi Mỹ rời bỏ cuộc chơi, những xáo trộn phát sinh là điều hết sức dễ hiểu.

Nhưng cuối cùng thì mọi việc đã được quyết định tại Đà Nẵng (Việt Nam), nơi diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC 2017, TPP-11 có tên gọi mới là CPTPP, xứng đáng là cú đột phá, khẳng định lòng tin vào xu thế toàn cầu hóa với nội dung cốt lõi là liên kết và hợp tác phát triển. Kết quả này được đánh là một sự kiện mang tính lịch sử, giúp nâng cao tầm ảnh hưởng của Việt Nam với vai trò nước chủ nhà. Đồng thời mở đường cho đại diện 11 quốc gia thành viên gặp nhau thủ đô Santiago của Chile, chính thức ký kết Hiệp định vào tháng 3-2018.

Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc được soạn thảo cho TPP, tuy nhiên 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên đã được tạm hoãn thực thi. Nghĩa là, kể từ khi CPTPP có hiệu lực, trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ… sẽ được cắt giảm bằng “O” các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các thành viên, bởi việc tham gia chính là động lực thúc đẩy các yếu tố cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp phải hoạt động thực chất trong môi trường hội nhập.

Theo đánh giá tại thời điểm này, việc tham gia chuỗi giá trị với CPTPP sẽ là góp phần rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư vốn FDI, mà Hải Phòng đang có lợi thế. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội lớn, Hải Phòng cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Trước hết, nếu thuế suất giảm trừ về “O”, các ngành công nghiệp địa phương sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt do thiếu nền tảng cơ bản. Quan trọng hơn, những sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam phải đối mặt trực tiếp với các tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật, môi trường, các biện pháp phòng vệ thương mại và đặc biệt là tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa. Nếu tình trạng này không được cải thiện, hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng vào CPTPP sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Cũng liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, khu vực kinh tế vốn FDI ở Hải Phòng luôn áp đảo với tăng trưởng đạt trên 20%/năm. Nhưng đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm thuộc nhóm hàng gia công, lắp ráp, sử dụng nhiều lao động, có giá trị gia tăng thấp.

Một trong những lời giải được chỉ ra, giai đoạn trước mắt phải tích cực chuẩn bị các năng lực thực thi – năng lực cạnh tranh sản phẩm – dịch vụ, để đáp ứng các điều kiện khắt khe của một hiệp định phát triển đẳng cấp cao nhất. Tiếp đó cần thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ hợp tác khác, nhằm tận dụng những mối quan hệ mang tính trụ cột, bảo đảm sự cân bằng.

Trong một báo cáo phân tích, Chính phủ đã nhận định: Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu lâm vào tình trạng khó khăn. Như vậy, việc hiệu lực hóa CPTPP cũng là thước đo thiết thực đối với nhiều doanh nghiệp Hải Phòng, nếu không có những cải cách kịp thời, rất có thể sẽ gặp hiệu ứng không như kỳ vọng.

Đây là một vấn đề hết sức đáng lưu ý, bởi theo chia sẻ của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hải Phòng còn nhiều hạn chế khi hội nhập, trong hoàn cảnh các hiệp định thương mại thế hệ mới ngày càng phức tạp, đòi hỏi gắt gao hơn. Vẫn biết là tham gia sân chơi lớn sẽ gặp nhiều trở ngại, nhưng hy vọng đây sẽ là hướng đi hiệu quả, trong việc tháo nút thắt để Việt Nam tự tin tiếp cận CPTPP một cách hoàn hảo.

Trở lại với Hội nghị chuyên đề vừa được tổ chức tại Hải Phòng, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc tham gia CPTPP đã cho thấy những bước tiến của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng trước bối cảnh phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong và ngoài nước, việc rà soát làm rõ những cơ hội và thách thức là động thái hết sức quan trọng để thực hiện đầy đủ cam kết CPTPP.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông