Cụ ông 85 tuổi và cây cầu thứ 31

16:56 21/09/2015

Cây cầu xây lên xóa bỏ cảnh chia cắt triền miên giữa cù lao Vạn Buồng với thế giới bên ngoài, trẻ con không còn nghỉ học mùa mưa lũ, khoai sắn người làng bon bon từ đồng về nhà.
 
Cây cầu kiên cố đã thành sự thật - Ảnh: Tấn Lực
Cây cầu kiên cố đã thành sự thật - Ảnh: Tấn Lực
 
Không phải tỉ phú hay người nhiều của nả, cụ Nguyễn Tráng, thôn Phú Bông, xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cũng nghèo khó như bao người dân khác ở đất cù lao.
 
Một đời chứng kiến nỗi vất vả và những cái chết tức tưởi của dân cù lao bởi ngăn cách đò giang, cụ dồn hết tâm lực xây một cây cầu vững chãi.
 
Sông Thu Bồn đến xã Duy Trinh chia làm hai nhánh bọc lấy cù lao Vạn Buồng, nhìn cây cầu bêtông cốt thép dài hơn 80m kiên cố vắt ngang nhánh sông nam, cụ Tráng nhẩm đếm đây là cây cầu thứ 31 cụ xây trên nhánh sông này, qua 37 năm dồn sức vì nó.
 
Trước đây, do không có kinh phí nên cụ dựng tạm cầu phao, cầu tre, mỗi mùa lũ về cầu trôi theo nước. Cây cầu bêtông vững chãi hôm nay có lẽ là cây cầu cuối cùng cụ để lại cho nhân dân Vạn Buồng.
 
Cầu xây xong ngốn hết 1,3 tỉ đồng - số tiền lớn tới mức chính cụ cũng không ngờ tới. Ngày quyết định xây cầu cụ chỉ có... hai bàn tay trắng, vận động dân cù lao quyên góp được gần 50 triệu đồng, cụ lận lưng đi các nơi “xin thêm cho đủ số”.
 
Nhìn ông già tuổi quá bát tuần khập khiễng chống gậy đi xin tiền trăm triệu xây cầu, nhiều người bán tín bán nghi, ngờ rằng cụ đã lẫn. Nhưng sau khi nghe cụ trình bày và xem bản vẽ chi tiết, các lãnh đạo huyện Duy Xuyên hoàn toàn bị thuyết phục, duyệt chi hỗ trợ 
ngay 300 triệu đồng.
 
Vui mừng với thành công ban đầu, cụ viết thư kêu gọi gửi bạn bè các nơi và hội đồng hương Vạn Buồng tại TP.HCM nhờ giúp đỡ. Chỉ trong thời gian ngắn, cụ nhận được 950 triệu đồng tiền quyên góp các nơi gửi về. Trong đó có cả kiều bào hải ngoại và những người không quen biết nhưng cảm cái chí của ông già xứ cù lao mà quyên góp tới 
40 - 50 triệu đồng.
 
Ngày khánh thành, nhìn các cháu học trò đạp xe bon bon trên cây cầu mới cụ mừng rơi nước mắt. Rồi đây lũ trẻ cù lao sẽ được học hành, được lớn lên với thế giới bên ngoài, không còn cảnh chết đuối thương tâm trên đường đi học và những cái chết tức tưởi khi không đưa kịp người bệnh đi cấp cứu.
 
Ghi công của cụ, hơn 300 dân cù lao đề nghị lấy tên cụ đặt cho cây cầu nhưng cụ gạt phăng. “Cây cầu này xây nên nhờ công sức của bà con và các nhà hảo tâm, tui có làm chi mô mà lấy tên đặt cho cầu, làm rứa không khéo hậu thế cười chết” - cụ bộc bạch.
 
Ngày cầm tiền tỉ bà con quyên góp, cụ Tráng lo đến mất ngủ, phần vì sợ mất tiền, phần sợ người xung quanh dị nghị. Sau nhiều đêm trằn trọc, cụ quyết định thành lập ban xây cầu gồm gần chục người có chức phận trong thôn, xã rồi giao tiền cho ban quản lý, điều phối. Phần cụ hằng ngày túc trực ngoài công trường giám sát xây dựng, không chút tơ hào lợi lộc bản thân.
 
Cũng bằng cách làm đó, năm 2009 cụ đứng ra kêu gọi quyên góp xây dựng con đường bêtông dài ba cây số nối Vạn Buồng với vùng Gò Nổi (huyện Điện Bàn), khiến lòng dân cù lao hết sức cảm kích.
 
Giờ đây sống tuổi bóng xế lại chăm sóc con trai tàn tật, cụ Tráng vẫn vui vẻ nói mình đã sống không uổng phí cuộc đời.
 
Theo TẤN LỰC/Tuổi trẻ


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông