Cuba đẩy mạnh thử nghiệm vaccine nội địa

21:38 13/05/2021

Ngày 12/5, Bộ Y tế Cuba thông báo triển khai chiến dịch tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhân viên y tế, sinh viên y khoa và người trên 60 tuổi tại các khu vực được chọn lựa trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu hai loại vaccine Abdala và Soberana 02 do nước này phát triển và bào chế.

Trong hai ngày đầu tiên của chiến dịch, khoảng 70.000 người đã được tiêm chủng.

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, ở giai đoạn đầu tiên, dự kiến 400.000 người dân tại các quận Regla, Guanabacoa, Habana del Este và San Miguel del Padron - các khu vực có số ca mắc COVID-19 cao nhất, sẽ được tiêm vaccine Abdala. Tiếp đó, khoảng 383.000 người tại các quận Arroyo Naranjo, Boyeros và Cotorro sẽ tham gia vào thử nghiệm này.

Trong giai đoạn hai, dự kiến bắt đầu từ nửa cuối tháng 6 đến tháng 8, vaccine Soberana 02 sẽ được tiêm cho người dân tại một số quận còn lại ở La Habana. Một số tỉnh như Santiago de Cuba, Matanzas, Pinar del Rio và quận đảo đặc biệt Isla de la Juventud cũng sẽ tham gia thử nghiệm quy mô lớn này để đánh giá hiệu quả của vaccine.

Trước đó, giới chức y tế Cuba đã bày tỏ hy vọng một trong hai vaccine nói trên sẽ được cấp phép sử dụng trong tháng 6 sau khi kết thúc giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng. Trước khi chính thức được cấp phép để đưa vào tiêm đại trà, các loại vaccine này sẽ phải trải qua tiến trình nghiên cứu can thiệp đối với nhóm người trên 60 tuổi.

Chính phủ Cuba đặt mục tiêu đến tháng 8 năm nay sẽ tiêm phòng COVID-19 cho 70% dân số. Tập đoàn công nghệ sinh học và dược phẩm BioCubaFarma của Cuba khẳng định có đủ vaccine để tiêm cho khoảng 11 triệu dân.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Havana, Cuba. Ảnh: THX/TTXVN

Cuba đang trải qua làn sóng dịch bệnh thứ ba bắt đầu từ tháng 1/2021, bị đánh giá là đợt lây nhiễm nghiêm trọng nhất. Tháng 4 vừa qua, đảo quốc Caribe ghi nhận trung bình mỗi ngày hơn 1.000 ca mắc mới, trong khi số ca tử vong cũng tăng cao. Cho đến nay, Cuba có 119.375 ca mắc COVID-19, trong đó 769 ca tử vong.

* Ngày 12/5, Bộ Y tế Indonesia công bố kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine Sinovac của Trung Quốc có thể ngăn ngừa nguy cơ tử vong và người bệnh nặng tới mức phải nhập viện do COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu họp báo trực tuyến, trưởng nhóm nghiên cứu Pandji Dhewantara cho biết vaccine Sinovac đã bảo vệ 98% trong tổng số 128.290 nhân viên y tế ở thủ đô Jakarta khỏi nguy cơ tử vong và 96% không phải nhập viện sau 7 ngày kể từ khi được tiêm liều thứ hai. Chỉ có một trường hợp được tiêm đủ liều vaccine Sinovac tử vong do mắc COVID-19. Nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả ngăn chặn COVID-19 của loại vaccine này đạt tới 94%.

Nghiên cứu trên được Bộ Y tế Indonesia tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 13/1 đến ngày 18/3/2021. Độ tuổi trung bình của những người tham gia tiêm vaccine Sinovac và được khảo sát là 31 tuổi.

Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia cho biết chương trình tiêm phòng COVID-19 của nước này mới chỉ đạt 5% mục tiêu đề ra, với tổng cộng 8,8 triệu người được tiêm hai mũi đầy đủ. Kết quả này đạt được sau 4 tháng triển khai và hiện còn cách rất xa mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người vào cuối năm nay nhằm đạt khả năng miễn dịch cộng đồng.

Tính đến nay, 22,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho 13,6 triệu người ở Indonesia. Tuy nhiên, số người được tiêm đủ liều vẫn còn rất thấp. Bộ Y tế Indonesia cam kết đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng với 1 triệu liều mỗi ngày sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr của tín đồ Hồi giáo (kết thúc vào ngày 12/5).

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông