13:20 12/09/2020 Tại Đối thoại Hoa Kỳ-ASEAN lần thứ 33 vào tháng 8/2020, Hoa Kỳ “tái khẳng định cam kết hợp tác với ASEAN trong đảm bảo một khu vực dựa trên các quy tắc rõ ràng, minh bạch..."
Đối với ASEAN, 2020 là một năm đầy biến động, nổi bật là đại dịch COVID-19 đã tác động nhiều mặt đến chính trị-ngoại giao, kinh tế, các tham vọng chiến lược và xã hội của tổ chức này.
Tuy nhiên, dưới vai trò Chủ tịch của Việt Nam, ASEAN đã tiếp tục củng cố quan hệ với các đối tác, trong đó có Hoa Kỳ. Đây là quan điểm của Tiến sĩ Vijay Sakhuja, đăng trên trang mạng của Quỹ Nghiên cứu Quốc tế Kalinga, VietnamPlus xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Hà Nội đã cho thấy sự sắc sảo về mặt ngoại giao, duy trì đối thoại và tăng cường thảo luận thường xuyên với các nước đối tác về nhiều vấn đề (bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai).
Các cuộc họp được tổ chức thành công theo hình thức trực tuyến từ xa, bất chấp việc hạn chế đi lại trong thời kỳ dịch bệnh.
Hội nghị được diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Một số cuộc họp quan trọng giữa ASEAN và Hoa Kỳ gồm có Cuộc họp lần thứ 11 Ủy ban hợp tác chung ASEAN-Hoa Kỳ (JCC) hồi tháng 2/2020, tại đó cả hai bên đều nhấn mạnh cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên đánh giá cao việc triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN-Hoa Kỳ (2016-2020), nhất trí hướng tới “hoàn thiện Kế hoạch Hành động mới (2021-2025), theo đó tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN trong thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng khu vực.”
Tại Đối thoại Hoa Kỳ-ASEAN lần thứ 33 vào tháng 8/2020, Hoa Kỳ “tái khẳng định cam kết hợp tác với ASEAN trong đảm bảo một khu vực dựa trên các quy tắc rõ ràng, minh bạch, đồng thời củng cố cấu trúc khu vực với vai trò trung tâm của ASEAN,” thừa nhận một cách rõ ràng vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực.
Đại dịch COVID-19
Ngày 1/4/2020, Hoa Kỳ và ASEAN (với vai trò Chủ tịch của Việt Nam) đã tham gia Hội nghị trực tuyến liên ngành cấp cao về ứng phó với đại dịch COVID-19. Hai bên đã trao đổi tình hình, kinh nghiệm và các ứng dụng hiệu quả nhất những sáng kiến quốc gia của hai nước về phòng chống và kiểm soát đại dịch.
COVID-19 đã đặt ra chương trình nghị sự mới cho hợp tác giữa Hoa Kỳ và các nước thành viên ASEAN về nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, vật liệu, dịch vụ và phát triển nguồn nhân lực liên quan lĩnh vực y tế.
Các nước thành viên ASEAN cũng đã chia sẻ thông tin với Hoa Kỳ về kế hoạch thành lập một quỹ đặc biệt nhằm ứng phó với bất kỳ đại dịch và tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp nào trong tương lai. ASEAN cũng chuyển tải thông điệp tới Hoa Kỳ rằng ASEAN đang nghiên cứu “quan hệ hợp tác với các đối tác ngoài khu vực” để phối hợp theo các cơ chế hợp tác khu vực về y tế, cũng như trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Đông Á.
Sự hỗ trợ từ phía Hoa Kỳ đối với các nước thành viên ASEAN trong ứng phó với đại dịch là rất quan trọng. Hoa Kỳ đã “công bố viện trợ y tế khẩn cấp hơn 35,3 triệu USD giúp các nước ASEAN đối phó với virus.”
Việc Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ ASEAN, bao gồm các chương trình trao đổi trong đó hỗ trợ đào tạo 2.400 chuyên gia ASEAN về lĩnh vực y tế và sức khoẻ đến nay cũng đã được ghi nhận.
Vai trò trung tâm và then chốt của ASEAN
Đáng chú ý, nhân dịp chúc mừng kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Michael R. Pompeo đã khẳng định ASEAN đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy “một khu vực ổn định, thịnh vượng và hoà bình hơn,” và rằng “ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt là trung tâm trong tầm nhìn của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như của các đồng minh, đối tác của Hoa Kỳ.”
Hơn nữa, quan hệ đối tác chiến lược Hoa Kỳ-ASEAN cũng đã đóng góp vào “tầm nhìn chung Hoa Kỳ-ASEAN về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở.” Đây có lẽ là một tín hiệu rõ ràng về cam kết của Mỹ đối với ASEAN và các nước thành viên.
Báo cáo của Hoa Kỳ về “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung” đã xác định ASEAN là “trung tâm địa lý của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” không chỉ sở hữu sức mạnh kinh tế với tổng GDP đạt gần 3 nghìn tỷ USD mà còn đóng vai trò then chốt trong kiến trúc an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng khẳng định “Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN” (AOIP) được thông qua hồi tháng 6/2019 có một số “điểm tương đồng giữa các nguyên tắc mang tính xây dựng” như “tính toàn diện, cởi mở, quản trị tốt và tôn trọng luật pháp quốc tế” với tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở của Hoa Kỳ (FOIP).
Báo cáo “Tuyên bố lập trường của Mỹ về các tranh chấp hàng hải tại Biển Đông” khẳng định Hoa Kỳ sẵn sàng sát cánh cùng “các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong bảo vệ quyền chủ quyền đối với những nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế.”
Các nước thành viên ASEAN đã có những phản ứng trái chiều về tuyên bố lập trường trên do bị rơi vào “thế khó” trong chọn bên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tình thế khó xử này không phải là điều gì ngạc nhiên đối với các nước thành viên ASEAN bởi từ lâu họ đã lo sợ rằng việc chọn bên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là điều cần thiết đối với sự thống nhất của ASEAN.
Trong bối cảnh đó, tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 18 tại Singapore hồi năm 2019, Thủ tướng Lý Hiển Long đã phát biểu rằng “Đông Nam Á không còn xa lạ giữa trò chơi lớn giữa các quốc gia”, đồng thời cảnh báo về thái độ cứng rắn từ cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài
Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương ASEAN-Hoa Kỳ đạt 294 tỷ USD và đầu tư tực tiếp nước ngoài vào các nước ASEAN đạt 273 tỷ USD.
Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác hỗ trợ kinh tế, kỹ thuật và phát triển năng lực con người thông qua các chương trình của USAID; Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn khu vực; Quan hệ đối tác Thành phố Thông minh Hoa Kỳ-ASEAN với sự tham gia của khu vực tư nhân trong giải pháp thành phố thông minh và nền kinh tế kỹ thuật số cũng đang tiến triển tốt.
Quả không sai khi nói rằng bất chấp căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về một loạt các vấn đề song phương cũng như đối với vấn đề Biển Đông, Hoa Kỳ vẫn cam kết hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội của những người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch./.
Theo TTXVN