Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Vì quyền lợi người tiêu dùng

16:51 13/06/2018

Nhóm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam đã chiếm trên 90% tổng số hàng hóa bán ra tại các siêu thị; chiếm từ 50 – 55% tại các chợ và thị trường nông thôn. Con số này là minh chứng rõ nét nhất cho việc hàng Việt đã và đang ngày càng được người tiêu dùng thành phố lựa chọn. Và đó cũng chính là kết quả đáng ghi nhận sau 9 năm thành phố triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nhóm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam chiếm trên 90% tổng số bán ra tại các siêu thị trên địa bàn

(Ảnh: Thủy Chung)

Thay đổi nhận thức người tiêu dùng

Trong suốt 9 năm triển khai Cuộc vận động, MTTQ Việt Nam thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo triển khai các chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại, hội thảo “Kết nối chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề…”. Các nội dung trong Cuộc vận động cũng được lồng ghép vào các hội nghị, sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân và là tiêu chí trong các phòng trào thi đua yêu nước.

Hàng năm, thành phố tổ chức hàng chục hội chợ, triển lãm thương mại tại các quận, huyện trên địa bàn với quy mô mỗi hội chợ từ 80-100 gian hàng, thu hút khoảng 30.000 người đến tham quan, mua sắm với doanh số bán hàng ước đạt 2,5 – 3 tỷ đồng/hội chợ.

Đặc biệt, chỉ tính riêng trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Sở Công thương đã tổ chức 33 hội chợ thương mại với số doanh nghiệp tham gia bình quân 80 doanh nghiệp/hội chợ, quy mô 100 gian hàng/hội chợ; thu hút khoảng 8.500 người/hội chợ đến tham quan, mua sắm; doanh thu bán hàng ước đạt 4 tỷ đồng/hội chợ.

Cùng với đó, các kênh lưu thông, phân phối trên địa bàn thành phố như hệ thống các siêu thị, chợ đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị sản xuất, cung ứng hàng hóa góp phần giới thiệu nhiều sản phẩm sản xuất trong nước, hướng người tiêu dùng quyết định lựa chọn dùng hàng Việt Nam để đảm bảo chất lượng.

Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã tổ chức được trên 150 lượt đưa hàng Việt Nam về các vùng nông thôn với tổng giá trị hàng hóa tiêu thụ đạt từ 80 – 90 tỷ đồng. Hàng hóa chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu dân sinh và sản xuất của người dân nông thôn như hàng lương thực, thực phẩm chế biến, nông sản, hàng may mặc, điện tử, gia dụng, đồng gỗ, hóa mỹ phẩm, giày dép… Trung bình mỗi chuyến hàng về phục vụ nông thôn có từ 700 – 1.200 mặt hàng khác nhau, lượng khách mua hàng tại mỗi đợt từ 1.700 – 2.000 lượt người.

Có thể nói, các doanh nghiệp, người sản xuất trên địa bàn đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sản xuất ra nhiều sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh, đồng thời không ngừng cải tiến kỹ thuật, đa dạng hóa mẫu mã, mở rộng thị trường, đổi mới dịch vụ phân phối… Nhờ đó, người tiêu dùng Hải Phòng đã có nhiều cơ hội tiếp cận và mua sắm hàng hóa Việt Nam.

Phát triển hệ thống phân phối hàng hóa bền vững

Tại buổi làm việc với Đoàn Kiểm tra Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam” vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, hàng năm, UBND thành phố ban hành Kế hoạch bình ổn thị trường, bình ổn giá trên địa bàn, góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thành phố được tiếp cận, sử dụng hàng Việt đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý phù hợp với sức mua và thu nhập của người dân.

Các gian hàng sản phẩm Việt được nhiều người tiêu dùng lựa chọn (Ảnh: Thủy Chung)

Đồng thời, tổ chức thành công Tháng khuyến mại Hải Phòng với chủ đề “Người tiêu dùng Hải Phòng nâng tầm thương hiệu Việt, Hải Phòng với niềm tin hàng Việt”, chương trình “Tháng khuyến mại Hải Phòng” bước đầu có tác dụng tích cực cải thiện sức mua của người tiêu dùng nhất là các tháng cuối năm, góp phần bình ổn giá cả hàng hóa trên thị trường; đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ…

Không chỉ tập trung phát triển hệ thống phân phối hàng hóa bền vững, cố định, ưu tiên hàng Việt Nam, thành phố cũng tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố để đưa các mặt hàng có thế mạnh tiếp cận với người tiêu dùng của nhiều vùng miền trong cả nước; thực hiện nhiều thỏa thuận, hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết, đầu tư…, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Để Cuộc vận động tiếp tục phát huy được hiệu quả, đi sâu vào nhận thức của mỗi người dân, ngày 13-3 vừa qua, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2018-2020.

Trên cơ sở kế hoạch của UBND thành phố, các Sở, ngành, quận huyện trên địa bàn cũng đã xây dựng Kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2018-2020 tại các đơn vị, địa phương.

Hải Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông