10:08 13/03/2020 Theo báo cáo của Ngân hàng Deutsche (Tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức), các nền kinh tế châu Á dễ bị tổn thương trước các cú sốc về nguồn cung từ Trung Quốc trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Cảnh báo của Ngân hàng chỉ rõ, nếu như Việt Nam không thể giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với hàng hóa bán thành phẩm (sản phẩm đã hoàn thành nhưng ở dạng thô, chưa đủ quy cách phẩm chất để thành sản phẩm cuối cùng bán ra thị trường. Ví dụ: Sản phẩm đã đóng chai nhưng chưa dán nhãn, sản phẩm dở dang là sản phẩm chưa hoàn thành vẫn còn nằm trên dây chuyền sản xuất hoặc sản phẩm là hoá chất vẫn đang nằm trong bồn chứa , chưa chiết ra chai), thì Việt Nam khó có thể được coi là lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, mặc dù đó có thể là trường hợp đối với một số ngành như điện tử.
Báo cáo của Ngân hàng Deutsche cũng cho rằng, trái ngược với quan điểm rộng rãi rằng châu Á phụ thuộc vào Trung Quốc về hàng hóa trung gian (hàng hóa và dịch vụ đã rời khỏi một quá trình sản xuất, nhưng quay lại phục vụ cho quá trình sản xuất khác với tư cách đầu vào trung gian. Chẳng hạn thép, dầu mỏ, nhựa được coi là đầu vào trung gian vì chúng được sử dụng để chế tạo máy công cụ, sản xuất xăng, đồ nhưa) trong ngành điện tử, thực tế sự phụ thuộc và nguy cơ dễ tổn thương không lớn. Thay vào đó, sự dễ tổn thương của châu Á đối với chuỗi cung ứng điện tử ở Trung Quốc chính là hàng tiêu dùng thành phẩm.
Dệt may Campuchia gặp khó do thiếu nguồn cung từ Trung Quốc.
Trong nghiên cứu của mình, Ngân hàng Deutsche đã xây dựng một cơ sở dữ liệu thương mại về hàng hóa riêng lẻ có sự phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc, trên cơ sở đó đánh giá rủi ro đối với các nền kinh tế nhập khẩu dựa trên tỷ trọng "Hàng hoá Trung Quốc thiết yếu" (CCG) trong tổng nhập khẩu. CCG được áp khi nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc chiếm từ 2/3 trở lên tổng nhập khẩu. 10 nền kinh tế châu Á đã được đánh giá về tính dễ bị tổn thương đối với sự gián đoạn cung cấp ở Trung Quốc, trong đó có 6 nền kinh tế ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Trong đó, Việt Nam là nước dễ bị tổn thương nhất với hàng hóa thiết yếu của Trung Quốc, chiếm 15,1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Ở cấp độ sản phẩm, nhập khẩu dệt may bán thành phẩm dễ bị tổn thương nhất, với gần một nửa đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nguy cơ tổn thương của Việt Nam đối với sự gián đoạn nguồn cung các thiết bị điện tử và linh kiện là thấp, với tỷ lệ CCG là 1%, vì hầu hết các linh kiện như vậy đến từ Hàn Quốc.
Thái Lan là nước dễ bị tổn thương thứ hai, với tỷ lệ nhập khẩu CCG chiếm 11% tổng lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, cũng giống như Việt Nam, nguy cơ tổn thương của Thái Lan đối với thiết bị điện tử thấp, với tỷ trọng CCG ở mức 1%. Indonesia có tỷ lệ nhập khẩu CCG chiếm 8% tổng nhập khẩu, nhưng gián đoạn đối với sản xuất trong nước có khả năng thấp hơn đáng kể, do các nhập khẩu thành phẩm chiếm trong tỷ trọng nhập CCG. Các mặt hàng tiêu dùng như đồ điện tử và đồ gia dụng chiếm hơn 2/5 tỷ trọng nhập CCG của Indonesia.
Philippines đứng thứ sáu, sau Ấn Độ và Sri Lanka, với tỷ lệ CCG là 7%. Nguy cơ tổn thương cao nhất của ngành sản xuất Philippines đến từ sản xuất dệt may bán thành phẩm. Ngành sản xuất thép cũng chịu tác động đáng kể, với sự gián đoạn nguồn cung thép cho Trung Quốc có khả năng tác động đến các dự án cơ sở hạ tầng ở Philippines. Cuối cùng, Malaysia và Singapore là hai nền kinh tế ít gặp rủi ro nhất từ bất ổn nguồn cung tại Trung Quốc.
Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh - cựu thành viên Tổ tư vấn Kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, các doanh nghiệp cần đa dạng các nguồn cung để không quá phụ thuộc vào nhà cung cấp Trung Quốc. Đây là bài học quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thực hiện quyết liệt.
Trần Hoàng tổng hợp