16:51 28/05/2020 Sáng 28-5, thảo luận trực tuyến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về Dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng tán thành với việc thu hẹp các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP cùng với việc sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của các bên liên quan, từ cơ quan nhà nước đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, bên cho vay, bên mời thầu và bổ sung quy định nguyên tắc làm cơ sở quy định các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ này trong hợp đồng PPP.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (HP) phát biểu thảo luận tại phiên họp trực tuyến QH chiều 28-5
Liên quan đến quy định về “nhà máy điện, lưới điện”, đại biểu Bùi Thanh Tùng lựa chọn phương án 1 đề ra trong dự thảo luật như đã nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ông Tùng cũng tán thành việc không đưa các nhà máy thủy điện vào nhóm các dự án PPP.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng, việc cho phép doanh nghiệp, chủ đầu tư được đầu tư vào “lưới điện” sẽ tạo điều kiện san sẻ bớt áp lực với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhằm đưa nhanh sản phẩm điện từ các nhà máy cung cấp bổ sung cho lưới điện quốc gia. Theo ông Tùng, đầu tư PPP không phải là đầu tư tư nhân thuần túy nên quyền kiểm soát, quyết định các yếu tố liên quan đến phát triển điện, cung ứng dịch vụ truyền tải điện vẫn phải do cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Do đó, việc cho phép dự án đầu tư dự án PPP trong lĩnh vực lưới điện không trái với quy định độc quyền của Nhà nước tại Luật điện lực – Ông Tùng khẳng định.
Về hoạt động kiểm toán nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, đại biểu Bùi Thanh Tùng đồng tình với giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, vì bản chất dự án PPP là nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công – tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án, do đó dự án đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ.
Liên quan đến các quy định đối với hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), đại biểu Bùi Thanh Tùng cho biết, thực tiễn thời gian qua, BT là phương thức thực hiện chủ yếu (chiếm 56% số dự án) trong các phương thức PPP, hiện vẫn còn nhiều dự án đang triển khai. Đại biểu Bùi Thanh Tùng tán thành với phương án 1 trong dự thảo luật, là vẫn giữ phương thức đầu tư này với những sửa đổi, bổ sung các quy định cho chặt chẽ, thủ tục công khai, minh bạch, cạnh tranh như quy định tại Điều 12, khoản 2, Điều 14 khoản 3, Điều 19 khoản 6, Điều 41, khoản 3, Điều 45 và Điều 103 (dự thảo luật). Ông Tùng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật liên quan nhằm minh bạch hơn nữa, bảo đảm xử lý được các tiêu cực đối với việc triển khai thực hiện dự án áp dụng với loại hợp đồng BT, ví dụ bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đấu thầu, Luật đấu giá tài sản, quy định đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu thầu (hoặc đấu giá) “quỹ đất, trụ sở làm việc” thanh toán dự án BT để lựa chọn đồng thời nhà đầu tư dự án BT và nhà đầu tư “dự án khác”; đơn vị trúng thầu là đơn vị có hiệu số giữa đấu giá tài sản, trừ đi giá bỏ thầu thực hiện dự án cao nhất…
THẾ KHOA
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024