Đại biểu Hải Phòng tại diễn đàn Quốc hội: Đại biểu Lã Thanh Tân - Tháo gỡ khó khăn cho địa phương khi ban hành, triển khai thực hiện các chính sách đặc thù

17:43 22/05/2020

 Chiều 22-5, trong khuôn khổ ngày làm việc thứ 3, Quốc hội khóa XIV, phát biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Đại biểu Lã Thanh Tân – Giám đốc Sở Tư pháp thành phố (ĐBQH Hải Phòng) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 14 của Luật theo hướng cho phép quy định thủ tục hành chính trong trường hợp "cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật (Nghị quyết quy định chính sách đặc thù)" là cần thiết, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho địa phương khi triển khai thực hiện các chính sách đặc thù đã ban hành theo quy định của luật.

Đại biểu Lã Thanh Tân (HP) phát biểu thảo luận trực tuyến tại phiên họp QH chiều 22-5

Tuy nhiên, ông Tân cũng cho rằng, việc quy định thủ tục hành chính phải được quy định "trong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh" như dự thảo thì chưa hoàn toàn phù hợp và thuận lợi cho địa phương trong quá trình thực hiện, vì việc ban hành chính sách đặc thù theo quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật phải thực hiện theo trình tự, thủ tục phức tạp và kéo dài, với 02 lần đăng cổng thông tin điện tử, mỗi lần tối thiểu 30 ngày; phải xin ý kiến của các Bộ, ngành trung ương có liên quan, VCCI, Mặt trận tổ quốc thành phố… Theo ông Tân, các chính sách đặc thù ở địa phương thường phải quyết ngay để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cần dành thời gian cho việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động của chính sách để chính sách được ban hành là phù hợp và có hiệu quả; tại thời điểm xây dựng chính sách phải thực hiện cả việc xây dựng trình tự, thủ tục để thực hiện chính sách sẽ gây áp lực lớn cho cơ quan được giao chuẩn bị Nghị quyết, khó đảm bảo được trình tự, thủ tục ban hành văn bản và tiến độ và thời gian chuẩn bị các Nghị quyết trình tại kỳ họp của HĐND cấp tỉnh.

- Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố thường chỉ quyết định cơ chế, chính sách; việc tổ chức thực hiện Nghị quyết là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân  cùng cấp.

- Các chính sách này là đặc thù nên không có "tiền lệ", để việc tổ chức thực hiện có hiệu quả cần phải rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai. Nếu trình tự, thủ tục để thực hiện chính sách được quy định trong Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh thì phải đợi đến kỳ họp của HĐND mới có thể sửa đổi, bổ sung, trong khi mỗi năm HĐND cấp tỉnh thường họp định kỳ 2 lần, không đảm bảo được tính kịp thời trong việc triển khai thực hiện.

Do đó, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý khoản 4 Điều 14 của Luật theo hướng: "…trong trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính để thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này", thì UBND cùng cấp là cơ quan có thẩm quyền ban hành thủ tục hành chính.

Đối với việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Sở Tư pháp, đại biểu Lã Thanh Tân nêu ý kiến:

- Về thời hạn thẩm định: Theo quy định của dự thảo thì thời hạn thẩm định của Sở Tư pháp là 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định. Thời hạn này khó đảm bảo trong trường hợp Sở Tư pháp phải thực hiện khảo sát những vấn đề thuộc nội dung của dự thảo hoặc thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý quy định thời gian thẩm định là 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ gửi thẩm định hoặc bổ sung quy định kéo dài thời hạn thẩm định đối với một số trường hợp cho phù hợp hơn.

- Về nội dung thẩm định: Theo quy định tại khoản 38 Điều 1 dự thảo (sửa đổi Điều 130 về trách nhiệm của Sở Tư pháp) thì một trong những nội dung bắt buộc của Báo cáo thẩm định là "sự cần thiết ban hành văn bản". Tuy nhiên, ông Tân cho rằng, theo trình tự, thủ tục xây dựng, trình ban hành văn bản, các văn bản được xây dựng đã có giai đoạn lập và phê duyệt đề nghị ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đã xác định rõ căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn (sự cần thiết phải ban hành văn bản). Như vậy, đến giai đoạn thẩm định dự thảo vẫn còn đánh giá nội dung này là không cần thiết.

Đối với các văn bản có chứa thủ tục hành chính, Sở Tư pháp có trách nhiệm thẩm định "Sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo Quyết định". Đại biểu Lã Thanh Tân cho biết, hiện nay nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính đã chuyển giao sang Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Do đó, việc giao nhiệm vụ thẩm định nội dung này khó đảm bảo tính khả thi hoặc nội dung thẩm định chỉ mang tính hình thức. Việc đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính đã được cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện trong quá trình đánh giá thủ tục hành chính, được lấy ý kiến của cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính là Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Vì vậy, theo ông Tân, phạm vi thẩm định của Sở Tư pháp chỉ nên giới hạn là “tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của quy định thủ tục hành chính”.

THẾ KHOA

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông