Đại biểu Hải Phòng tại diễn đàn Quốc hội: Xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực

16:14 13/06/2018

Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) tại diễn đàn Quốc hội

   Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) diễn ra vào sáng 13-6, đại biểu Đỗ Văn Bình, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố (ĐBQH Hải Phòng) bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc tiếp thu các ý kiến tham gia sau kỳ họp thứ 4 để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo luật.

   Về cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, đại biểu Đỗ Văn Bình cho rằng, việc quản lý kê khai tài sản, kiểm soát những biến động về tài sản, thu nhập để kịp thời phát hiện, xác minh và xử lý tài sản, thu nhập không có nguồn gốc minh bạch của người có nghĩa vụ kê khai có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống tham nhũng.

Ông Bình nhất trí với phương án 1 do Ban soạn thảo đưa ra, tức là giao cho hệ thống thanh tra là cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, xây dựng cơ sở dữ liệu chung phục vụ tốt hơn cho công tác theo dõi biến động tài sản. Tuy nhiên, ông Bình cũng đề nghị, ở những cơ quan không có bộ phận thanh tra thì việc kiểm soát tài sản, thu nhập nên giao cho bộ phận tổ chức cán bộ.

Liên quan đến vấn đề xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý, ông Bình nhất trí với nội dung như Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên theo ông Bình, việc xây dựng các quy định này cần phải được nghiên cứu, xem xét đảm bảo các quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao.

Đại biểu Đỗ Văn Bình còn băn khoăn, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thế nào là “không hợp lý” khi kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý, để tránh việc đánh giá tùy tiện.

Mặt khác, ông Bình đánh giá, cứ cho là cơ quan có thẩm quyền đã kết luận được là người kê khai giải trình không hợp lý, thì cũng có nhiều mâu thuẫn với Điều 59 (dự thảo luật) quy định việc đánh thuế thu nhập đối với người kê khai tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được.

Điều này, theo ông Bình, dường như mâu thuẫn với sự cố gắng chứng minh của cơ quan có thẩm quyền về giải trình của người kê khai là không hợp lý, vì chứng minh xong thì lại coi tài sản, thu nhập không giải trình được như là một khoản thu nhập phát sinh của người kê khai để đánh thuế thu nhập.

Ông Bình cũng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ cơ sở của việc đánh thuế tài sản lúc này được coi là thu nhập phát sinh của người kê khai với mức thuế lên đến 45%.

Ngoài ra, đại biểu Đỗ Văn Bình cũng có ý kiến tham gia về quy định thời hạn xác minh tài sản, thu nhập (Điều 50, dự thảo luật), về công tác hướng dẫn cụ thể với việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

Ông Bình cũng đặt vấn đề có nhất thiết phải quy định một khoản riêng (Khoản 3, Điều 18, dự thảo luật) về việc nghiêm cấm cơ quan, tổ chức ban hành các chế độ, tiêu chuẩn, định mức trái pháp luật, vì bản thân các hành vi này đã là trái pháp luật.

THẾ KHOA

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông