13:20 02/06/2018 Trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, những tháng đầu năm 2018, đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn ĐBQ Hải Phòng đưa ra 5 kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH HP Bùi Thanh Tùng phát biểu thảo luận tại hội trường
Thứ nhất, Đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tích cực các biện pháp đã áp dụng trong hai năm qua nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó việc kiểm soát lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu.
Việc cơ cấu lại nền kinh tế, cần đặc biệt chú trọng vấn đề phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng. Trong đó, việc phát huy vai trò động lực, đầu tàu phát triển của các trung tâm kinh tế lớn là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển chung của cả vùng.
Thứ hai, về các chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư công: Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ một trong những tồn tại, hạn chế hiện nay là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm (năm 2017 chỉ đạt 86% kế hoạch, 4 tháng đầu năm 2018 đạt 16,4% dự toán). Việc nghiên cứu, rà soát, sửa đổi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công là công việc rất cấp thiết.
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công, bảo đảm phù hợp, vừa kiểm soát chặt chẽ về pháp luật, vừa giảm bớt được các thủ tục rườm rà, nhằm tăng quyền chủ động cho các địa phương, khắc phục được những vướng mắc trong giải ngân, nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Chất lượng của đầu tư công cũng là nội dung cần được quan tâm.
Thứ ba, mặc dù chúng ta đã có cải thiện đáng kể về môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều nhóm chỉ tiêu Việt Nam có xếp hạng thấp so với quốc tế và khu vực (như nộp thuế, giải quyết phá sản, khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, v.v…); đặc biệt là chi phí logistics, kiểm tra chuyên ngành còn khá cao, gấp khoảng 1,5 lần so với các nước trong khu vực (ở mức 20,9% GDP so với Thái Lan 15%, Trung Quốc 14,5%, Malaixia và Philippine 13% GDP).
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, Ngành, địa phương tập trung cao cho việc tháo gỡ những điểm nghẽn này; đồng thời với các giải pháp phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; sớm có các hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực sự tiếp cận được những ưu đãi trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được Quốc hội thông qua trong năm 2017.
Thứ tư, việc triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế ở địa phương, còn có nhiều khó khăn, vướng mắc như: nhận thức và sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các cơ quan hữu quan còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ (đặc biệt là khâu thu giữ TSBĐ); hoạt động thi hành án ngân hàng chưa thật sự hiệu quả và chưa đảm bảo khách quan, minh bạch; việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và xử lý TSBĐ chưa phát huy được hiệu quả trong thực tế do chưa có văn bản hướng dẫn. Đề nghị các Bộ, Ngành trung ương phối hợp, tập trung quan tâm hướng dẫn các địa phương và có giải pháp đồng bộ tháo gỡ vấn đề này để Nghị quyết 42 thực sự phát huy tác dụng.
Thứ năm, hiện nay kết quả giám sát về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở địa phương cho thấy: có tới 75% đơn thư khiếu kiện về lĩnh vực đất đai. Một trong những nguyên nhân là vẫn còn nhiều điểm thiếu đồng bộ, chưa hợp lý trong các quy định về quản lý đất đai trong Luật Đất đai cũng như các pháp luật có liên quan.
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm rà soát, sửa đổi bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
THẾ KHOA
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024