Đại biểu Hải Phòng tại diễn đàn Quốc hội: Quản lý đất đai trong cổ phần hóa DNNN

12:35 28/05/2018

Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 28-5 về việc thực hiện chinh sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 – 2016, đại biểu Mai Hồng Hải, Tổng giám đốc Cty Xi măng Hải Phòng (ĐBQH Hải Phòng) cho rằng, thực tế có trường hợp giá trị vốn nhà nước (theo số tuyệt đối) ở DN có dưới 50% nên việc tham gia quản lý điều hành sẽ hạn chế. Do đó, theo ông Hải, nên chăng cần hạn chế tối đa việc nhà nước nắm giữ không chi phối, mà cần tiến hành thoái vốn toàn bộ.

Đại biểu Mai Hồng Hải (HP) phát biểu thảo luận tại hội trường

Đại biểu Mai Hồng Hải đánh giá, chính sách pháp luật hiện nay đã được hoàn thiện cơ bản đủ để quản lý vốn tài sản nhà nước tại DN. Đặc biệt, việc thiết kế các quy định quản lý DN có cổ phần vốn góp của Nhà nước thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện quản lý phần vốn nhà nước tại DN là ý tưởng quản lý rất hay: vừa đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước, trách nhiệm cá nhân liên quan, vừa đảm bảo nguyên tắc đối vốn trong công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế và quy luật thị trường.

Như vậy, theo ông Hải, về nội hàm và bản chất, DN còn vốn của nhà nước vẫn phải là DNNN tương ứng với tỷ lệ vốn đó, đối với DN nhà nước chi phối về vốn thì chi phối hoạt động.

Đối với vấn đề quản lý đất đai trước, trong và sau cổ phần hóa DNNN, đại biểu Mai Hồng Hải nêu 4 kiến nghị, trong đó chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền rà soát chặt chẽ phương án sử dụng đất khi CPH DN gắn với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất và phù hợp với quy hoạch của địa phương; kiên quyết thu hồi đất không sử dụng, sử dụng sai mục đích ngay từ khi phê duyệt phương án sử dụng đất để CPH.

Bên cạnh đó, ông Hải đề nghị sửa đổi Luật đất đai và chính sách CPH theo hướng: Tại các đô thị, không cho chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất sản xuất sang đất thương mại, đất ở mà cần thu hồi để đấu giá công khai trên cơ sở tính đúng giá đất cụ thể.

Theo ông Hải, các địa phương cần chủ động đi trước, rà soát quy hoạch, thực hiện di rời các cơ sở sản xuất trong đô thị về các khu, cụm công nghiệp tập trung, điều đó vừa dễ quản lý sản xuất, xử lý môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vừa chỉnh trang đô thị, lại có quỹ đất xây công trình công cộng hoặc đấu giá công khai để tối đa hóa lợi ích về cho nhà nước…

THẾ KHOA

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông