Đại biểu Hải Phòng tại diễn đàn Quốc hội: Làm rõ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam

10:09 11/06/2018

Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, qua đó nhằm khắc phục một số vấn đề bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ gìn an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn trên biển trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban soạn thảo, đồng thời đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn đại biểu Hải Phòng) phát biểu thảo luận tại hội trường

    Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam, Đại biểu Bùi Thanh Tùng đề nghị cơ bản nhất trí với nguyên tắc nêu tại khoản 1 Điều 4 (dự thảo Luật).

Tuy nhiên, để thống nhất và đồng bộ với một số Luật liên quan như Luật An ninh quốc gia, Luật Cảnh vệ, Luật Quốc phòng (sửa đổi) và Luật Công an nhân dân (sửa đổi), ông Tùng đề nghị sửa khoản 1 Điều 4 theo hướng gọn hơn, cụ thể là “Cảnh sát biển Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự chỉ đạo và điều hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”.

Ông Tùng cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh sửa phạm vi nhiệm vụ của Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam được quy định tại khoản 3 Điều 4 để tránh trùng lắp với nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại khoản 1 của Điều này; theo đó nên chuyển cụm từ “trực tiếp” từ khoản 1 sang khoản 3; rà soát, chỉnh sửa phạm vi nhiệm vụ của Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam để tránh trùng lặp…

   Đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng góp nhiều ý kiến xung quanh các quy định về vai trò nòng cốt của Cảnh sát biển Việt Nam trong thực thi pháp luật trên biển; vị trí, chức năng, sự phối hợp hoạt động… sao cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống luật pháp cũng như thông lệ quốc tế.

   Cuối cùng, về trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành quy định tại Điều 44, Điều 45 trong dự thảo Luật, đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng cần được cụ thể hóa hơn để rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan trực tiếp với hoạt động của cảnh sát biển, trong đó ngoài các bộ có các lực lượng phối hợp trực tiếp như quy định tại các điều từ 26-30 của dự thảo Luật, cần bổ sung thêm trách nhiệm cụ thể của Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm, cứu nạn. 

THẾ KHOA

 

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông