19:29 16/11/2023 Để đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khoẻ của người dân, thời gian qua, thành phố đầu tư nhiều vào công tác y tế. Từ đó các bệnh viện, cở sở y tế khám chữa bệnh đã gia tăng và sử dụng các trang thiết bị ngày càng hiện đại. Tuy nhiên, đi đôi với sự ra đời ngày càng nhiều của bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh, nhà điều dưỡng… là các ẩn họa về cháy, nổ tại những địa điểm này.
Để tận dụng tối đa diện tích bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh được xây dựng thường là nhà nhiều tầng và có thể có tầng hầm, trong đó được phân thành các khu riêng biệt. Bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh càng cao thì diện tích sàn sử dụng càng lớn, dẫn tới mật độ người tập trung đông; chủng loại và khối lượng chất cháy tập trung lớn. Lối thoát nạn chính là theo cầu thang bộ, việc di chuyển khó khăn và chậm hơn so với di chuyển theo phương ngang làm kéo dài thời gian thoát nạn ra nơi an toàn.
Khi có cháy, toàn bộ các tầng trên và tầng bị cháy sẽ bị đe dọa bởi khói, lửa, hơi nóng, khí độc tỏa ra từ đám cháy. Bởi vì các thành phần này luôn có xu hướng bay lên trên dọc theo chiều cao công trình, gây nguy hiểm cho người và làm cản trở quá trình thoát nạn từ trên xuống dưới.
Do đó, việc triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các tầng trên cao.
Qua đó, cơ quan chức năng khuyến cáo các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn PCCC tại các bệnh viện, nhà điều dưỡng, trung tâm y tế, cơ sở khám chữa bệnh gồm: Thực hiện đầy đủ việc thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC nhằm đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về kiến trúc có liên quan đến an toàn PCCC như: bậc chịu lửa của công trình; khoảng cách ngăn cháy, chống cháy lan; lối thoát nạn và các phương tiện về PCCC đảm bảo về số lượng, phù hợp với tính chất hoạt động. Phải niêm yết nội quy, quy định an toàn về phòng cháy, biển cấm lửa và tiêu lệnh chữa cháy tại các khu vực.
Vì vậy, các bệnh viện, nhà điều dưỡng, trung tâm y tế, cơ sở khám chữa bệnh cần bố trí lực lượng PCCC cơ sở tuần tra, thường trực, kiểm tra kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra và lực lượng PCCC cơ sở phải được huấn luyện về nghiệp vụ PCCC.
Các cơ sở cần có lối thoát nạn, phương tiện thoát nạn phù hợp cho bệnh nhân và người tàn tật, xây dựng và luyện tập phương án thoát nạn khi cháy xảy ra. Không bố trí sắp xếp hàng hóa và các chướng ngại vật trên lối thoát nạn, gần thiết bị tiêu thụ điện và không xếp hàng hoá dễ cháy (nhựa, phim ảnh, bông, polymer tổng hợp…) ở chân cầu thang hoặc buồng gần cầu thang.
Các lối thoát nạn trong và ngoài công trình như: hành lang, thang bộ, cửa đi… phải luôn thông thoáng, đảm bảo yêu cầu thoát nạn.Trang bị đầy đủ đèn chiếu sáng sự cố, biển chỉ dẫn thoát nạn. Không cho phép bảo quản các loại phim X quang và các loại hoá chất dễ cháy khác trong cùng dãy nhà điều trị bệnh nhân.
Tại tầng để xe bố trí trong bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh phải được bố trí, sắp xếp gọn gàng và đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC theo quy định…
Tại các khu vực đặt máy biến áp, máy phát điện phải bố trí tại các các phòng được ngăn cháy riêng biệt hoặc áp dụng các giải pháp chống tràn dầu, chống cháy lan khác.
Trong các khu khám chữa bệnh, khu kỹ thuật nghiệp vụ tồn tại các hệ thống làm việc dưới áp lực cao có nhiều nguy hiểm cháy nổ như hệ thống các trang thiết bị làm lạnh, kho lạnh, hệ thống khí oxi âm tường đến các giường bệnh... trong quá trình vận hành sử phải chấp hành nghiêm các quy định an toàn.
Khi xảy ra cháy, báo động cho mọi người xung quanh biết bằng cách hô to, đánh kẻng báo động, nhấn chuông báo cháy… Nhanh chóng tìm mọi cách ngắt nguồn điện nơi xảy ra cháy, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ được trang bị để dập tắt đám cháy, ngăn chặn chống cháy lan; tổ chức thoát nạn, cứu người và di chuyển tài sản. Đồng thời gọi điện thoại báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số 114 đến tham gia chữa cháy kịp thời.
VŨ DUYÊN
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão