Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân

00:32 29/08/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, UBND thành phố đã kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào từ vùng sản xuất

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp & PTNT, nguồn cung từ vùng sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn thành phố. Trong đó, sản lượng thóc vụ Xuân đạt 202.669 tấn (tương ứng bằng 142.000 tấn gạo), trừ đi số gạo đã sử dụng trong các tháng 6, 7, 8 (tương ứng 51.780 tấn), số gạo hiện còn 90.200 tấn, đủ cung cấp cho nhân dân thành phố trong 4,2 tháng. Đến tháng 10 tiếp tục thu hoạch vụ Mùa.

Sản lượng rau củ sản xuất dự kiến tháng 8 đạt 29.400 tấn, tháng 9 đạt 43.230 tấn, tháng 10 đạt 31.500 tấn (trung bình 33.500 tấn/tháng); Sản lượng thịt gia súc hơi xuất chuồng ước đạt 2.777,68 tấn/tháng; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 5.082,08 tấn/tháng; trứng gia cầm ước đạt 30.966.830 quả/tháng. Như vậy, thịt gia súc các loại đáp ứng 75,15%, thịt gia cầm các loại đáp ứng 123,74%, trứng gia cầm các loại đáp ứng 1,005% so với nhu cầu của người dân thành phố.

Siêu thị Vinmart + đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu và bán hàng đúng giá niêm yết

Về nguồn cung thủy hải sản, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản bình quân một tháng ước đạt trên 15.000 tấn, bằng 3,38 lần nhu cầu về thủy hải sản của nhân dân trên địa bàn thành phố.

Hàng hóa phong phú, ổn định giá cả

Theo Sở Công Thương, trong thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở phân phối, kinh doanh hàng hóa đã chủ động kế hoạch cung ứng, đảm bảo các nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Hệ thống siêu thị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã chủ động, sẵn sàng các phương án dự trữ hàng hóa, với lượng hàng nhu yếu phẩm tăng từ 30% đến 50% và cam kết không tăng giá bán trong thời điểm này.

Trên địa bàn thành phố hiện có 176 chợ, 8 siêu thị tổng hợp, 221 cửa hàng tiện ích và hàng nghìn các cửa hàng tạp hóa, đại lý kinh doanh. Hiện, hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố có khả năng cung ứng khoảng hơn 47 tấn gạo; hơn 43 nghìn thùng mỳ gói; hơn 18 tấn thịt gia súc; gần 60 nghìn quả trứng, hơn 9 nghìn tấn thủy hải sản đông lạnh, 127 tấn rau củ,… Hàng hóa tại các siêu thị, các cửa hàng tiện ích luân chuyển theo chu kỳ 1-7 ngày/lần tùy thuộc vào từng mặt hàng và nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn; hầu hết các đơn vị có khả năng huy động nhân lực, vật lực và phương tiện chuyên chở hàng hóa khi có yêu cầu.

Bên cạnh hệ thống siêu thị, trên địa bàn thành phố có hệ thống doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hóa lớn: về mặt hàng gạo, Công ty Cổ phần Thương mại Minh Khai có nguồn cung hiện tại khoảng 3.000-5.000 nghìn tấn gạo và Công ty Cổ phần Lương thực Đông Bắc có nguồn cung 10 tấn gạo các loại; Công ty Cổ phần Thực phẩm Công nghệ Đồng Lợi tối đa cung cấp được 15.000 thùng mỳ và các sản phẩm ngũ cốc thay thế, 40.000 thùng sữa và các chế phẩm từ sữa; 3.000 thùng dầu ăn. Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu Hạ Long cung cấp được 1.500 tấn các loại thủy hải sản, thịt gia súc, thịt gia cầm; Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xanh Vinh Phát cung cấp được 10 tấn thịt lợn/ngày; Công ty Cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ cung cấp được 5.000 quả trứng gà ri, 20 tấn gà công nghiệp/ngày, 14 tấn gà ri/ngày,…

Đơn hàng trực tuyến tăng 150%

Tính đến ngày 24-8-2021, tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố Hải Phòng ổn định. Giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các chợ, siêu thị, cửa hàng, các doanh nghiệp cung ứng lớn trên địa bàn thành phố không có tăng giá đột biến; giá các mặt hàng gạo, mỳ, thịt gà, rau củ, thịt lợn ổn định, hàng hóa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích phong phú, đa dạng về chủng loại.

Tại các siêu thị, chợ và các điểm mua bán trên địa bàn thành phố, việc mua sắm của người dân diễn ra bình thường, không có hiện tượng găm hàng, đầu cơ, tích trữ với số lượng lớn. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, lượng khách hàng tham quan mua sắm vào những ngày cuối tuần tăng khoảng 30-40% so với ngày thường, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các đơn đặt hàng trực tuyến tại siêu thị tăng 100-150% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu không bị đứt gãy, Sở Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp, hệ thống phân phối kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ, cụ thể đối với các mặt hàng thiết yếu; chủ động nắm bắt tình hình, sẵn sàng phối hợp với Sở Công thương và các địa phương liên quan tổ chức cung ứng hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong khu vực phong tỏa cách ly y tế và trên địa bàn thành phố; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện nghiêm quy đinh về phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Sở đã đề xuất UBND thành phố sớm tiêm vắc xin cho đối tượng là người lao động tại các cơ sở thuộc chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu thuộc lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội (lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vận tải, dược phẩm, hàng hóa chống dịch,…)

LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông