08:44 09/07/2020 Kỳ thi tốt nghiệp THPT và mùa tuyển sinh đại học năm 2020 đang tới gần. Tại thời điểm này, không ít thí sinh đang bối rối trước những lựa chọn cho tương lai. Có bao nhiêu nguyện vọng thi đại học 2020? Đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là đủ? Thứ tự ưu tiên ra sao để tăng cơ hội trúng tuyển?... Sau đây là một số điểm cần lưu ý trong đăng ký xét tuyển đại học năm 2020.
Trở thành sinh viên Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam là mơ ước của không ít học sinh
Gần 650 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2020
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 dự kiến diễn ra vào ngày 9 và 10-8. Ngoài mục đích xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng dạy học ở bậc phổ thông, kết quả kỳ thi này có thể là căn cứ để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển đầu vào. Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đa số các trường đại học vẫn sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến ngày 5-7, có 900.152 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và trong số này có 643.122 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, chiếm 71,45% (51.712 là thí sinh tự do). Số thí sinh đăng ký dự thi bài tổ hợp khoa học tự nhiên chiếm 32,9% trong tổng số thí sinh đăng ký dự thi, còn 55,38% đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội.
Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển là 2.490.171, như vậy trung bình mỗi thí sinh có gần 4 nguyện vọng. Tổng số nguyện vọng 1 là 640.637; nguyện vọng 2 có 519.449 (trên 81%); nguyện vọng 3 có 408.519 (63,77%), nguyện vọng 4 có 293.587 (45,83%), nguyện vọng 5 có 212.560 (33,18%). Các nguyện vọng còn lại là 415.419 (64,84%).
Năm nay, thí sinh sẽ không bị giới hạn về số lượng nguyện vọng xét tuyển đại học. Mỗi nguyện vọng bao gồm ngành, trường và tổ hợp môn. Thí sinh được quyền đăng ký nhiều ngành học của cùng một trường với cùng tổ hợp môn; đăng ký 1 ngành với nhiều tổ hợp môn khác nhau với điều kiện tổ hợp môn mà thí sinh lựa chọn phải có trong đề án tuyển sinh ngành học đó. Ngoài ra, mỗi trường hợp lựa chọn ngành và tổ hợp sẽ được tính là 1 nguyện vọng riêng biệt.
Nếu đã đỗ nguyện vọng 1, hệ thống sẽ tự ngừng xét tuyển các nguyện vọng sau. Vì thế, thí sinh không thể học ngành có nguyện vọng ưu tiên thấp hơn trong cùng một đợt xét tuyển đầu tiên. Tuy nhiên, nếu trong đợt xét tuyển đầu tiên, bạn không xác nhận nhập học với trường ở nguyện vọng 1 thì sẽ coi như từ chối học và có thể tham gia xét tuyển đợt bổ sung (đợt này thường vào khoảng tháng 8 trở đi, nhưng năm 2020 sẽ muộn hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sẽ rơi vào khoảng tháng 10). Lúc này, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào trường ở nguyện vọng 2. Tuy nhiên, việc này rất rủi ro vì ngành bạn muốn vào có thể không xét tuyển đợt bổ sung; hoặc điểm xét tuyển đợt bổ sung cao hơn so với điểm trúng tuyển đợt 1 và cao hơn so với kết quả thi của bạn. Đây chính là lý do thí sinh nên sắp xếp các nguyện vọng theo mức độ yêu thích để nâng cao khả năng trúng tuyển ngay từ đợt 1. Như vậy, có bao nhiêu nguyện vọng thi đại học 2020 không quan trọng bằng việc bạn lựa chọn được các ngành học phù hợp và đặt nó vào đúng vị trí ưu tiên.
Sau khi biết điểm thi THPT, thí sinh sẽ có một khoảng thời gian nhất định (khoảng 7 - 10 ngày) để thay đổi và bổ sung nguyện vọng. Bạn có thể sử dụng một trong hai phương thức: trực tuyến hoặc phiếu đăng ký điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, phương thức trực tuyến sẽ chỉ được chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu.
Với việc đổi nguyện vọng, nếu kết quả của tổ hợp môn đăng ký ban đầu không cao, thí sinh có thể đổi sang xét tuyển bằng tổ hợp môn khác với 2 điều kiện: thí sinh có tham gia làm bài thi các môn thuộc tổ hợp đó và tổ hợp môn đó có mặt trong đề án tuyển sinh ngành học mà bạn đăng ký...
Nên quan tâm đến học phí của trường đại học
Theo Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục (Trường đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội), thí sinh khi đăng ký xét tuyển đại học thường chú trọng việc chọn ngành, chọn trường, chưa lưu tâm đúng mức đến vấn đề học phí. Trong khi đó, theo quy chế tự chủ đại học, các trường tự chủ sẽ được tự quyết vấn đề học phí. Thí sinh vẫn quen tư tưởng học phí trường công sẽ thấp, chỉ khi đăng ký trường tư mới để ý tới vấn đề học phí. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm vì hiện nay các trường công cũng tự chủ, vì thế học phí cũng sẽ tăng.
Năm học 2020-2021, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh công bố mức học phí tăng “chóng mặt”, từ 13 triệu đồng đối với tất cả ngành học (năm học 2019-2020) lên mức 30 đến 70 triệu đồng, theo từng ngành học. Cụ thể, ngành Răng - hàm - mặt có học phí cao nhất 70 triệu đồng, tiếp đó là ngành Y khoa 68 triệu đồng, ngành Kỹ thuật phục hình chỉnh răng 55 triệu đồng. Ngành Dinh dưỡng có mức học phí thấp nhất nhưng cũng ở mức 30 triệu đồng, gấp hơn 2 lần so với học phí năm ngoái. Trường cũng thông báo rõ các năm tiếp theo sẽ tăng thêm 10% mỗi năm.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học sẽ phải công bố công khai học phí trong Đề án tuyển sinh của trường mình để phụ huynh, thí sinh biết. Sau khi các trường Đại học công bố mức học phí, không ít phụ huynh “ngã ngửa” vì học phí mới. Ở một số trường Đại học ở các tỉnh phía Nam, học phí của Đại học Y dược Cần Thơ tăng từ 19,2 triệu đồng lên 24,6 triệu đồng. Học phí Đại học Bách khoa Hà Nội từ 16 đến 22 triệu đồng lên 20 đến 24 triệu đồng. Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh công bố mức học phí chương trình đại trà dự kiến từ 17,5 đến 19,9 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với năm ngoái… Bên cạnh đó, với các chương trình chất lượng cao tuy có điểm đầu vào thấp hơn, nhưng mức học phí cao hơn nhiều so với chương trình đại trà. Học phí chương trình chất lượng cao của Đại học Công nghệ thông tin (thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) là 35 triệu đồng, chương trình tiên tiến 40 triệu đồng. Tại Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, học phí chương trình chất lượng cao từ 28 đến 32 triệu đồng tùy theo từng ngành.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, chọn ngành, trường đại học yêu thích nhưng phải quan tâm đến học phí để cân đối khả năng tài chính trong bối cảnh nhiều trường đại học liên tục tăng học phí. Tuy nhiên, với cùng ngành nghề đào tạo lại có mức học phí khác nhau giữa các trường. Do vậy, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin để có thể chọn được ngành học mình yêu thích với mức học phí phù hợp hoàn cảnh gia đình...
HẢI HẬU
21:17 22/11/2024