15:16 06/12/2018 Lần đầu tiên tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 tại Hà Tĩnh vừa qua, nhưng đào nương Phạm Thị Liên đã chinh phục được những ban giám khảo khó tính, những nghệ nhân dân gian “cao niên” trong làng ca trù và giành Huy chương vàng với bài “Thế sự” của Cao Bá Quát. Đó cũng là sự khẳng định về “vị thế” của Ca trù Hải Phòng hôm nay…
Đào nương Phạm Thị Liên biểu diễn tại Liên hoan Ca trù toàn quốc 2018.
Đào nương Phạm Thị Liên sinh năm 1985, ở xã Hòa Bình, huyện thủy Nguyên, trong một gia đình thuần nông. Làng Đông Môn của hàng thế kỷ trước kia đã trở thành một làng hát Ca trù với mỗi gia đình là một quán hát: ông đàn cháu hát, cha đàn con hát, chồng đàn vợ hát…
Nhờ vậy với năng khiếu bẩm sinh cùng một giọng ca vang, ngọt ngào, truyền cảm của Liên sớm tiếp thu được những tinh hoa của nghệ thuật hát Ca trù với đầy đủ những lối hát, điệu hát và nhanh chóng trưởng thành một ca nương khi mới ở tuổi 11.
Trải lòng về những ngày đầu bỡ ngỡ cất giọng nhấn nhá, ngâm rung những câu ca của một loại hình nghệ thuật “bác học” rất kén người nghe, đặc biệt là đối với người hát, Đào nương Phạm Thị Liên tâm sự: Ca trù đã từng rất “hưng thịnh” tại mảnh đất Đông Môn xưa.
Nhưng do chiến tranh loạn lạc, cùng với những thăng trầm của cuộc sống, ca trù Đông Môn bị dần mai một.
Năm 1993 chính quyền địa phương đã đứng ra thành lập CLB ca trù Đông Môn do ông Trần Bá Sự làm chủ nhiệm, cùng sự đóng góp của nghệ nhân hát ca trù Tô Thị Chè (dạy hát), ông Tô Văn Nghị (kép đàn) và rất nhiều người đam mê ca trù cùng tham gia với mong muốn bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc.
Ngày đó Liên còn rất nhỏ, chưa biết hát ca trù. Đến năm 1996, khi Liên mới 11 tuổi, học sinh lớp 6 Trường THCS Hòa Bình, ông Sự có đề nghị với nhà trường tuyển chọn một số học sinh có năng khiếu để truyền dạy ca trù.
Liên đã rất ngạc nhiên, vui mừng khi mình được là 1 trong 9 bạn được chọn để các nghệ nhân truyền dạy nghề.
Lần đầu tiên được học ca trù, Liên thấy thật khó. Kiên trì theo các cụ học nửa năm liên tục ở cửa đình làng, Liên mới học được trọn vẹn được 1 bài hát ca trù.
Liên nhớ lại, ngày ấy, say mê học đến nỗi bàn tay, mắt cá chân chai đi vì tì xuống chiếu nhiều mà Liên cũng không hay để ý. Bắt đầu từ đó, Liên thường xuyên tham gia CLB Ca Trù Đông Môn cùng các thế hệ cha ông mình, theo các nghệ nhân biểu diễn ca trù ở các hội làng, các hội diễn văn nghệ của trường, của địa phương.
Đặc biệt, những năm 2004-2008, khi là sinh viên ngành quản lý văn hóa của trường Đại học Văn hóa, dù bận học nhưng Liên vẫn dành thời gian tham gia Câu lạc bộ Ca Trù UNESCO.
Từ đó, Liên có rất nhiều cơ hội tiếp xúc, học hỏi ở các đào nương, kép đàn, nghệ nhân có tiếng ở đất kinh kỳ. Liên ngày càng được thẩm thấu hơn “chất” ca trù trong con người mình.
Sau này, khi trở về quê hương với vai trò là một công chức văn hóa xã, dù phải dành thời gian nhiều cho công việc, gia đình riêng nhưng Liên vẫn luôn trở trăn với “mối tình ca trù”.
Liên tận dụng từng phút, từng giây còn lại của cuộc sống thường ngày để luyện tập, biểu diễn quảng bá cũng như truyền dạy ca trù cho các cháu học sinh cho nhà trường.
Đào nương Phạm Thị Liên chia sẻ: Thường một ngày sau rất nhiều công việc bộn bề, Liên dành trọn thời gian từ tối đến tận đêm khuya cho ca trù. Nhất là những tháng gần đến kì Liên hoan Ca trù toàn quốc, Liên càng phải tầm sư học đạo, luyện tập nhiều hơn. Ngày nào cũng ròng rã, nắng cũng như mưa, Liên cũng đi hơn chục cây số để theo học NSƯT Đỗ Quyên. Có hôm gần 12h đêm mới về, đường khuya vắng ngắt, thân phụ nữ một mình Liên nhiều lúc cũng thấy rờn rợn. Nhưng với tình yêu với ca trù, Liên lại quên hết nỗi sợ hãi.
Nhớ lại những phút giây lần đầu tiên cô đứng trên sân khấu của Liên hoan Ca trù toàn quốc vừa qua, Đào nương Phạm Thị Liên đầy xúc động: Lúc đứng trên sân khấu của Liên hoan Ca trù toàn quốc vừa qua thì trong Liên đan xen nhiều cảm xúc, lo lắng, hồi hộp nhưng lòng tràn đầy quyết tâm.
Đó không phải là quyết tâm của một người dự thi để giành lấy những giải cao, mà là quyết tâm của một người nghệ sĩ muốn thể hiện hết được cái “hồn cốt”, cái “thần” của ca trù. Nên lúc đó, Liên cảm thấy vô cùng thăng hoa, hát bằng cả trái tim mình…
Những giải cao, những tấm huy chương là rất quý với những người nghệ sĩ như Đào nương Phạm Thị Liên. Nhưng đối với họ, có lẽ tình yêu với vốn văn hóa dân gian truyền thống mới là tài sản lớn lao hơn cả.
Cũng chính bằng trái tim ấy, họ đang ngày ngày lặng lẽ đi ươm hạt, nảy mầm, đi truyền lửa, thắp sáng lên ngọn lửa tình yêu đối với ca trù trong trái tim của nhiều người, đặc biệt đối với thế hệ trẻ hôm nay để bảo tồn, phát triển một loại hình nghệ thuật dân tộc của cha ông từ ngàn xưa để lại…
Xuân Hạ
14:29 23/11/2024