DAP – Vinachem: Đẩy mạnh tiêu thụ thạch cao PG

16:32 31/12/2022

Từ đầu năm 2022 đến nay sản lượng chế biến và tiêu thụ thạch cao PG đến các nhà máy xi măng đã liên tục tăng mạnh, trung bình mỗi tháng tiêu thụ được trên 30.000 tấn. Hiện nay, lượng thạch cao chế biến và tiêu thụ cơ bản là cân bằng với lượng bã thải thạch cao PG phát sinh trong quá trình sản xuất của Công ty DAP. Sau nhiều năm kiên trì, bền bỉ đầu tư rất nhiều nguồn lực cho việc xử lý chất thải, nay đã thu được quả ngọt. Đây là bước tiến vô cùng quan trọng trong lộ trình phát triển xanh, bền vững của DAP Đình Vũ.

                                                              Truân chuyên, vất vả biến chất thải thành tiền

         Việc xử lý, tái chế bã thải thạch cao PG không phải là vấn đề mới ở trên thế giới, nhưng lại xuất hiện lần đầu ở Việt Nam. Theo quyết định số 626/QĐ-TTg ngày 29/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón Diamoni Phosphat Đình Vũ - Hải Phòng có nêu giải pháp chế biến bã thải thạch cao làm phụ gia xi măng.

                                

Ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Đà Cao Cường trình bày về việc sản xuất thạch cao từ bã thải gyps

      Ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Đà Cao Cường, người được trao tặng Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam - VIFOTEC năm 2008, sau khi thành công trong việc chế biến tro bay của nhà máy nhiệt điện Phả Lại làm vật liệu xây dựng là người đã dám dấn thân vào lĩnh vực đầy khó khăn này.

     Từ năm 2010, khi nhà máy DAP Đình Vũ mới bắt đầu đi vào hoạt động, ông và lãnh đạo  Công ty DAP Đình Vũ đã đầu tư rất nhiều nguồn lực về thời gian, công sức, tiền của  đến các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… để tìm tòi, học hỏi công nghệ tái chế bã thải thạch cao. Cũng trong năm 2010, Công ty CP Thạch cao Đình Vũ được thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất thạch cao từ bã thải gyps của Nhà máy DAP Đình Vũ.

                                 Dây chuyền sản xuất thạch cao từ bã thải gyps của Công ty CP Thạch cao Đình Vũ

      Sau khi thành lập, công ty thạch cao Đình Vũ đã nỗ lực tìm tòi, vừa chạy thử vừa hiệu chỉnh, thậm chí đã 4 lần dỡ bỏ dây chuyền đã xây dựng; lắp đặt công nghệ mới chất lượng sản phẩm và giá thành sau chế biến có thể cạnh tranh được với thạch cao nhập khẩu. Có những lúc khó khăn tưởng chừng như phải bỏ cuộc, do phải bù lỗ quá nhiều. Nhưng với sự tâm huyết và trách nhiệm, cộng với sự hỗ trợ tích cực ngay từ những ngày đầu của Bộ Khoa học và Công nghệ (Công ty đã được Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ 19,97 tỷ đồng để nghiên cứu).

      Sau nhiều lần hiệu chỉnh về công nghệ và thiết bị, đến cuối năm 2017 dây chuyền chế biến thạch cao PG đã được hoàn thiện và đi vào vận hành, đáp ứng các yêu cầu kinh tế kỹ thuật. Sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 11833: 2017 thạch cao phospho dùng để sản xuất xi măng, được các nhà máy xi măng từng bước đưa vào sử dụng. 

     Trong 3 năm đầu, từ 2018 – 2020, việc tiêu thụ sản phẩm thạch cao nhân tạo chế biến từ chất thải là vô cùng khó khăn, phải chịu sự cạnh tranh áp đảo của sản phẩm thạch cao tự nhiên nhập khẩu từ nước ngoài (mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 3,5 – 4 triệu tấn thạch cao). Do đó, lượng thạch cao chế biến và tiêu thụ rất hạn chế, mỗi năm chỉ tiêu thụ được khoảng 160.000 - 220.000  tấn, chỉ bằng 30% công suất thiết kế của Nhà máy chế biến thạch cao Đình Vũ.     

       Bước sang năm 2021, tình hình bắt đầu thay đổi theo hướng tích cực sau nhiều năm kiên trì giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng đến các nhà máy xi măng. Quá trình đưa phối liệu thạch cao vào sử dụng, đánh giá trong thời gian dài của các nhà sản xuất xi măng, cộng với những thay đổi tích cực từ thị trường, khi giá thạch cao nhập khẩu tăng do tăng giá cước vận tải, đã làm cho sản lượng tiêu thụ có bước tăng vọt so với trước.

      Từ quý 2-2021 đến nay, đã có 28 nhà máy xi măng trong nước ký hợp đồng mua sản phẩm thạch cao PG sau chế biến của nhà máy.  Sản lượng tiêu thụ thạch cao đến các nhà máy xi măng đã tăng mạnh lên từ 30.000 - 35.000 tấn/tháng. Lượng thạch cao chế biến và tiêu thụ cơ bản là cân bằng với lượng thạch cao PG phát sinh của Công ty DAP. Như vậy, Công ty CP Thạch cao Đình Vũ đã cơ bản đạt  được mục tiêu không làm tăng thêm quy mô bãi chứa gyps của DAP Đình Vũ.

                                                                                Tiếp tục nâng công suất  

Theo ông Kiều Văn Mát, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón.  Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020  Phê duyệt Chiến lược phát triển Vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 -2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, từ năm 2025 yêu cầu phải đưa vào sử dụng tối thiểu 20% và từ năm 2030 là 30% phụ gia chế biến từ tro, xỉ, thạch cao làm phụ gia cho sản xuất xi măng.

                               

                          Dây chuyền sản xuất thạch cao từ bã thải gyps của Công ty CP Thạch cao Đình Vũ

     Nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, UBND thành phố Hải Phòng cũng đã ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 4/7/2021 về việc đẩy mạnh xử lý, tiêu thụ tro, xỉ thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

     Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các giải pháp, phương án xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao làm vật liệu xây dựng, tạo điều kiện để các ngành sản xuất điện, hóa chất phát triển xanh, bền vững. Với nền tảng đó, Công ty CP Thạch cao Đình Vũ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm và công suất xử lý của nhà máy từ 750.000 tấn/năm lên 1,5 triệu tấn/năm.

        Theo ông Kiều Văn Mát, với công suất 1,5 triệu tấn/năm thì Nhà máy thạch cao Đình Vũ hoàn toàn đáp ứng xử lý hết khối lượng bã gyps hiện thải ra hàng năm của nhà máy DAP Đình Vũ và 1 phần bã thải gyps đã tồn trữ lâu năm, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lượng bã thải tồn trữ này. Đây là mục tiêu rất quan trọng nhưng cũng đầy thách thức. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của Trung ương và thành phố; sự quyết tâm của các doanh nghiệp liên quan, xu hướng xử lý bã thải gyps thành thách cao và các loại vật liệu khác hoàn toàn có cơ sở, giúp giải phóng bãi thải gyps của Nhà máy DAP Đình Vũ, đáp ứng sự mong đợi của các doanh nghiệp trong khu vực và nhân dân./.

                                                                                                                                                   Hồng Thanh

Dây chuyền sản xuất thạch cao từ bã thải gyps của Công ty CP Thạch cao Đình Vũ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông