Dấu ấn mùa hoa phượng đỏ

12:13 29/04/2022

Mỗi năm mùa hạ về, khi những cơn nắng rực rỡ tỏa ra choáng ngợp không gian, khi những đóa phượng thắp bừng lên màu lửa cháy, cũng là lúc Hải Phòng và cả nước lại rực rỡ cờ hoa, chào đón dịp kỷ niệm đầy ý nghĩa: Ngày thống nhất đất nước 30-4 và Quốc tế lao động 1-5!

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)

Tráng ca Ngày Thống nhất

Sau thảm bại trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên… Người Mỹ buộc phải đặt bút ký hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhưng thay cho lời cam kết, họ vẫn ngầm can thiệp sâu vào Việt Nam, tiếp tục viện trợ phương tiện chiến tranh cho chính quyền Sài Gòn, với những toan tính đầy tham vọng.

Quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 21-7-1974, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất BCH TW Đảng chủ trì một cuộc họp đặc biệt, đưa ra nhận định: “Thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn thành giải phóng miền Nam đã đến... Ngoài thời cơ này, không có thời cơ nào khác… Phải tạo được thời cơ chiến lược và sẵn sàng chớp thời cơ…”.

Đó là thời khắc thiêng liêng quyết định vận mệnh của cả dân tộc, dẫn đường cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Bắt đầu từ chiến dịch Tây Nguyên, bằng đòn đánh xuất thần chúng ta giải phóng Buôn Ma Thuột, rồi lần toàn bộ Nam Trung Bộ, đi đến điểm chốt cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Vào giờ phút quan trọng này, mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới…” có sức mạnh diệu kỳ, khơi bừng ngọn lửa dân tộc.

11h30 ngày 30-4-1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, cả thế giới nghiêng mình trước sức sôi của dòng máu Việt Nam. Đại thắng Mùa Xuân 1975 đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến bền bỉ, gian khổ và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ kéo dài 4 ngày, được coi là chiến dịch ngắn nhất, nhưng để chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong kinh điển chiến tranh thế giới.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải Phòng với vai trò là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, là hậu phương lớn nối liền với cộng đồng quốc tế, đã đóng góp xứng đáng vào chiến thắng vĩ đại của toàn dân tộc. Từ Hải Phòng, khí tài quân sự và nhiều nguồn lực hậu cần khác được chuyển về phương Nam.

Quân và dân Hải Phòng đã dồn sức người, sức của “tất cả cho miền Nam ruột thịt”. Hải Phòng cũng hiên ngang ngẩng cao đầu trước các cuộc phong tỏa điên cuồng cả trên trời và dưới biển của đế quốc Mỹ. Những cái tên “Cảng Hải Phòng”, “bến K15”, “Đường Hồ Chí Minh trên biển”…  đi vào lịch sử dân tộc như những mốc son chói lọi.

Cũng từ ấy, lớp lớp những người con ưu tú của Hải Phòng đã hòa vào dòng máu dân tộc, mang trái tim nhiệt huyết trên những chặng đường hành quân, xung phong vào tiền tuyến. Những gót chân trần mài mòn đá núi Trường Sơn, vượt vĩ tuyến 17 thần tốc tiến về giải phóng miền Nam, viết lên bản tráng ca bất hủ.

Cảng Hải Phòng tiếp nhận hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam

Hào sảng Ngày quốc tế lao động

Dẫu chỉ là sự kiện ngẫu nhiên, nhưng Ngày thống nhất đất nước 30-4 càng trở lên đặc biệt hơn, khi bản hùng ca mang tên Việt Nam được viết ngay trước ngày Quốc tế lao động 1-5. Để từ đó mỗi năm cứ đến dịp này, chúng ta lại được sống trong cảm giác rạo rực, mang đậm dấu ấn của mùa hè đỏ lửa.

Về ngày Quốc tế lao động 1-5. Các tài liệu ghi nhận lại rằng, khởi xướng từ phong trào đấu tranh do Quốc tế cộng sản I phát động từ năm 1864, giai cấp công nhân thế giới đã đứng lên đòi hỏi quyền lợi hợp pháp cho mình. Năm 1884, tại thành phố Chicago, Đại hội Liên đoàn lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “...Từ ngày 1-5-1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”.

Do yêu cầu không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago, tiếp đó lan rộng ra các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ, với 5.000 cuộc bãi công có khoảng 340 nghìn công nhân tham gia. Ở Washington, New York, Baltimore, Boston... hơn 125.000 công nhân giành được quyền ngày chỉ làm 8 giờ.

Ngày 20-6-1889, Quốc tế cộng sản II nhóm họp tại Paris (Pháp), đã quyết định lấy ngày 1-5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. Từ đó, ngày 1-5 trở thành Ngày Quốc tế lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cộng sản, giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày l-5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập tự do.

Đối với Hải Phòng, thành phố công nghiệp thuộc diện lớn nhất Đông Dương cuối thế kỷ 19, được coi là cái nôi phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam. Càng đặc biệt hơn, khi Hải Phòng được lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh chọn là nơi phát động và lãnh đạo phong trào công nhân, góp phần khai sinh tổ chức Công hội đỏ, tiền thân của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ngày nay.

Trong đó cuộc bãi công của hơn 2.000 công nhân Nhà máy xi-măng Hải Phòng vào ngày 8-1-1930, đã khơi dậy một tinh thần bất diệt, như điểm báo ấn tượng trước ngày thành lập Đảng 3-2-1930. Từ ấy, ngày đấu tranh của công nhân xi măng Hải Phòng cũng được chọn là ngày ngày truyền thống ngành xi-măng Việt Nam.

Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Quốc tế lao động 1-5-1946 đã được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn người. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi: “Ở nước ta, lần này là lần đầu đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 1-5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa… là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC, trong đó quy định: Ngày 1-5 là một trong những ngày lễ chính thức, và công nhân, lao động cả nước được nghỉ một ngày có hưởng lương.

          Như vậy có thể nói, sự gắn kết đầy ý nghĩa giữa ngày Quốc tế lao động với ngày Thống nhất đất nước Việt Nam như một chuỗi sự kiện trong diễn trình lịch sử, khẳng định mục tiêu đấu tranh từ nền tảng giai cấp cần lao, kết tụ thành sức mạnh dân tộc trong không gian đoàn kết quốc tế, viết lên những trang sử oai hùng bởi tác giả là những người cộng sản.

Để Việt Nam hòa mình với thế giới, không chỉ tỏa sáng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, mà còn tiếp tục được khẳng định trong công cuộc hội nhập phát triển, cho hôm nay và mãi mãi về sau.

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông