Đau lòng những vụ nhảy cầu Bính tự tử

17:30 21/11/2016

 

 

Người dân thỉnh thoảng lại chứng kiến một vụ nhảy cầu Bính tự tử
Người dân thỉnh thoảng lại chứng kiến một vụ nhảy cầu Bính tự tử

Lục tìm trong cuốn nhật ký công tác của Đội bảo vệ cầu Bính cho thấy con số người nhảy cầu Bính tự tử đến nay lên đến gần 40. Đó là chưa kể những người chọn thời điểm nửa đêm hay sáng sớm vắng người qua lại bất ngờ nhảy xuống mà không ai phát hiện ra. Hay có không ít trường hợp có biểu hiện muốn tự tử được ngăn chặn, kịp thời cứu sống…

Những cái chết thương tâm

Anh Nguyễn Xuân Quang, nhân viên bảo vệ cầu Bính cho biết, tính từ mặt cầu Bính tới mặt nước khi thủy triều dâng cao nhất là 25 - 30m, nước càng xuống thấp thì độ cao càng tăng. Con người rơi xuống nước từ độ cao trên như quả dưa rơi từ cao ốc xuống nền bê tông. Khi tiếp xúc với mặt nước, xương, nội tạng đều dập vỡ và chết ngay. Có trường hợp chưa chết ngay thì sau đó cũng chết vì đuối nước…

Cũng theo anh Quang, chỉ rất ít người may mắn sống sót sau khi nhảy xuống sông từ cầu Bính. Đó chỉ là những trường hợp hy hữu, như một phụ nữ mặc nguyên chiếc áo phao ấm trên người gieo mình xuống sông do mâu thuẫn với gia đình. Khi nhảy xuống không những giảm bớt phần tiếp xúc của cơ thể với mặt nước mà người này còn tự nổi lên nhờ chiếc áo phao. Sau đó người này lại được bà con làm nghề chài lưới trên sông đến cứu vớt kịp thời.

Còn lại là một số trường hợp khác nhảy ở vị trí mép bờ thấp hơn, có người nhảy… nhầm vào bãi cạn nên chỉ bị gãy chân, gãy tay. Hoặc có trường hợp nửa đêm 2 vợ chồng đang đi trên cầu, khi đến giữa cầu, anh chồng bất ngờ dừng xe nhảy xuống sông. Nhưng rơi xuống mới giật mình sợ hãi khi phải đối diện với cái chết nên đã lấy lại thăng bằng, tự bơi vào bờ.

Ông Phạm Văn Mỹ, một người làm nghề chài lưới trên sông Cấm, thường xuyên tham gia tìm kiếm vớt xác người tự tử ở cầu Bính kể lại, hầu hết những trường hợp tử vong khi vớt lên đều trong tình trạng cực kỳ thê thảm như dập nát toàn thân, máu chảy ra từ miệng, mũi, tai, có khi cả thất khiếu. Nhiều trường hợp khi vớt lên xác đã trương, bị cá rỉa mất nhiều phần cơ thể.

Anh Quang là người hàng ngày có mặt trên cầu Bính từ ngày khánh thành cầu cho đến bây giờ nhớ lại, “mở màn” cho nạn nhảy cầu Bính tự tử là một cô gái chưa đầy 20 tuổi, quê ở Hải Dương. Nguyên nhân cô gái trẻ này tìm đến cái chết vô cùng đơn giản, chỉ vì bố mẹ mắng, sau đó bỏ nhà lên Hà Nội tìm chị gái thì lại bị mắng đuổi về. Chán nản, cô gái bắt xe ô tô khách về thẳng Hải Phòng, tìm đến cây cầu cao nhất để chấm dứt cuộc đời.

Tìm hiểu nguyên nhân của những người nhảy cầu không phải nhiệm vụ của mình nhưng sau mỗi lần có người tự tử, bảo vệ Nguyễn Xuân Quang đều ghi chép tỉ mỉ diễn biến vụ việc, đồng thời ghi chú thêm thông tin thu thập được từ người thân, người quen của nạn nhân.

Theo anh Quang, có muôn vàn lý do để người ta tìm đến cái chết, nhưng qua những ca anh được chứng kiến, có thể tập trung vào một số nguyên nhân chính là: do mâu thuẫn về tình cảm trong quan hệ yêu đương, quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ với con cái, hoặc là gặp bế tắc trong cuộc sống, trong công việc…

Anh Quang kể lại, cách đây không lâu, một cô gái quê ở Thủy Nguyên nhờ người quen chở đến chân cầu Bính, sau đó đi bộ lên giữa cầu rồi bất ngờ nhảy xuống sông. Hỏi người quen mới biết cô gái này vừa chia tay người yêu nên buồn chán, tìm đến cái chết để… chứng minh lòng chung thủy của mình.

Còn có những chuyện mới nghe thì tưởng đùa nhưng hoàn toàn là sự thật. Anh Quang cho biết, nhất là vào mỗi mùa bóng đá, anh em bảo vệ đi tuần trên cầu chẳng mấy ngày là không nhặt được dép. Nhiều người lao vào cá độ bóng đá, cờ bạc dẫn đến nợ nần không trả được đã trốn nợ bằng cách kết liễu cuộc đời mình. Thế nhưng lại có cả chuyện bi hài rằng, hôm trước bảo vệ phát hiện đôi dép nam và một chiếc xe máy để lại giữa cầu nên báo cho công an địa phương.

Lúc đầu ai cũng nghĩ là chủ nhân của những vật dụng để lại đã tự tử, thế nhưng mấy hôm sau người này xuất hiện trở lại, được gia đình đưa lên công an trình diện để… xin lại tài sản. Truy ra mới hay, anh này âm mưu tạo ra hiện trường tự tử giả để trốn một khoản nợ với số tiền lớn mà trước đó vay mượn của nhiều người để làm ăn nhưng thua lỗ.

Và chuyện chiếc phao cứu sinh

Người qua cầu Bính không ai là không thấy mấy chiếc phao cứu sinh màu cam treo trên lan can cầu. Hỏi ra mới biết đó là những chiếc phao mà mới đây người ta treo lên đó để phòng khi có người nhảy cầu tự tử thì người trên cầu quẳng xuống nước cứu nạn.

Tuy nhiên, những chiếc phao cứu sinh này có chăng cũng chỉ để cứu người muốn sống. Bởi theo bảo vệ Nguyễn Xuân Quang kể lại, cách đây không lâu, vào khoảng 4h sáng, bảo vệ cầu trong lúc tuần tra đã phát hiện một người phụ nữ đi bộ lên cầu với biểu hiện không bình thường. Với kinh nghiệm ngăn chặn người muốn tự tử trên cầu nên bảo vệ cầu đã bí mật bám theo.

Khi vừa lên đến giữa cầu thì người phụ nữ này bất ngờ định trèo qua lan can cầu nhưng đã lập tức bị bảo vệ cầu ngăn lại. Bảo vệ cầu vừa khống chế, vừa thuyết phục động viên, cuối cùng người phụ nữ này cũng phải nghe theo, về phòng bảo vệ ngồi chờ người nhà đến đón về. Khi bình tĩnh trở lại, người phụ nữ này tâm sự, do mâu thuẫn với chồng nên uất ức quá, muốn tìm đến cái chết để giải thoát. Để chết chắc, người này đã cho 6 viên gạch trong chiếc ba lô đeo trên người, đồng thời còn cột thêm 2 viên gạch nữa vào 2 tay cho nhanh… chìm.

Cũng theo anh Quang, những người đang bế tắc trong cuộc sống mới chỉ manh nha nghĩ đến cái chết, nếu may mắn được phát hiện kịp thời thì vẫn có thể cứu vãn được. Thực tế, lực lượng bảo vệ cầu đã cứu sống được nhiều người khi họ đang rập rình chuẩn bị buông tay khỏi thành cầu, phần vì họ vẫn còn nghĩ đến sự sống. Còn với những người đã chí chết thì khó mà kéo họ trở lại được. Mới đây nhất là trường hợp chị Nguyễn Thị L., sinh 1979, ở quận Lê Chân, trèo ra ngoài lan can ngồi vắt vẻo ở mép cầu. Người đi đường dừng lại khuyên can thế nào cũng không được, sau đó chị này đã nhảy ào xuống sông và bị cuốn đi theo dòng nước xiết…

Nhiều người cho rằng cần làm tấm lưới ngăn hoặc nâng cao lan can cầu hơn hiện nay thì sẽ chặn được nhiều cái chết xảy ra trong một phút hồ đồ, nông nổi. Cần biện pháp nào đó để quá trình vượt thành cầu nhảy xuống nước diễn ra lâu hơn để có đủ thời gian cho người khác kịp thời phát hiện, ngăn chặn… Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là mỗi người cần tự trang bị cho mình một chiếc “phao cứu sinh” là những kỹ năng sống.

VĂN HUY


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông