22:29 07/12/2023 Trước nhu cầu về loại vật liệu xây dựng san lấp, hoạt động khai thác trái phép cát dưới lòng sông và khu vực ven biển diễn biến phức tạp gây mất an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH), tiềm ẩn nguy cơ hủy hoại môi trường môi sinh. Dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Công an thành phố (CATP), lực lượng Cảnh sát đường thủy (nay thuộc Phòng CSGT) tích cực, quyết liệt triển khai các biện pháp nghiệp vụ phát hiện bắt giữ nhiều vụ “cát tặc” và tiếp tay tiêu thụ cát lậu trên địa bàn, được nhân dân ủng hộ, đáng được biểu dương ghi nhận...
Bài 1: Khó khăn không nhỏ!
Hải Phòng là đô thị loại I, thành phố trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia, cửa ngõ cảng biển quốc tế của khu vực Miền Bắc. Vị trí chiến lược quan trọng, lợi thế thuận lợi giao thông, những năm gần đây tốc độ phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị và dân dụng nhanh, mạnh.
Theo thống kê của sở ngành chức năng, từ năm trong 10 năm từ 2013 – 2023, thành phố thực hiện khoảng gần 1.000 công trình, dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo đường sá, cầu cống, cảng biển, sân bay, khu đô thị, khu tái định cư, chung cư, vui chơi, giải trí của thành phố... có nguồn đầu tư từ Trung ương, địa phương vốn vay nước ngoài; vốn doanh nghiệp, vốn ngân sách hỗ trợ và nhân dân cùng làm theo cơ chế xã hội hóa. Ở lĩnh vực xây dựng dân dụng, mỗi năm có từ 5.000-7.000 công trình nhà dân được xây mới, sửa chưa, cải tạo.
Liên tục trong nhiều năm, thành phố Hải Phòng được cả nước biết đến như “đại công trường xây dựng” với những công trình thế kỷ như: Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cầu Hoàng Văn Thụ, đường WorldBank (đường Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ hiện nay), xây mới Cảng nước sâu Lạch Huyện, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, xây mới tuyến đường đường ven biển, mở rộng QL10, nút giao Nam cầu Bính, Khu đô thị Bắc sông Cấm… Bên cạnh đó là sự khôi phục sản xuất, phát triển công nghiệp thúc đẩy xây mới, mở rộng các khu công nghiệp, làng nghề...
Kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xây dựng đòi hỏi một lượng rất lớn về các loại vật liệu xây dựng san lấp trong đó có cát đen là vật liệu chủ yếu. Thực tế này đã thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động khai thác cát, đặc biệt là hoạt động khai thác cát sông, cát ven biển...
Theo cơ quan chức năng, tình hình hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Hiện trạng trong các tuyến sông nội địa, các đối tượng khai thác cát trái phép thường lợi dụng đêm tối, địa bàn giáp ranh các địa phương hoặc khu vực xa địa bàn, tuyến TTKS của lực lượng Cảnh sát đường thủy để sử dụng các phương tiện gia dụng, phương tiện có vật liệu vỏ xi măng lõi thép, vỏ sắt có trọng tải từ 50-100 tấn không có đăng ký, đăng kiểm để khai thác khoáng sản trái phép, bố trí nhiều lớp cảnh giới, sẵn sàng chống đối, cho đắm phương tiện, bỏ phương tiện. Thường xuyên thay đổi người đứng tên chủ sở hữu hoặc thông qua các hợp đồng thuê mượn phương tiện để lách quy định của pháp luật khi áp dụng hình thức tịch thu tài sản.
Tại các tuyến ven biển, vi phạm được các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ chủ yếu là khai thác cát không có giấy phép, không đúng vị trí theo giấy phép. Ngoài ra việc tranh giành khu vực nuôi ngao và cát... tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT, cá biệt có trường hợp sử dụng vũ khí CCHT, lực lượng bảo vệ đe dọa, gây mất TTCC.
Tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép cát xảy ra tại một số các địa bàn trọng điểm như sông Văn Úc, sông Cấm, sông Đá Bạc, khu vực đảo Cát Hải....
Hành vi khai thác trái phép cát đen có dấu hiệu gia tăng nhất là các khu vực huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Lão, Thủy Nguyên, An Dương.
Đặc biệt là khu vực giáp ranh Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh và khu vực biên giới biển. Tiếp tay cho “cát tặc” là một số chủ phương tiện vận chuyển cát, chủ bến bãi sử dụng thủ đoạn quay vòng hóa đơn, làm giả hóa đơn hoặc có hóa đơn, hợp đồng mua bán của các công ty không có thật để che mắt cơ quan chức năng.
Theo lực lượng Cảnh sát đường thủy- CATP, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển cát hiện nay đó là hệ thống đường thủy địa bàn Hải Phòng gồm 26 tuyến (16 tuyến đường thủy nội địa Quốc gia và 9 tuyến đường thủy địa phương) với chiều dài 506 km.
Trong đó, tuyến ven biển Cát Bà dài khoảng 25km. Trên địa bàn thành phố hiện có 110 xã, phường ven biển, ven sông; có 52 cảng biển, 121 cảng, bến thủy nội địa của các cơ quan, doanh nghiệp; 59 bến đò đưa khách ngang sông, 12 bến phà, 6 bến cá, 5 bến tàu khách cao tốc và du lịch. Có khoảng hơn 3.000 phương tiện vận tải vàphương tiện khai thác, đánh bắt thủy sản cùng với đó là hơn 1.000 phương tiện gia dụng hoạt động thường xuyên trên đường thủy...
Để kiểm soát địa bàn, lực lượng Cảnh sát đường thủy (nay thuộc phòng Cảnh sát giao thông – Công an thành phố Hải Phòng) đã ban hành hàng chục nhiều kế hoạch, phương án, văn bản chỉ đạo, phối hợp kiểm tra, đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực khai thác cát trái phép.
Kết quả, trong 2 năm 2022 và 2023, đơn vị đã chủ động phát hiện bắt giữ hoặc chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, bắt giữ 33 vụ việc với 76 đối tượng vi phạm trong đó có 12 vụ việc khai thác cát trái phép, 21 vụ việc vận chuyển, kinh doanh cát không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp với khối lượng khoáng sản (cát đen) tịch thu khoảng 10.500 m3 cát, thu giữ tiêu hủy xung công quỹ nhà nước 8 phương tiện thủ, xử phạt vi phạm hành chính 1,5 tỷ đồng, khởi tố 2 vụ liên quan đến khai thác trái phép, vận chuyển, kinh doanh cát đen lậu không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, góp phần giữ gìn ANTT địa bàn, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và môi trường thành phố, phục vụ mục tiêu phát triển thành phố Hải Phòng trở thành Thành phố Cảng xanh, sạch đẹp, văn minh.
(còn nữa)
Đoàn Lanh
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão