18:36 13/08/2021 Nhằm đảm bảo môi trường dạy và học an toàn, thân thiện, hạnh phúc, tích cực, thời gian qua, các trường học trên địa bàn thành phố đã được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền với công tác giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục thành phố phối hợp cùng UBND các quận, huyện tiến hành rà soát cơ sở vật chất, trường lớp học và có giải pháp đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phù hợp, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học 2021-2022.
Cô Đoàn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng vui mừng nói: Đây là một năm học đặc biệt, nhà trường thực hiện đổi điểm trường 2 từ 117 Quang Trung về 14 Phan Bội Châu, hai điểm trường khoảng cách gần hơn và nằm trọn trong địa bàn phường Hoàng Văn Thụ.
Kế hoạch chuyển đổi điểm trường đã được UBND quận Hồng Bàng ra văn bản từ tháng 4 năm 2021 và hướng dẫn Phòng giáo dục, nhà trường thực hiện.
Do đó, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và triển khai đổi điểm trường từ 1-6-2021, mọi công việc được thực hiện khẩn trương nhằm đảm bảo kịp đưa vào sử dụng dịp khai giảng năm học mới.
Sang điểm trường mới, Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã tiến hành sửa chữa, cải tạo nâng cấp một số hạng mục để phù hợp với số lượng học sinh cũng như đặc điểm của học sinh nhà trường, như: cải tạo bếp ăn đảm bảo cung cấp cho 600 học sinh ăn bán trú tại điểm trường B; xây mới và cải tạo nhà vệ sinh đảm bảo mỗi tầng có 1 khu vệ sinh; cải tạo lại cổng trường, nâng cao lan can của các khu tầng đảm bảo an toàn cho học sinh, sửa chữa một số phòng học; bổ sung cơ sở vật chất cho phù hợp gồm điều hòa, quạt, cây nước đảm bảo cho học sinh ăn nghỉ học tại trường; 100% phòng học được trang bị tivi, máy điều hòa...
Để có nguồn kinh phí này, nhà trường được nhận từ nguồn ngân sách quận đầu tư, từ nguồn vận động tài trợ của phụ huynh học sinh và các tổ chức xã hội.
Năm học 2021-2022 nhà trường có 60 lớp với 2233 học sinh, và 100% học sinh đều ăn bán trú. Để chủ động cho ngày học sinh tựu trường, nhà trường đã xây dựng các phương án: thứ nhất, nhà trường đón học sinh đúng khung thời gian quy định của Bộ GD-ĐT; phương án 2 là dạy học trực tuyến.
Ngay từ trong hè, nhà trường đẩy cao việc xây dựng kế hoạch năm học, các tổ chuyên môn xây dựng theo từng tổ, khối theo hai phương án nêu trên.
Mỗi giáo viên phải chủ động kế hoạch giáo dục của lớp mình ở cả hai phương án. Nhà trường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên về phương pháp dạy học trực tuyến đối với học sinh tiểu học sao cho hiệu quả nhất.
Chính vì vậy, nhà trường rất quan tâm đầu tư hệ thống mạng, nâng cấp đường truyền, trang bị thêm thiết bị CNTT để giáo viên sử dụng dạy học trực tuyến đảm bảo.
Các thầy cô cũng sinh hoạt chuyên môn, xây dựng các bài giảng E-learning, các video ngắn gửi cho phụ huynh học sinh đồng hành dạy các con về kiến thức, và về kỹ năng sống.
Học sinh đã nhận được các video ngắn về phòng chống các tai nạn thương tích trong giai đoạn dịch bệnh tỏ ra rất thích thú.
Dự kiến thời gian tới nhà trường sẽ thực hiện 1 Chuyên đề trực tuyến dạy môn tiếng Việt sách lớp 2 mới và là cầu truyền hình trực tuyến cho 8 trường tiểu học trên địa bàn quận.
Đến giai đoạn này, Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT khá toàn diện, đầy đủ, mới nhất là thực hiện phần mềm tuyển sinh được quận Hồng Bàng đang triển khai thí điểm.
Cô giáo Nguyễn Thị Xã, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Chân, quận Lê Chân, chia sẻ: Trong năm học 2021-2022, Trường THPT Lê Chân được UBND thành phố và ngành giáo dục đặc biệt quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất. Trường THPT Lê Chân được thành lập từ năm 2001 đến nay là 20 năm, trên nền tổng diện tích trên 2ha.
Trước khi cải tạo, nhà trường chỉ có 1 dãy nhà 4 tầng với 16 phòng thì chỉ có 12 phòng học, cổng trường xuống cấp, tường bao không đảm bảo an toàn, phía sau trường là một ao lớn, không có tường bao, sân trường cỏ mọc um tùm…
Các phòng ban phải ở tạm cùng dãy phòng học. Học sinh vẫn phải học 2 ca và còn phải học tại 4 phòng học của dãy nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 2001 đã bị xuống cấp với tường bong tróc, trần cũng bị vỡ, không đảm bảo an toàn cho học sinh.
Để chuẩn bị cho cơ sở vật chất phục vụ cho khoảng 960 học sinh, năm học 2021-2022, Trường THPT Lê Chân đã xây dựng được dãy tường bao phía trước, xây dựng cổng trường, phòng bảo vệ, sân phía trước được đổ bê tông trồng cây xanh thay thế bằng sân cỏ cũ, xây dựng nhà để xe…Tổng mức đầu tư trên 2,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ quan sát thực tế hiện trạng, phóng viên thấy trường còn có một dãy nhà 3 tầng đã được xây từ lâu nhưng chưa đưa vào sử dụng. Qua tìm hiểu thì được biết, dãy nhà 3 tầng trên được xây dựng từ năm 2012 đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Nhà trường cùng phụ huynh học sinh mong mỏi các cấp ngành quan tâm, tạo điều kiện để công trình đưa sớm được đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ban giám hiệu nhà trường.
Với Trường THCS An Đà nằm trong phường Đông Khê, quận Ngô Quyền được xây dựng nhiều năm. Trường có 3 dãy nhà 2 tầng đều đã xuống cấp. Trong các năm học 2019-2020;2020-2021 nhà trường được thành phố và quận Ngô Quyền quan tâm đầu tư từ nguồn ngân sách xây mới 2 dãy nhà 4 tầng, tổng số có 15 phòng học, 4 phòng phụ trợ, 5 khu vệ sinh.
Năm học 20 21-2022 nhà trường ước đón khoảng 1.169 học sinh. Với sự đầu tư xây dựng trường, lớp học và các công trình phụ trợ Trường THCS An Đà cũng như các trường học trên địa bàn thành phố đã và đang được đẩy mạnh thực hiện công tác đầu tư công nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Qua khảo sát thực tế, các trường học, cấp học trên địa bàn thành phố đều nhận được sự quan tâm, chăm lo, đầu tư cho công tác giáo dục và đào tạo của của thành phố, các cấp, ngành và toàn xã hội.
Thiên An
21:17 22/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão