Đẩy mạnh kết nối ngân hàng – doanh nghiệp: Hậu cần thiết yếu để tái khởi động nền kinh tế (Kỳ 3) - Hỗ trợ cần bám sát thực trạng

10:34 29/05/2020

Quan hệ ngân hàng – doanh ghiệp là mối tương quan mang nhiều ý nghĩa đối với phát triển kinh tế, không chỉ riêng ở Việt Nam. Trong bối cảnh những khó khăn mà dịch bệnh Covid-19 mang lại, mối tương quan này càng cần được củng cố, thắt chặt. Nhưng vấn đề đặt ra là các giải pháp tương hỗ phải bám sát thực trạng, giải quyết đúng điểm đòn bẩy để phát huy hiệu quả.

Quan hệ Ngân hàng - Doanh Nghiệp có ý nghĩa đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội

Đánh giá về những hoạt động kết nối tích cực của ngành ngân hàng tại Hải Phòng thời gian qua, ông Lương Văn Tuyến - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ắc quy Tia sáng Hải Phòng nói:  “Lãi suất vay ngân hàng đối với tiền Việt Nam giảm từ 6,5% xuống còn 5%/năm, với thủ tục nhanh gọn đã giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và giảm giá thành sản phẩm”.

Tuy nhiên cũng theo ông Tuyến, ngành ngân hàng nên nới lỏng các điều kiện đối với các khoản vay ngoại tệ, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bởi lẽ khi cần thanh khoản các hợp đồng kinh tế đối ngoại, nếu chỉ được vay ưu đãi bằng tiền Việt Nam, doanh nghiệp sẽ phải đổi qua ngoại tệ, không những thủ tục lòng vòng mà rất có thể phát sinh thêm chi phí trung gian hoặc thất thoát do tỷ giá hối đoái, như vậy tính chất hỗ trợ sẽ giảm.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Hữu Đạo - Phó Chủ tịch Liên minh HTX thành phố lại cho rằng, việc thực hiện các gói hỗ trợ không nên “cào bằng” mà phải cụ thể đối với từng nhóm đối tượng, trong từng giai đoạn để chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả cao hơn. Ông Đạo đề xuất, có thể chia thành các giai đoạn như “cầm cự - duy trì - ổn định” và “tăng tốc”, tương ứng với mỗi cơ chế chính sách, biện pháp phù hợp đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ông Đạo cho biết thêm, riêng đối với các mô hình hợp tác xã, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có văn bản giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất gói ưu đãi tín dụng. Đối với Hải Phòng, thực tế cho thấy hiện khu vực nông nghiệp, nông thôn đang rất cần triển khai gói hỗ trợ này để xây dựng kho bãi, nhà xưởng, bảo quản nông sản, tái cấu trúc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là tình hình biến chuyển liên tục, khiến công tác dự báo bị động. Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn trên toàn cầu, mặt trận kinh tế Việt Nam được mở trong bối cảnh “bao đê bên ngoài, nới lỏng bên trong”, chưa thể là điều kiện hoàn hảo cho kinh tế thực sự bứt phá. Hải Phòng cũng như cả nước cần một cuộc rà sóa tổng thể, có số liệu thống kê, đánh giá đúng, đủ thực trạng tác động của dịch bệnh, nhất là các doanh nghiệp liên quan đến thị trường ngoài nước.

Điều này rất khó, bởi lẽ việc dự báo chỉ có thể chính xác khi dịch bệnh kết thúc, các nền kinh tế lớn đồng thời cũng là thị trường lớn của Hải Phòng vận hành bình thường trở lại. Nhưng nếu không tính toán kỹ, đầu vào của các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được hỗ trợ “phình to”, nhưng đầu ra vẫn “teo tóp” thì rất dễ gặp phải hiệu ứng ngược.

Trên thực tế, ngoài tính chất xuyên quốc gia về cơ cấu tài chính, kết cấu chi tiết sản phẩm, sự đa dạng của thị trường tiêu thụ, quá trình triển khai sản xuất phân khu của các doanh nghiệp lớn cũng bao gồm sự liên kết của nhiều bộ phận, tạo ra chuỗi cung ứng trên diện rộng.

Nhất là những năm gần đây trong lĩnh vực may mặc, giày dép, một số nhà máy lớn ở Hải Phòng có trào lưu xé nhỏ công đoạn, tổ chức gia công vệ tinh tại những doanh nghiệp nhỏ lẻ để tận dụng ưu thế về mọi mặt. Chính vì vậy, khó khăn do dịch bệnh cũng mang tính chất dây chuyền, rất cần sự phân khúc sát với thực tế, tránh cảnh có doanh nghiệp được hưởng lợi, những không loại trừ sẽ có sự thoát lọt từ những gói hỗ trợ.

Bên cạnh đó, chính sách của các nền kinh tế lớn cũng thay đổi từng ngày, theo hướng nâng cấp độ khó khăn, vì vậy những kịch bản đề xuất cũng thiếu tính bền vững, khả thi. Với Hải Phòng, khu vực FDI có những cơ chế riêng là một lẽ, nhưng giữa lúc các chính sách vĩ mô đang phải thận trọng, thì sự linh hoạt của các doanh nghiệp cũng cần được khuyến khích.

Vấn đề ở chỗ, như chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hải Phòng Đào Thị Kim Ngân, điểm yếu của các doanh nghiệp nội địa là chủ yếu có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh, nên rất cần hỗ trợ. Nhưng hỗ trợ cho ngành nghề nào, cho doanh nghiệp nào, vào thời điểm nào và như thế nào lại phải có những luận cứ xác đáng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Thành, thời gian qua thành phố đã triển khai nhiều giải pháp rất hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Nhưng để đạt được hiệu quả cao hơn, việc triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối ngân hang – doanh nghiệp cần kịp thời và bám sát thực tiễn hơn nữa.

Trên tinh thần cởi mở, thành phố sẵn sàng phối hợp với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục về cơ cấu, giãn, hoãn nợ và giảm lãi suất, thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính phục hồi hoạt động.

Điều quan trọng là, Hải Phòng hiện có nhiều tổ chức liên kết doanh nghiệp dưới dạng hình Hiệp hội, Chắc chắn không ai hiểu rõ hơn thực trạng của mình bằng chính mình, và từ việc hiểu chính mình mới có những đề xuất sát với thực tiễn.

Có lẽ thành phố cũng đang rất cần sự “hiến kế” của các doanh nghiệp, cũng như trí tuệ tập trung của các tổ chức liên kết nêu trên, để đóng góp vào các giải pháp giữ ổn định nền kinh tế.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, việc xoay chuyển tình thế trên mặt trận kinh tế cũng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Ít nhất là giữ vững và củng cố đội ngũ doanh nghiệp, để sẵn sàng chủ động bứt phá khi đại dịch đi qua.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích