Đẩy mạnh kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ SXKD

08:37 27/05/2020

Thời gian qua, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được đánh giá là tạo thêm một kênh kết nối quan trọng, hiệu quả giúp các doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng với lãi suất hợp lý. Đây được coi là giải pháp của ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như thời điểm hiện nay.

Ngành Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp

Nhận thức rõ khó khăn của người dân và doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản, chương trình hành động nhằm triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khách hàng vay vốn.

Theo đó, Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam đã kịp thời xây dựng khuôn khổ pháp lý bằng việc ban hành ngay Thông tư 01 và Chỉ thị 02 vào đầu tháng 3/2020 để các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào chống dịch. Cho vay tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng từ NHNN để Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) có nguồn vốn cho vay đơn vị để trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm theo đúng tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Đoàn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Hiệp Hội DNNVV Hải Phòng phát biểu tại hội nghị

Tại Hải Phòng, thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, NHNN Chi nhánh Hải Phòng đã triển khai mạnh mẽ, quyết liệt Thông tư số 01, Chỉ thị số 02. Đồng thời tăng cường đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc triển khai của các Chi nhánh TCTD trên địa bàn.

Các Chi nhánh TCTD trên địa bàn cũng đã chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo hướng dẫn của Hội sở. Trong đó quan tâm đến nhóm khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu… để triển khai một số chính sách miễn giảm lãi.

Cụ thể, hệ thống Vietcombank giảm 10% trên tổng số tiền lãi phát sinh phải trả trong kỳ áp dụng cho tất cả các khoản vay chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid; giảm 5% trên tổng số tiền lãi phát sinh phải trả trong kỳ áp dụng cho các khoản vay còn lại (không chịu ảnh hưởng trực tiếp).

Agribank triển khai gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng với mức lãi suất thấp hơn 1%/năm đối với cho vay VND và thấp hơn 0,5%/năm đối với khoản vay bằng ngoại tệ so với lãi suất cho vay cùng loại. Ngoài chương trình triển khai theo Hội sở, Agribank Chi nhánh Đông Hải Phòng còn xây dựng chương trình riêng nhằm hỗ trợ khách hàng. Theo đó, Chi nhánh dự kiến dành 500 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn của chi nhánh để cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid - 19 với mức lãi suất thấp nhất là 5,5%/năm.

Chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng là kênh hiệu quả để doanh nghiệp trực tiếp kiến nghị những khó khăn vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn

Tại VietinBank triển khai chương trình tín dụng có quy mô lên đến 60.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín đụng dã từng triển khai trước đây. Trong đó VietinBank đặc biệt ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cung ứng các mặt hàng thiết yếu (điện, nước, thiết bị y tế, thuốc, bệnh viện, cửa hàng tiện lợi...). Đồng thời, VietinBank cũng triển khai các chương trình tín dụng không giới hạn như: Đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp, ưu đãi lãi suất cho vay cố định... với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,2%-3%/năm so với lãi suất thông thường.

Kịp thời hỗ trợ nhiều DN

Theo Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh Hải Phòng Lê Văn Cường: Đến nay các Chi nhánh TCTD trên địa bàn đã thực hiện Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.239 khách hàng với dư nợ cơ cấu là 1.919 tỷ đồng; Miễn, giảm lãi vay cho 2.037 khách hàng, số tiền lãi được miễn, giảm là 12 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,2-2%/năm); cho vay mới áp dụng lãi suất ưu đãi cho 1.997 khách hàng, doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/01/2020 là 10.566 tỷ đồng;

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Hải Phòng đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức chính trị xã hội rà soát, nắm bắt tình hình của khách hàng vay vốn. Đối với các khách hàng gặp khó khăn, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Hải Phòng đã tiến hành gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 2.091 khách hàng, dư nợ gia hạn và điều chỉnh là 41,5 tỷ đồng.

Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng Doanh nghiệp Hải Phòng, bà Đoàn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Hiệp Hội DNNVV Hải Phòng cho biết: Chi nhánh NHNN Chi nhánh TP Hải Phòng đã chủ động chỉ đạo các NHTM trong thành phố triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ DN từ tháng 2/2020. Ngoài việc gửi thông báo trực tiếp cho chúng tôi, Chi nhánh NHNN Chi nhánh TP Hải Phòng còn thường xuyên trao đổi qua điện thoại với chúng tôi để nắm bắt các khó khăn cụ thể của các DN, đã áp dụng việc cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi cho DN.

Tùy thuộc vào sức khỏe và độ ảnh hưởng của dịch đối với DN, các ngân hàng đều áp dụng các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp. Mỗi ngân hàng đều xây dựng các cơ chế hỗ trợ rất cụ thể rõ ràng. Ví dụ như kéo dài nợ từ 8-9 tháng cho DN, giảm lãi cho DN từ 0,5 đến 2%, đặc biệt có ngân hàng giảm tới 3%. Một cán bộ ngân hàng phân công phụ trách 10 khách hàng, 10 ngày làm việc với doanh nghiệp của chúng tôi 1 lần. Hầu hết các NH đều có đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh về nhu cầu hỗ trợ của DN, người dân với ngân hàng; giảm phí cho khách hàng, tăng cường đẩy mạnh thanh toán điện tử… Tất cả việc làm đó đã góp phần giảm thiểu khó khăn về vốn cho DN và góp phần duy trì hoạt động của doanh nghiệp sau dịch covid-19.

Ông Tạ Quyết Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường kiến nghị tại Hội nghị

Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải An Đặng Thế Lưỡng thì cho biết: Qua nắm từ các doanh nghiệp hội viên trong Hiệp hội, chúng tôi được biết: Ngoài việc đưa ra chính sách giảm tiền lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước còn ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành các chính sách, thông tư, quy định đúng lúc đã giúp đỡ kịp thời cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Về phía các DN, các DN có giao dịch với Ngân hàng đều đã tiếp cận với Ngân hàng, đề nghị giảm lãi suất, cơ cấu nợ. Ngân hàng cũng đã bước đầu thực hiện giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ cũng như khoản vay mới. Lãi suất vay vốn tại các ngân hàng thời điểm này đều giảm 2-3%/ năm so với những năm trước (lãi suất vay: 6.6%/năm).

Ông Trần Trọng Hải - Chủ tịch HĐQT-Cty CP thép Trang Khanh cho biết: Ngay mới chớm dịch trong quý 1/2020, doanh thu của công ty đã sụt giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong suốt quá trình hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn nhất khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ từ phía Ngân hàng BIDV chi nhánh Đông Hải Phòng. Ngân hàng đã 3 lần liên tục giảm lãi suất cho vay về mức 5.5%/năm như hiện nay và giảm các phí giao dịch trực tuyến. Sự hợp tác, hỗ trợ của ngân hàng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, rất kịp thời và phù hợp, đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của thành phố Hải Phòng, đến nay Dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được khống chế, lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ, mọi hoạt động đã trở lại bình thường. Đây có lẽ chính là liều thuốc bổ có hiệu quả nhất đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong đó có chúng tôi.

Có thể nói, qua chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng, mối quan hệ tín dụng - khách hàng đã có sự thay đổi tích cực, tương hỗ hiệu quả hơn. Thay vì như trước đây doanh nghiệp đi “cầu cạnh” ngân hàng thì hiện nay Ngân hàng đã đi tìm doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp ngồi lại, gỡ những nút thắt và tư vấn cho doanh nghiệp cả về kế hoạch tài chính, dòng tiền quản lý dự án mà doanh nghiệp cần ngân hàng thẩm định, cho vay.

Theo các chuyên gia tài chính, sự kết nối giữa ngân hàng với DN là vấn đề sống còn đối với nền kinh tế. 80% vốn của nền kinh tế dựa vào vốn vay ngân hàng và 80% sức sống của ngân hàng là dựa vào cho vay. Trong đó chủ yếu là cho vay DN. Do đó, ngân hàng và DN là mối quan hệ cộng sinh, là quyền lợi của cả đôi bên, cả DN và ngân hàng.

 Tại chương trình kết nối, có một điểm rất đáng ghi nhận là hiện việc tiếp cận ngân hàng vay vốn không còn khó khăn như trước đây. Ngân hàng không còn là nơi cửa quyền, luôn gây khó dễ cho DN. Đồng thời, nhận rõ mối quan hệ giữa ngân hàng và DN là mối quan hệ cộng sinh, bình đẳng, hai bên cùng có lợi.

Cũng từ kênh kết nối này, nhiều kiến nghị, đề xuất của DN cũng được thẳng thắn nêu ra. Thông qua chương trình, các tổ chức tín dụng nắm bắt được thông tin, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng bằng việc đối thoại trực tiếp để giải quyết nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Qua đó các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, giảm bớt những khó khăn về vốn và chi phí lãi vay; giúp họ vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngọc Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích