Đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Giải pháp kéo giảm “nguồn cầu” trong phòng, chống ma tuý

12:49 28/11/2024

Tính đến tháng 10/2024, theo số liệu thống kê, quản lý của lực lượng Công an, trên phạm vi cả nước có 228.215 người sử dụng trái phép chất ma tuý, người nghiện ma tuý, người bị quản lý sau cai nghiện ma tuý. Tuy nhiên, qua công tác nắm tình hình của lực lượng chức năng cho thấy, trên thực tế số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy ở ngoài cộng đồng còn lớn hơn con số trên rất nhiều. Với số lượng người sử dụng trái phép chất ma tuý, người nghiện ma tuý như hiện nay, đặc biệt số ngoài cộng đồng còn cao được xác định là “nguồn cầu” tiêu thụ một lượng lớn ma túy, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, nguồn lực lao động, gây thiệt hại lớn cho kinh tế và là “nguồn” phát sinh các loại tội phạm khác.

Kết quả bước đầu

Để góp phần kéo giảm nguồn cầu về ma tuý, bên cạnh việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, từ khâu tuyên truyền, vận động, huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, với vai trò chủ trì, chủ công, nòng cốt của lực lượng CAND trong công tác rà soát, thống kê, tổ chức các biện pháp quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đến phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp với tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật về ma tuý; truy tố, xét xử tội phạm về ma tuý; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, thuận lợi cho công tác phòng, chống ma túy…

Công tác đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC) cũng giữ vai trò hết sức quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nguồn cầu trong phòng, chống ma tuý.

Thượng tá Trịnh Tuấn Anh – Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Hải Phòng, kiểm tra công tác làm sạch dữ liệu dân cư tại Công an cấp xã

          Xác định rõ điều đó, thời gian qua, nghiêm túc triển khai Nghị định 116, ngày 21/12/2021 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma túy, lực lượng Cảnh sát khu vực (CSKV), Công an xã trên phạm vi cả nước đã chú trọng tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma tuý và người bị quản lý sau cai nghiện ma tuý ngay từ địa bàn xã, phường, thị trấn, để quản lý chặt chẽ, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

          Tính đến nay, lực lượng CSKV, Công an xã đã cập nhật dữ liệu trên Hệ thống CSDLQG về DC được gần 83.300 người nghiện ma túy. Trong đó, số hiện hành, đang quản lý là gần 69.500 trường hợp.

Đáng chú ý, triển khai Đề án 06/CP, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã chủ động tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an triển khai kết nối, chia sẻ, đối sánh dữ liệu người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người quản lý sau cai nghiện với các dữ liệu nội, ngoại ngành để phục vụ công tác quản lý và phân tích dữ liệu, thực hiện các biện pháp phòng ngừa xã hội.

Nhờ đó, thời gian qua, triển khai kết nối ngoại ngành với dữ liệu an sinh xã hội của Bộ LĐTB&XH, cục đã xác định được có 9.700 trường hợp người nghiện ma túy, 2.233 trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy ngoài cộng đồng nằm trong danh sách hộ nghèo; 2.306 trường hợp người đang quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú nằm trong danh sách hộ nghèo.

Về kết nội ngành, trong tổng số trên 84.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về ANTT theo thống kê, có trên 640 cơ sở kinh doanh nghi vấn hoạt động về ma túy (chiếm 0,76%). Thời gian qua, đã có hơn 500 vụ việc liên quan đến ma túy xảy ra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện với trên 1.600 đối tượng.

Đối với 362.000 người làm trong các cơ sở kinh doanh, có 55 người nghiện (chiếm tỷ 17,7%), 163 người sử dụng trái phép chất ma túy (chiếm tỷ lệ 52,4%), 84 người quản lý sau cai nghiện (chiếm tỷ lệ 27%), 9 đối tượng có biểu hiện "ngáo đá" (chiếm tỷ lệ 3%). Triển khai công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại các khu chung cư, đô thị mới, lực lượng CSKV phát hiện 128 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy trong năm 2024, tăng 40 đối tượng, bằng 45,48% so với năm 2023. Cả nước hiện có 290.627 đối tượng tù tha về ma túy, 1.361 đối tượng truy nã về ma túy, chiếm gần 15,6% trong tổng số gần 8.740 đối tượng truy nã có trên phần mềm Quản lý đối tượng.

Thực tế đã khẳng định việc kết nối, chia sẻ, đối sánh dữ liệu người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người quản lý sau cai nghiện với các dữ liệu nội, ngoại ngành đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, phân tích dữ liệu, thực hiện các biện pháp phòng ngừa xã hội của lực lượng CAND nói riêng, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương nói chung.

Khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai ứng dụng CSDLQG về DC trong việc kéo giảm nguồn cầu ma tuý, siết chặt công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, còn vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc nhất định xét cả về hai mặt chủ quan, khách quan.

Đơn cử, về lĩnh vực pháp lý, chiếu theo Nghị định số 109, ngày 8/12/2021 của Chính phủ thì hiện nay việc ra thông báo hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chưa được thực hiện triệt để, chưa có cơ chế kiểm soát, đối chiếu thông tin các nguồn: người bị phát hiện bắt giữ - người bị xử lý hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy - người có thông báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, dẫn tới sót lọt đối tượng.

Điển hình, năm 2023, toàn quốc phát hiện 35.293 đối tượng dương tính với ma túy thông qua công tác bắt giữ; trong đó, có 29.058 đối tượng không nằm trong danh sách quản lý (chiếm 82%). Hay thực tế thời gian qua, người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khi thay đổi nơi cư trú thường không thông báo cho UBND cấp xã, Công an xã biết hoặc có thông báo nhưng việc trao đổi thông tin, phối hợp quản lý giữa đơn vị nơi chuyển đi và nơi chuyển đến chưa kịp thời…

Cùng với đó là sự thiếu đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ của các bộ, ngành, đơn vị liên quan như: LĐ-TB&XH, Y tế, các cơ sở cai nghiện nên công tác thống kê, cập nhật, quản lý dữ liệu người điều trị Methadone chưa đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống".

Cán bộ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Hải Phòng tiến hành rà soát thông tin dân cư bảo đảm CSDLQG về DC đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”

Tính an ninh, an toàn bảo mật hệ thống của các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an chưa đảm bảo để kết nối, khai thác, phân tích dữ liệu người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người quản lý sau cai nghiện ma túy trên hệ thống CSDLQG về DC. Ngoài ra, hiện nay, nguồn lực cho công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý, người nghiện ma tuý, người bị quản lý sau cai nghiện còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác đặt ra.

Trước thực trạng trên, vừa qua, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma tuý do Bộ Công an phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, vào sáng 18/11/2024, lãnh đạo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, đã đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính ban hành khung giá dịch vụ đối với kinh phí xác định tình trạng nghiện để cơ quan Công an có cơ sở lập dự toán, bố trí kinh phí chi trả cho cơ sở y tế thực hiện xác định tình trạng nghiện. Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tập trung xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin để quản lý người nghiện và quản lý sau cai nghiện.

Trước mắt, trong lúc đợi đầu tư, hai đơn vị triển khai Quy trình cập nhật dữ liệu người đang cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên phần mềm quản lý đối tượng để phục vụ việc quản lý và khai thác dữ liệu.

Đồng thời, quy định về thời hạn lập hồ sơ quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú (các trường hợp hoàn thành chương trình cai nghiện nhưng không trở về địa phương ngay); quy định việc ra thông báo hoàn thành chương trình cai nghiện theo định hướng phải xác định nơi cư trú, địa phương về của người nghiện không có nơi cư trú ổn định để đưa vào quản lý phù hợp.

Đối với UBND các địa phương, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đề nghị với số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy (ngoài cộng đồng); người đang quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú nằm trong danh sách hộ nghèo, cần chú trọng thực hiện chính sách về an sinh xã hội, quan tâm các vấn đề đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm, vay vốn giúp họ phát triển sản xuất, kinh doanh, sớm ổn định đời sống, phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Cục cũng đề xuất lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương khi lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian cai nghiện tự nguyện trong vòng 3 ngày phải gửi về Công an cấp xã để cập nhật, phục vụ lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc.

Cục Cảnh sát QLHC về TTXH có trách nhiệm phối hợp với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội triển khai giải pháp các cơ sở cai nghiện ma túy ứng dụng VNeID để làm sạch dữ liệu đầu vào. Mặt khác, làm tốt công tác phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, để thống nhất giải pháp kết nối dữ liệu, tạo lập trên ứng dụng VNelD để người điều trị Methadone được điều trị tại các cơ sở điều trị không cần xác thực tại nơi cư trú…

Hi vọng rằng, với những nỗ lực, kết quả gặt hái được trong thời gian qua và các giải pháp cụ thể được xác định triển khai thời gian tới, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương sẽ ứng dụng, khai thác được một cách triệt để những tiện ích mà hệ thống CSDLQG về DC mang lại.

Qua đó, góp phần khắc phục tối đa tình trạng người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy chưa được rà soát, phát hiện đủ để đưa vào diện quản lý; siết chặt công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; nâng cao chất lượng công tác quản lý sau cai và phòng, chống tái nghiện… Từ đó, tạo ra sự bứt phá mới về chất trong công tác giảm nguồn cầu về ma tuý.

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông