15:45 30/07/2023 Trong bối cảnh Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc xây dựng và triển khai Đề án truyền thông chính sách BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm nâng cao nhận thức của người gửi tiền về chính sách BHTG là một nhiệm vụ quan trọng của BHTGVN trong thời gian tới. Điều này càng có ý nghĩa khi mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 7/CT-TTg ngày 21/3/2023 về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Các tổ chức BHTG đẩy mạnh truyền thông chính sách
Xác định vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức công chúng nói chung, người gửi tiền nói riêng, các tổ chức BHTG trên thế giới đã xây dựng và áp dụng hiệu quả nhiều đề án truyền thông chiến lược.
Tại Malaysia, Tổng công ty BHTG (PIDM) luôn hướng đến xây dựng nền tảng vững chắc, đáp ứng những thay đổi trong môi trường hoạt động cũng như định hướng trọng tâm của tổ chức. PIDM đặt trọng tâm vào trụ cột “Tăng cường niềm tin của các bên liên quan” - triển khai nhiều đề án, sáng kiến về truyền thông như phục hồi tài chính 2.0, diễn đàn giáo dục tài chính cộng đồng, từ đó đạt mục tiêu mức độ nhận thức công chúng khoảng 75%, mức ủng hộ cộng đồng đạt 50%.
Tại Hàn Quốc, chương trình giáo dục tài chính của Tổng công ty BHTG KDIC từ năm 2010 được triển khai cả trực tiếp và trực tuyến đã mang đến nhiều kết quả đáng ghi nhận. KDIC đã đào tạo một số sinh viên để đóng vai trò cộng tác viên truyền thông trên mạng xã hội, nhằm tăng tương tác với giới trẻ; tổ chức các buổi hội thảo, triển lãm về kỹ thuật đầu tư tài chính với hơn 70% số người tham dự là tầng lớp trung niên nhằm phổ biến kiến thức về BHTG. KDIC cũng đã xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin tích hợp xử lý (IRIS) đóng vai trò cung cấp thông tin cho người gửi tiền, hỗ trợ quá trình chi trả nhanh chóng, thực hiện thủ tục bồi thường cho tiền gửi được bảo hiểm.
Tại Philippines, Tổng công ty BHTG Phillipines (PDIC) hiện đang áp dụng Đề án truyền thông số hóa, liên kết với các ngân hàng và chính quyền địa phương. Dịch vụ truyền thông số hóa của PDIC gồm internet, mạng xã hội và dịch vụ tin nhắn tổng đài tự động thông qua 78 trung tâm tại các tỉnh thành. PDIC còn triển khai nhiều hoạt động truyền thông mới như ra mắt công cụ Máy tính điện tử về BHTG (Deposit insurance e-Calculator) giúp người gửi tiền tính toán số dư tiền gửi được bảo hiểm; tài khoản trên mạng xã hội Facebook và Twitter được ra mắt nhân dịp kỉ niệm 53 năm thành lập tổ chức vào năm 2016. PDIC đã triển khai chiến dịch “Maniguro, Magbangko” - một chương trình tiên phong nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng dựa trên truyền thông đa nền tảng toàn quốc để thúc đẩy thói quen gửi tiết kiệm ngân hàng của người dân Philippines. Chiến dịch bao gồm 2 phim quảng cáo trên truyền hình, 3 quảng cáo qua đài phát thanh và nhiều nội dung truyền thông xã hội khác nhau nhằm tuyên truyền đến công chúng những lợi ích của các dịch vụ ngân hàng, khuyến khích họ tiếp tục hoặc bắt đầu gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.
Nhận thức của người gửi tiền về chính sách BHTG tại Việt Nam
Theo kết quả đề tài nghiên cứu ứng dụng do BHTGVN thực hiện vào năm 2020, nhận thức của người gửi tiền về chính sách BHTG được xác định thông qua tỷ lệ người gửi tiền nắm được toàn bộ các yếu tố cốt lõi của chính sách BHTG như: tiền gửi được bảo hiểm, trách nhiệm nộp phí BHTG, hạn mức trả tiền bảo hiểm, tổ chức chịu trách nhiệm trả tiền bảo hiểm; cách xử lý đối với tiền gửi vượt hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Trong số hơn 1.000 người tham gia khảo sát, có gần 35% cùng lúc nắm được tất cả các thông tin cốt lõi về chính sách BHTG. Đây là một tỷ lệ trung bình thấp, trên cơ sở so sánh với tỷ lệ nhận thức mục tiêu mà Chiến lược phát triển BHTG đặt ra là có 45% người gửi tiền vào năm 2025 và có 55% người gửi tiền vào năm 2030 nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG. Đồng thời, đa số người gửi tiền đã nhận biết được một phần nhưng không hiểu biết đầy đủ về các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG, chiếm tỷ lệ trên 61%. Đáng chú ý, có gần 4% người gửi tiền tham gia khảo sát hoàn toàn không nhận biết bất cứ thành tố chính sách nào nêu trên.
Trong khi đó, tỷ lệ nhận thức cụ thể đối với từng chỉ tiêu lại đạt rất cao. 77% người tham gia khảo sát biết về đơn vị tiền tệ của tiền gửi được bảo hiểm; 75,3% biết về trách nhiệm đóng phí BHTG thuộc về phía tổ chức tín dụng nhận tiền gửi; 60,8% biết về hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện hành; 81,1% biết rằng BHTGVN là tổ chức sẽ đứng ra trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền nếu tổ chức tham gia BHTG bị mất khả năng chi trả hoặc phá sản; 64% biết rằng sau khi được chi trả tiền bảo hiểm, khoản tiền gửi vượt hạn mức sẽ được chi trả sau khi thực hiện thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng.
Phấn đấu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG
Theo Chỉ thị số 7/CT-TTg ngày 21/3/2023 về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách. Trong đó, cần chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan làm công tác truyền thông chính sách.
Trên cơ sở đó, để đạt tỷ lệ mục tiêu nhận thức mà Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra, cần xây dựng được một Đề án truyền thông chính sách BHTG nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các năm tới, từ đó gia tăng mức độ nhận thức của người gửi tiền về chính sách BHTG.
Đề án truyền thông chính sách BHTG cần trình bày quan điểm, định hướng, các mục tiêu và giải pháp mang tính hành động trong phát triển và quản lý thực hiện công tác truyền thông với bên ngoài và nội bộ; xây dựng và phát triển hình ảnh BHTGVN, góp phần thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển mà BHTGVN đang theo đuổi. Trong hơn 20 năm qua, BHTGVN đã tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm và bài học trong công tác truyền thông. Trong giai đoạn tới, BHTGVN cần đổi mới nhận thức và áp dụng phương pháp tiếp cận truyền thông hiện đại trong xây dựng và quản lý thực hiện công tác truyền thông; xác định rõ các mục tiêu cần đạt được, hướng vào các đối tượng truyền thông cụ thể. Đồng thời, kết hợp hài hoà việc tuân thủ các quy định pháp lý với áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong truyền thông, hướng tới tăng tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động.
Mục tiêu của chiến lược truyền thông là tạo dựng hình ảnh của BHTGVN - tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách BHTG góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Đề án truyền thông cần đặt ra những giải pháp cụ thể, phù hợp cho từng giai đoạn và phù hợp với Chiến lược phát triển BHTG, trong đó bao gồm kế hoạch truyền thông dự phòng cho giai đoạn tái cơ cấu TCTD. Trong giai đoạn ổn định, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG cần được triển khai thường xuyên, định kỳ qua nhiều kênh truyền thông đại chúng phù hợp với các đối tượng mục tiêu. Ngoài ra, cần quan tâm đến việc giáo dục tài chính cho người gửi tiền nhằm nâng cao nhận thức về BHTG. Trong giai đoạn có TCTD yếu kém cần tái cơ cấu, chú trọng vào việc công bố thông tin minh bạch, rộng rãi – nhất là thông tin về việc ưu tiên bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Ngoài ra, cần định kỳ đánh giá hiệu quả tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG thông qua khảo sát mức độ nhận thức của người gửi tiền nhằm cập nhật, bổ sung các giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn. Đặc biệt, trong giai đoạn tới, tập trung triển khai công tác tuyên truyền chính sách BHTG gắn với nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG.
Để đạt được các kết quả và các mục tiêu của Đề án truyền thông, cần triển khai một số nhóm giải pháp và hành động truyền thông chiến lược như: Xây dựng các sản phẩm và kênh truyền thông; triển khai hợp tác truyền thông; ban hành quy chế và quy định quản lý, hướng dẫn công tác truyền thông; tổ chức bộ máy thực hiện công tác truyền thông; đào tạo kỹ năng truyền thông cần thiết cho cán bộ truyền thông; đầu tư nền tảng công nghệ phục vụ truyền thông.
Trong đó, chú trọng áp dụng các giải pháp hiện đại, ứng dụng các công cụ số hóa vào việc tuyên truyền đến công chúng, nâng cao tính năng kỹ thuật của website, cập nhật nội dung phù hợp với nhu cầu thông tin của công chúng cũng như theo sát các vấn đề được người gửi tiền quan tâm; xem xét, thí điểm thực hiện chương trình truyền thông thúc đẩy lan truyền (viral); tiến tới xây dựng hệ thống hỗ trợ trực tuyến cho người gửi tiền, sử dụng các công cụ như thư điện tử, tư vấn trực tuyến, mạng xã hội (Facebook, Zalo, v.v) một cách hợp lý, có kiểm soát nhằm giám sát những thông tin trên mạng về chính sách BHTG cũng như BHTGVN, qua đó kịp thời nắm bắt những thông tin tiêu cực để đính chính, tuyên truyền, giải thích, để tổ chức BHTG chính thức hiện diện trên mạng xã hội, đưa ra tiếng nói chính thức nhằm gìn giữ niềm tin của người gửi tiền.
BHTGVN cần đẩy mạnh việc tuyên truyền chính sách BHTG trên tất cả các mặt: quy mô tuyên truyền, chiều sâu thông tin, gia tăng tiếp cận tới các đối tượng công chúng, cần đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cách tính khoản chi dành cho tuyên tuyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHTG của BHTGVN đáp ứng yêu cầu của hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG. BHTGVN cần xây dựng một Đề án truyền thông bao trùm, không bỏ lại nhóm đối tượng công chúng nào ở phía sau. Đồng thời, xác định rõ đối tượng công chúng cụ thể đối với từng chương trình truyền thông, nhằm đảm bảo thống nhất về kênh truyền thông, thông điệp truyền thông, nội dung truyền thông, hình thức thể hiện.
Ngoài ra, để thúc đẩy nâng cao nhận thức của người gửi tiền về BHTG, cần một nỗ lực mạnh mẽ, toàn diện không chỉ của BHTGVN mà còn cần sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan có liên quan. Vì vậy, cần xây dựng được cơ chế phối hợp hiệu quả của BHTGVN và các cơ quan có thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bộ Tài chính v.v. và các tổ chức tham gia BHTG như ngân hàng thương mại, QTDND để tạo niềm tin cho người gửi tiền vào toàn hệ thống tài chính – ngân hàng.
Đề xuất định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá sơ bộ nhận thức của người gửi tiền trên phạm vi toàn quốc với kích cỡ mẫu nhỏ, thực hiện thông qua công cụ trực tuyến hoặc thông qua điện thoại. Bên cạnh đó, định kỳ 3 năm một lần đánh giá tổng thể nhận thức và hành vi của người gửi tiền trên phạm vi toàn quốc với kích cỡ mẫu lớn, do đơn vị khảo sát, nghiên cứu thị trường độc lập thực hiện. Từ đó rút ra các giải pháp truyền thông tương ứng, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG.
PV