Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh dứt khoát phải tiến hành giao khoán rừng cho người dân, gắn với cấp lương thực và hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi
| |
Hôm qua 18-11, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ giữa tháng 11. Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về việc triển khai chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 61 huyện nghèo nhất cả nước.
Theo đó, 61 huyện nghèo nhất ở nước ta có tỷ lệ nghèo trên 50%, dân số khoảng 2 triệu 400.000 người, trong đó có tới 90% là đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác với mức thu nhập bình quân đầu người 2,5 triệu đồng/năm. Mức thu nhập này chỉ bằng 1/3 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn hiện nay.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ sớm xây dựng lộ trình, các chính sách, cơ chế đặc thù, các biện pháp đột phá nhằm thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo tại 61 huyện nghèo nhất cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh: 61 huyện nghèo có hơn 4 triệu ha rừng (chiếm tới 80 diện tích tự nhiên) mà thu nhập đem lại chỉ có 20%, thậm chí có nơi còn thiếu đói là không được. Dứt khoát phải tiến hành giao khoán rừng cho người dân, gắn với cấp lương thực và hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi. Đây là chính sách trực tiếp giữ rừng, tạo động lực để đồng bào nghèo vươn lên từng bước thoát nghèo.
Loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng kinh tế giao cho các lâm trường giao khoán cho người dân với mức tiền công hợp lý để đảm bảo đời sống. Rừng kinh tế giao cho tư nhân thì yêu cầu phải ký hợp đồng lao động với người dân địa phương.
Các bộ, ngành liên quan và các địa phương quy hoạch, phân định rõ từng loại rừng; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, giao đất sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi; cung cấp lương thực cho người dân không có điều kiện sản xuất hoặc chưa có đất để sản xuất.
Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu lao động; tăng cường đào tạo nghề và giải quyết việc làm; phát triển giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng thiết yếu; gắn trách nhiệm xóa đói giảm nghèo đối với lực lượng quân đội, biên phòng ở địa phương cũng như đẩy mạnh các phòng trào thanh niên giúp đỡ đồng bào nghèo…..
Cũng trong phiên họp Chính phủ hôm qua, các thành viên Chính phủ đã thảo luận cho ý kiến xây dựng Chiến lược phòng chống tham nhũng đến năm 2020.
Đây là chương trình tổng thể, dài hạn trong công tác phòng chống tham nhũng đến năm 2020 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 và Luật Phòng chống tham nhũng. Các thành viên Chính phủ cũng thảo luận và nhất trí thông qua việc sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số và Điều 6 Pháp lệnh thuế Tài nguyên để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội./.
Theo VOV |