Không để vô cảm trở thành "chứng nan y"

16:25 10/07/2019

Mỗi ngày trên cả nước xảy ra hàng trăm vụ va chạm và tai nạn giao thông. Trong số đó, có rất nhiều nạn nhân được cứu sống nhờ được lái xe và người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời, nhưng có một số người phải đối mặt với tử thần hoặc những thương tật suốt đời vì không được giúp đỡ. Sự vô cảm của một bộ phận người tham gia giao thông đang là thực trạng đáng báo động trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ khi gặp các nạn nhân nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu, hoặc thiếu kỹ năng cần thiết…

Khoảng 3h sáng ngày 25-6, camera hiện trường ghi lại hình ảnh một chiếc taxi đang di chuyển đến giao lộ thuộc phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM và rẽ trái thì từ phía sau 2 người đi trên xe máy đột nhiên va chạm mạnh vào phần đầu của taxi.

Hậu quả 2 người thanh niên nam nữ cùng chiếc xe máy bị văng mạnh lên lề đường và nằm bất động. Ngay sau đó, tài xế taxi đánh lái cho xe tấp gần vào và xuống xe quan sát tình hình. Khi tài xế này bước lại gần, 1 người nằm bất động, còn người kia liên tục bị co giật sau cú va chạm. Khoảng vài giây sau, tài xế taxi lập tức lên xe và rời khỏi hiện trường, bỏ mặc người bị nạn nằm chơ vơ ngay trên đường. Đáng nói, sau đó có 17 xe máy và một ôtô 4 chỗ đi qua khu vực xảy ra tai nạn, thấy cảnh nam thanh niên vùng vẫy kêu cứu, còn cô gái nằm bất động trên vỉa hè, nhưng chỉ có một người đi xe máy dừng lại. Hai nạn nhân sau đó được xác định là chị T. (25 tuổi, quê Bến Tre), đã tử vong và anh L., bị thương nặng phải đi cấp cứu.

Nhiều người sợ giúp đỡ hoặc cố làm ngơ khi nhìn thấy người cần giúp đỡ (Ảnh minh họa)

Clip ghi lại hình ảnh về vụ việc trên đã nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua và lập tức tạo thành một làn sóng phản ứng dữ dội từ dư luận. Đa số lên án hành động của tài xế taxi và không đồng ý với thái độ quá thờ ơ, vô cảm của người xung quanh đối với nạn nhân.

Đáng nói, theo quy định của pháp luật, người thấy người khác gặp nạn mà không cứu giúp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại điều 132 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017 (tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng"), người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp. Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Pháp luật quy định là vậy, song trên thực tế cuộc sống, cần nhìn nhận lại những lý do để người ta ngại, không dám hỗ trợ nạn nhân. Ấy là chưa kể lòng tốt có khi bị hiểu lầm, đổ oan; rồi thì sợ bị người nhà nạn nhân chửi bới, đánh đập, dàn dựng để lừa đảo… và thực tế đã từng xảy ra nhiều vụ việc buồn lòng như thế. Vậy nên, có thể không quá nhiều người bàng quan trước điều xấu nhưng họ buộc phải bảo vệ an toàn của bản thân trước khi nghĩ đến chuyện giúp người khác. Ngoài ra, còn một nguyên do nữa là đa phần mọi người không biết phải làm gì trong những trường hợp đó. Tai nạn hay những sự việc tương tự thường xảy ra bất ngờ, người ta thường bối rối, lúng túng, không biết phải làm thế nào vì thiếu kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống… nên phải lựa chọn bỏ qua, làm ngơ.

Tuy nhiên, những lý do trên không thể và cũng không nên dùng để biện bạch cho căn bệnh thờ ơ, vô cảm hiện nay. Cần hiểu rằng cứu giúp người bị nạn không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm của chúng ta mà nó còn thể hiện tình người, là đạo đức, tính nhân văn của xã hội. Việc cứu giúp tính mạng của một con người quan trọng hơn nhiều so với những tổn thất về thời gian hay sự phiền toái mà người ta nghĩ họ có thể phải đối mặt. Hơn thế nữa, tai nạn có thể xảy ra với bất cứ ai, đứng trước những tình huống này, mọi người nên đặt mình vào hoàn cảnh của các nạn nhân để thấy được sự mong mỏi được giúp đỡ của người khác là to lớn như thế nào.

Theo các chuyên gia, để người dân bớt thờ ơ, vô cảm, trước hết tăng cường giáo dục, tập huấn về các kỹ năng sống trong gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Khi gặp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, việc đầu tiên nên làm là gọi cấp cứu 115 (có thể hỏi họ về cách sơ cứu cho người đang gặp nạn) và gọi cảnh sát 113 để báo về sự việc.

Nếu có thể, chúng ta nên dùng điện thoại chụp hoặc quay phim lại hiện trường lúc đó. Tiếp đó, nên hô hào nhiều người cùng giúp và/hoặc nhờ họ quay phim lại toàn bộ quá trình cứu giúp người. Nếu người gặp nạn còn tỉnh táo thì hỏi họ cách liên hệ để báo tin cho người thân của họ. Như vậy, ngay khi cảnh sát đến thì có thể bàn giao hình chụp hoặc phim vừa quay được để hỗ trợ quá trình điều tra sự việc nhanh chóng, tránh khỏi việc bị cơ quan điều tra mời đến tường trình sự việc nhiều lần và cũng như sẽ không bị người thân của người bị nạn hiểu lầm. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phải bảo đảm sự an toàn cho công dân thì người dân mới dám đứng ra bảo vệ lẽ phải, chống lại những chuyện bất bình trong cuộc sống.

Lâm Phong

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông