Để du lịch huyện Vĩnh Bảo không phải “ăn xổi”: Cần “cú hích” lớn để thay đổi tư duy

17:43 06/03/2022

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, một tín hiệu vui đối với huyện Vĩnh Bảo khi chỉ trong mấy ngày nghỉ Tết Nguyên đán các điểm di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện đón hơn 52 vạn lượt khách. Đây là con số lớn tới mức không tưởng. Tuy nhiên, để du lịch Vĩnh Bảo không còn cảnh phải “ăn xổi”, theo mùa vụ, đòi hỏi huyện Vĩnh Bảo phải thực hiện nhiều giải pháp.

Tín hiệu mừng

Ông Phạm Ngọc Điệp - Trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Bảo - cho biết, ngay từ những tháng đầu của năm 2022, du lịch huyện Vĩnh Bảo có nhiều khởi sắc với số lượng du khách tới các điểm du lịch của địa phương tăng cao.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, huyện Vĩnh Bảo đón tiếp và phục vụ hơn 520.000 lượt du khách, cao gấp hơn 1,5 lần so với cả năm 2021. Trong đó, đông nhất là quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đón hơn 50 vạn lượt du khách trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 30 tháng Chạp năm Tân Sửu đến hết ngày 6 tháng Giêng năm Nhâm Dần).

Cùng với đó, các điểm di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng khác của huyện Vĩnh Bảo, như: chùa Mét ở xã Cổ Am (ngôi trường đầu tiên Trạng Trình theo học); đền Bảo Hà ở xã Đồng Minh với pho tượng gỗ tự đứng lên, ngồi xuống; đình làng Nhân Mục ở xã Nhân Hòa với nghề múa rối nước truyền thống… cũng đón hơn 15.000 lượt du khách.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đón lượng khách tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đón lượng khách tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Một điều đáng mừng nữa, ngoài những sản phẩm du lịch đặc trưng về di tích lịch sử, văn hóa tâm linh, thời gian gần đây trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo cũng xuất hiện nhiều điểm Check in thu hút đông giới trẻ tới tham quan, chụp ảnh, nhất là tại cánh đồng hơn 20 ha trồng hoa cúc dược liệu thuộc xã Thắng Thủy, vùng hoa Hùng Tiến- Vĩnh Long. Qua thống kê, gần 6.000 lượt du khách đến trải nghiệm tại các điểm trên.

Ông Nguyễn Văn Cường- Chủ tịch UBND xã Thắng Thủy cho biết, vào dịp thu hoạch cúc dược liệu cuối năm, những cánh đồng hoa cúc nở rộ tại vùng đất bãi gần sông Luộc thu hút đông đảo người dân tới đây…

Theo Ban quản lý khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, những ngày cuối tuần trong tháng khu di tích trung bình đón hàng trăm lượt khách tới tham quan, dâng hương. Con số ấn tượng trên trong những tháng đầu năm cho thấy, du lịch huyện Vĩnh Bảo đang có đà khởi sắc và kế hoạch đón hơn 1 triệu lượt khách tới tham quan trên địa bàn huyện trong năm 2022 đều có khả thi.

Còn đó những trăn trở  

Trước số lượng khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn huyện tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán, lý giải của lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Bảo là do sau một thời gian dài hạn chế trong việc đi lại để phòng chống dịch, với việc áp dụng NQ128/NQ-CP với việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã dẫn đến số lượng người đến các điểm di tích lịch sử tăng cao. Ngoài ra, thời tiết trong mấy ngày nghỉ Tết cũng thuận lợi cho mọi người đi lại.

Tuy nhiên, con số hơn 52 vạn lượt khách đến với Vĩnh Bảo 2 tháng đầu năm chỉ là nhất thời. Về lâu dài, để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Vĩnh Bảo cần sự đầu tư bài bản.

Nhìn nhận thực tế cho thấy, những năm gần đây cùng với sự đầu tư của trung ương, thành phố hệ thống hạ tầng, giao thông đô thị trên địa bàn huyện được đầu tư đồng bộ, có sự kết nối giữa các điểm du lịch trên địa bàn huyện.

Tuy vậy, có một thực tế đang tồn tại, đó là mặc dù với lợi thế về loại hình du lịch nhưng việc “níu chân” khách du lịch ở lại sử dụng các dịch vụ như ăn uống, nghỉ ngơi sau khi tham quan các điểm di tích là không có. Do không có điểm lưu trú nên nhiều khách du lịch, các đơn vị lữ hành đều phải dẫn đoàn vào nội thành hoặc sang địa phương lân cận.

 Để khắc phục tình trên, nắm bắt được xu hướng phát triển nhiều đơn vị, cá nhân trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ đáp ứng nhu cầu phục vụ khách hàng.

Du khách chụp ảnh “check-in” tại cánh đồng hoa cúc dược liệu ở xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo).
Du khách check-in tại cánh đồng hoa cúc dược liệu ở xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo).

Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Bảo cho biết, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành các điểm nhà hàng, khách sạn và nhà nghỉ đảm bảo đủ điều kiện phục vụ khách, trong đó địa phương đã có khách sạn 2 sao.

Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Bảo, để du lịch huyện ngày càng phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế, đóng góp nhiều hơn nữa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, các phòng, ban chức năng liên quan, chính quyền các xã, trị trấn sớm hoàn thiện “Đề án phát triển du lịch huyện Vĩnh Bảo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo đó, huyện Vĩnh Bảo đặt mục tiêu, đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch trong năm 2022, đến năm 2025, đón hơn 2 triệu lượt du khách, xây dựng thêm 10-15 tuyến và sản phẩm du lịch mới trên địa bàn.

Có thể thấy rõ, về lâu dài, du lịch Vĩnh Bảo phát triển bền vững, huyện phải xây dựng kế hoạch phát triển bài bản, trước mắt kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành có tiềm lực và uy tín về đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch như hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, điểm vui chơi, giải trí.

 TRUNG KIÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông