22:27 10/02/2017
Tôi có cô bạn gái làm công sở cùng phòng với nhiều đồng nghiệp nam bị nghiện thuốc lá. Cô phàn nàn, nhiều khi muốn ngồi lâu một chút tại phòng làm việc cũng không được. Phòng nhỏ, một người hút thuốc đã thấy khó chịu rồi. Đã vậy, cứ một người hút là những người còn lại cũng nổi cơn thèm, rồi phòng làm việc cứ như thế mà trở thành một cái “tàu tây xả khói”, ngập tràn khói thuốc. Ngay cả những lúc không có họ thì trong phòng cũng bốc ra mùi... khai khai, nồng nồng khó tả. Điều mà cô bạn tôi gặp phải không hiếm hiện nay. Thống kê cho biết, tại Việt Nam có hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên nhưng hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Đáng lo ngại hơn, hàng năm trên thế giới có khoảng 200 nghìn ca tử vong do phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc. Tại Điều 11 của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã khẳng định tất cả mọi người đều có quyền có một môi trường làm việc không khói thuốc. Để bảo vệ mình và những người khác, bạn không nên im lặng và chịu đựng mà cần nhấn mạnh về quyền được làm việc trong môi trường không khói thuốc. Nếu bạn thấy không thoải mái, thậm chí bạn phải ra khỏi phòng làm việc vì khói thuốc thụ động, bạn hãy cho người quản lý biết điều này và lý do vì sao bạn khó chịu. Đồng thời, bạn cũng cần tỏ thái độ khuyến khích, khen ngợi những cơ sở, khu vực làm việc không khói thuốc và cho mọi người biết lý do vì sao bạn chọn làm việc ở những nơi như vậy. Đối với nhà quản lý cơ quan, doanh nghiệp cũng cần hiểu rằng môi trường làm việc không khói thuốc lá giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người lao động, qua đó giúp giảm các chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp của người lao động và người sử dụng lao động cho việc khám, chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Vì vậy, việc xây dựng môi trường làm việc không thuốc lá đến toàn thể cán bộ, công nhân viên cần được quan tâm, thực hiện thường xuyên. HẢI HẬU |
22:29 23/11/2024
09:46 21/11/2024