Để Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự đi vào cuộc sống

16:51 22/10/2019

“Thực tiễn cho thấy, khi nền kinh tế thị trường càng phát triển, mức độ tự do hóa thương mại càng gia tăng thì càng nảy sinh nhiều vấn đề không chỉ gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn gây bất ổn cho cả nền kinh tế và xã hội nói chung…”.

Hàng gia dụng nhái nhãn mác cũng xuất hiện công khai trên thị trường.

Điều không thể không làm

Trên đây  là một đoạn trích trong một bài giới thiệu về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Việc ban hành Luật  bảo vệ người tiêu dùng được xem như một động thái tất yếu, nhằm xây dựng các quy phạm, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng bị xâm hại trong quá trình tham gia các giao dịch thương mại.

Theo đó, nội dung của Luật gồm 6 Chương, 51 Điều, tập trung giải quyết một phạm vi rất rộng trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ bản là: quy định quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với người tiêu dùng; các phương thức giải quyết tranh chấp; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác bảo vệ người tiêu dùng; xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng…

Ngay sau khi Luật được ban hành, công tác tuyên truyền đã được triển khai khá tốt, tuy nhiên sau gần 10 năm kể từ khi Luật có hiệu lực, dường như tất cả những gì làm được cho người tiêu dùng mới chỉ được có vậy. Trong khi đó, những vấn đề nổi cộm trong hoạt động thương mại, làm tổn hại đến quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng vẫn phổ biến.

Là một thị trường lớn với gần 100 triệu dân, có nền kinh tế đang trỗi mình mạnh mẽ, gần đây Việt Nam có những bước đột phá trên tiến trình hội nhập, trở thành đối tác thương mại cả song phương và đa phương với các thị trường lớn nhất thế giới. Nhưng thực tế những vấn đề liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Thực tế đang tồn tại phổ biến các sản phẩm bị làm giả, làm nhái, phi tiêu chuẩn, không rõ nguồn gốc hoặc kém chất lượng trên thị trường. Mặc dù đó cũng là sự vận động tất yếu phụ thuộc vào nền văn minh của mỗi khu vực, nhưng hậu quả của nó là gây tổn hại cho người tiêu dùng là không thể phủ nhận. Những năm qua, Nhà nước với các cơ quan chuyên trách đã có không ít giải pháp, kiểm tra, kiểm soát và giám sát thị trường, nhưng tình hình chưa thực sự được cải thiện.

Hiện nay, dễ nhận thấy nhất chính là khu vực thị trường truyền thống, đây là khu vực với các giao dịch kiểu cũ, mua bán trên cơ sở thỏa thuận miệng cả giá lẫn chất lượng hàng hóa, không những là cản trở lớn cho công tác kiểm tra kiểm soát và các hoạt động quản lý nhà nước, mà còn rất khó trong việc bảo vệ quyền và các lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.

Vì các giao dịch không những thiếu căn cứ xác định nguồn gốc, xác định chất lượng mà thiếu luôn cả sự ràng buộc trách nhiệm về thời gian, địa điểm trao đổi. Nên khi xảy ra các tranh chấp, không những vụ việc khó giải quyết, mà còn dễ gây ra bất ổn về an ninh trật tự.

Trong khi đó, việc lưu thông hàng hóa trên khu vực thị trường liên vùng vẫn còn nhiều sự bất ổn, rất dễ dẫn đến những nguy cơ cho quyền lợi người tiêu dùng, mà vụ việc thuốc chữa ung thư Vinaca giả bị phát hiện cách đây hơn một năm ở Hải Phòng chỉ là ví dụ điển hình.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán phổ biến tại các chợ truyền thống

Cần hơn sự nỗ lực

Về mặt quản lý nhà nước, trước thời điểm Luật bảo vệ người tiêu dùng được ban hành, Chính phủ đã rất quan tâm đến lĩnh vực này, mà tiêu biểu là việc ra quyết định số 127/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về việc chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Thường được gọi là Ban chỉ đạo 127, nay được thay thế bằng Ban chỉ đạo 389. Báo cáo hàng năm cho thấy, số lượng các vụ việc vi phạm bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, phản ánh tính tích cực trong hoạt động liên quan.

Nhưng nhìn từ góc độ khác, con số đó cũng tỷ lệ thuận với việc quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm hại, mà thực tế thị trường đôi khi còn phức tạp hơn nhiều. Nhưng tại sao người tiêu dùng vẫn thờ ơ, rất ít khi có động thái kiến nghị về quyền lợi của minh?

Trở lại với Luật bảo vệ người tiêu dùng, chiểu theo các quy định cấm các hành vi làm tổn hại đến quyền lợi người tiêu  trong Điều 10, giả như một trong những rủi ro xảy ra thì quyền của người tiêu dùng liên quan đến quy trình khá phức tạp. Như trách nhiệm của người bán (Điều 21), trách nhiệm thu hồi hàng hóa (Điều 22), trách nhiệm bồi thường (Điều 25), khởi kiện (Điều 27), hòa giải, chứng minh…

Theo một cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, hiện thị trường có quá nhiều mặt hàng thiết yếu thường có giá trị không lớn, ngoài trách nhiệm xã hội ra, còn thì người tiêu dùng khó mà đòi được quyền lợi thực sự khi cảm thấy không “bõ” so với thời gian và chi phí để “gõ cửa” các nơi cần thiết. Như vậy nếu người tiêu dùng muốn đòi hỏi quyền lợi, chi phí cho toàn bộ quy trình phức tạp kể trên sẽ lấy từ đâu?

Về lý thuyết nếu sai phạm thuộc về ai người đó phải chịu, nhưng đối với thực tiễn cuộc sống là một phạm trù trừu tượng đầy nhạy cảm. Cũng theo cán bộ này, thì bên cạnh nhiều giải pháp, trước mắt cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính, quy định rõ hơn về tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng, đây là yêu cầu bức thiết hiện nay…

Trong khi đó cũng có quan điểm cho rằng, muốn bảo vệ người tiêu dùng thì quan trọng là phải làm sạch thị trường đã, nếu công tác quản lý thị trường thực sự tốt thì xem như quyền lợi của người tiêu dùng đã được bảo vệ cơ bản. 

Cho nên, dù khỏi phải bàn cãi đến sự cần thiết của công tác bảo vệ người tiêu dùng, nhưng để Pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng thực sự đi vào cuộc sống, quả thật còn quá nhiều điều cần phải nỗ lực

LMT

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông