Để người dân thoát nghèo bền vững

16:08 17/12/2020

Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đáp ứng được nguyện vọng của người nghèo cả nước, góp phần giúp thoát nghèo bền vững và chống tái nghèo. Hiệu quả của chương trình trong thực tiễn đã được ghi nhận là một trong những trụ cột quan trọng trong các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo hiện nay.

Tiếp sức người dân thoát nghèo bền vững

Tại Hải Phòng, sau 5 năm triển khai, đến nay nguồn vốn tín dụng chính sách nói chung và nguồn vốn tín dụng của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo nói riêng đã được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Hải Phòng đã được triển khai đến tất cả các thôn, tổ dân phố tại 223/223 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Nguồn vốn cho vay ưu đãi này đã kịp thời tiếp sức cho hàng chục nghìn hộ mới thoát nghèo ở các địa phương, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó thoát nghèo bền vững và chống tái nghèo.

Từ nguồn vay của NHCSXH chi nhánh thành phố Hải Phòng, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã thực sự thoát nghèo bền vững

Cách đây hơn 4 năm, gia đình ông Tô Văn Dũng, xã Hợp Thành (huyện Thủy Nguyên), khi đó còn là hộ mới thoát nghèo được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Thủy Nguyên. Có vốn tiếp sức, ông mạnh dạn tiếp tục mở rộng quy mô đàn gà nuôi kết hợp trồng thêm loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như na, chuối... Ngày qua ngay, biết bao giọt mồ hôi, công sức đã đổ ra, cuối cùng cũng kết tụ thành những lứa gà béo mượt xuất chuồng được thương lái tranh nhau bao tiêu đến những buồng chuối, mẻ na mướt mát, tròn trĩnh. Trời không phụ người chịu thương chịu khó, chỉ sau 2 năm sau, gia đình ông Dũng đã thực sự thoát nghèo bền vững, trở thành một trong hộ có điều kiện kinh tế của địa phương.

 Cũng tương tựm hộ chị Đàm Thị Liên, ở thôn Đền, xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, nhờ vốn vay của NHCSXH huyện đã phát triển mô hình vườn – ao – chuồng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình chị thoát khỏi diện hộ nghèo. Tuy nhiên sau khi thoát nghèo, gia đình chị Liên cũng như nhiều hộ mới thoát nghèo khác đứng trước khó khăn về vốn để tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, nguy cơ tái nghèo rất cao. Được sự giúp đỡ của các tổ chức chính trị xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn, chị lại tiếp tục vay vốn từ NHCSXH huyện để mở rộng sản xuất…Và đến nay, hộ chị Liên cũng trở thành một trong những hộ mới thoát nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Hướng tới sinh kế bền vững

Theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cho vay hộ mới thoát nghèo, đối tượng được vay là hộ gia đình đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua điều tra, rà soát hằng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm. Lãi suất cho vay áp dụng đối với hộ mới thoát nghèo bằng 125% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ…

 Theo Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh Hải Phòng Bùi Văn Thuấn, 5 năm qua (2015-2019), dư nợ cho vay của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo trên địa bàn đạt gần 782,7 tỷ đồng với hơn 20.000 lượt hộ vay vốn; doanh số thu nợ đạt 202 tỷ đồng. Đến đầu năm 2020, tổng dư nợ cho vay chương trình đạt 585 tỷ đồng (chiếm 19,9% tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi chi nhánh đang triển khai) với hơn 16.000 hộ vay còn dư nợ; mức vay bình quân 36,4 triệu đồng/hộ.

 Thực tế đã chứng minh nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo là một trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các hộ dân. Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã tạo đà cho các hộ thoát nghèo bền vững; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Qua đó kịp thời “tiếp sức” cho các hộ mới thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và thoát nghèo bền vững. Đồng thời từng bước làm chuyển biến nhận thức của người nghèo để họ chủ động vươn lên, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nướ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn thành phố.

Theo đó, đến đầu năm 2019, hộ nghèo của thành phố là 4.348 hộ chiếm tỷ lệ 0,72 %, giảm 16.457 hộ so với năm 2015; số hộ cận nghèo là 12.971 hộ chiếm tỷ lệ 2.14%, giảm 3.779 hộ so với năm 2015. Tuy nhiên trong quá trình triển khai chương trình vẫn còn một số hạn chế như: tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo được áp dụng cho các hộ gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vòng 3 năm chưa đủ đảm bảo thời gian để các hộ có điều kiện thoát nghèo bền vững; thời hạn cho vay tối đa 5 năm chưa phù hợp với chu kỳ sinh trưởng, phát triển của một số cây trồng, vật nuôi vì hiện nay các hộ mới thoát nghèo chủ yếu sử dụng vốn đầu tư vào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng, cây ăn quả… ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và khả năng trả nợ của hộ vay khi đến hạn.

Mặt khác, nguồn vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo tăng trưởng hàng năm còn thấp so với nhu cầu vay vốn thực tế của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn thành phố. Số hộ mới thoát nghèo năm 2020 theo Quyết định 3146 ngày 16-12-2019 của UBND thành phố Hải Phòng là 9.514 hộ, chưa tính hộ mới thoát nghèo sẽ phát sinh trong năm, trong số này còn nhiều hộ có nhu cầu vay và nhiều hộ có nhu cầu nâng mức vay trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Để tiếp tục phát huy tốt hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, NHCSXH chi nhánh Hải Phòng đã báo cáo thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định (31-12-2020) để người dân có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng chính sách, phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững. Đồng thời, xem xét cho phép kéo dài thời hạn cho vay tối đa từ 5 năm lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của một số loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài như cây ăn quả, cây công nghiệp, gia súc.

Được biết, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chương trình, tiếp nhận ý kiến của các Đoàn công tác, kiến nghị của hộ vay, cử tri và chính quyền các địa phương, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Dự thảo đề xuất sửa đổi: "Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 10 năm”, với ý nghĩa nhân văn này sẽ thực sự là bệ đỡ, hỗ trợ thiết thực cho các hộ mới thoát nghèo thực sự thoát nghèo bền vững…

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích