Đến thành Nam, tưởng nhớ Tú Xương

17:47 18/10/2015

 

 

Nhà thơ Trần Tế Xương
Nhà thơ Trần Tế Xương

Nhà thơ Trần Tế Xương (Tú Xương) là ngôi sao sáng trên văn đàn Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nhân dịp kỷ niệm tròn 145 năm ngày sinh của ông (1870-1907), chúng tôi đến thành phố Nam Định thăm lại những di tích liên quan đến nhà thơ nổi tiếng thành Nam...

Hai ngôi nhà phố Hàng Nâu

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là ngôi nhà số 280 phố Hàng Nâu xưa, nay là phố Minh Khai, phường Vị Hoàng - nơi nhà thơ từng sống trong 7 năm trước khi mất (từ năm 1900 đến năm 1907). Đó là con phố nhỏ xinh nằm trong khu phố cổ thành Nam - nơi có đến hơn 40 phố cổ với những tên phố còn đến ngày nay như Hàng Cau, Hàng Tiện, Hàng Sắt, Hàng Đồng…

Phố Hàng Nâu ngày nay
Phố Hàng Nâu ngày nay

Theo các cụ cao niên sống ở khu vực này, ngôi nhà cụ Tú được xây dựng năm 1875. Nhà có kiến trúc hình ống, lòng nhà rộng chưa đầy 4m, có một gác trên để tiện cho ông Tú yên tĩnh đọc sách, làm thơ. Mái trên là mái ô văng và hiên dưới đều lợp bằng ngói mũi. Dưới nhà có hai chùm cửa quay bằng gỗ, mỗi chùm có hai cánh.

Đến nay, ngôi nhà đã 140 năm tuổi, lọt thỏm giữa một “rừng” nhà bê tông và mái tôn. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 2014, ngôi nhà thuộc sở hữu của gia đình ông Trần Ngọc Thành. Gia đình ông luôn có ý thức giữ gìn, bảo quản ngôi nhà của cụ Tú để lại. Mặc dù thời gian đã khiến ngôi nhà bị hư hại nhiều, nhất là hai lần bị bom Mỹ gây hư hỏng nặng (năm 1965 và 1967) nhưng đến nay vẫn giữ được hình dáng, cấu trúc, vật liệu nguyên bản ban đầu. Tường tầng 1 nay đã được thay thế bằng gạch, trước nhà có một mảnh sân nhỏ.

Bên trong ngôi nhà 280 phố Hàng Nâu
Bên trong ngôi nhà 280 phố Hàng Nâu

Từ lâu, ngôi nhà 280 phố Minh Khai đã là địa chỉ quen thuộc của giới văn nghệ sỹ, người yêu thơ trong và ngoài nước đến tìm hiểu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Tú Xương. Trước khi dọn về ở nhà số 280 Hàng Nâu, nhà thơ cùng vợ con sống tại ngôi nhà số 247 cùng phố, ở đối diện bên kia đường, hơi lệch một chút so với nhà số 280. Ðây nguyên là ngôi nhà của ông nội và cha cụ Tú Xương để lại. Tuy nhiên, năm 1900, ngôi nhà này phải gán nợ. Cậu ấm Thuần, người Bình Lục, ham chơi cờ bạc, thua to vì tin bạn, cụ Tú đã cho bạn mượn văn tự nhà mình để đi cầm cố. Đến hạn bạn không trả được, cụ Tú mất đất, mất nhà. Năm đó, vừa mất nhà lại vừa thi hỏng, Tú Xương than:

“Bố ở một nơi con một nơi,

Bấm tay tháng nữa hết năm rồi

Văn chương ngoại hạng quan không chấm

Nhà cửa giao canh nợ phải bồi

Tin bạn hóa ra người thất thố…”

Sau đó, bố mẹ vợ Tú Xương mua cho hai vợ chồng ông ngôi nhà số 280 Hàng Nâu. Mặc dù cụ Tú chỉ sinh sống ở đây trong 7 năm nhưng đó là giai đoạn đỉnh cao sáng tác của ông với nhiều tác phẩm để đời.

Nay ngôi nhà số 247 đã được xây mới hoàn toàn, thuộc sở hữu tư nhân và không còn dấu tích gì của nhà thơ nữa. Còn nhà số 280 Minh Khai thì chủ nhân cũng đã xây một ngôi nhà hai tầng kiên cố sát mặt đường, che khuất ngôi nhà của cụ Tú Xương bên trong. Du khách nếu không để ý sẽ rất khó nhận ra một tấm biển nhỏ gắn trên ngôi nhà hai tầng hiện đại ở mặt đường Minh Khai: “Di tích lưu niệm nhà thơ Trần Tế Xương”.

Đến năm 2014, UBND thành phố Nam Định đã tiếp nhận ngôi nhà 280 Minh Khai để tu sửa, bảo tồn và làm di tích văn hoá, điểm thu hút du khách đến tham quan tìm hiểu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Tú Xương.

Ngôi mộ bên hồ

Nhà thơ Tú Xương tài hoa nhưng yểu mệnh. Ông mất đột ngột ngày rằm tháng Chạp năm Bính Ngọ (ngày 29-1-1907), trong một đêm rét mướt tại quê ngoại, làng Đê Tứ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Khi đó ông mới 37 tuổi. Nay ngôi mộ nhà thơ Tú Xương được đặt trang trọng bên hồ Vị Xuyên, trong một công viên rộng rãi, xanh mát, cách ngôi nhà xưa ông từng sống chỉ vài trăm mét. Công viên này tọa lạc trên khu đất xưa thuộc làng Vị Xuyên - nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ.

Mộ nhà thơ Tú Xương
Mộ nhà thơ Tú Xương

Ngôi mộ được xây vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, trong một không gian xanh mát thoáng rộng. Trên bề mặt mộ có một phiến đá nằm nghiêng khắc tên nhà thơ cùng quê quán, năm sinh, năm mất. Trên mộ còn có tấm bia đá, mặt trước khắc hai câu trong bài thơ “Sông lấp” của Tú Xương: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”; mặt sau là hai câu thơ Nguyễn Khuyến khóc cụ Tú: “Kìa ai chín suối xương không nát/ Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn”.

Các cụ cao niên thường hẹn nhau đến công viên bên hồ Vị Xuyên để đánh cờ hay chơi thể thao
Các cụ cao niên thường hẹn nhau đến công viên bên hồ Vị Xuyên để đánh cờ hay chơi thể thao

Trước đó, những câu thơ này được khắc là: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò” và “Kìa ai chín suối xương không nát/Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn”. Sau khi các văn nghệ sỹ có ý kiến rằng chữ “lại” và chữ “ngàn” không đúng, mà phải là chữ “còn” và chữ “nghìn”, năm 2011, thành phố Nam Định chỉ đạo các phòng và đơn vị liên quan tra cứu kỹ các tài liệu lưu trữ và sửa lại mấy câu thơ trên bia mộ nhà thơ Tú Xương.

Hằng ngày, nơi đặt ngôi mộ nhà thơ Tú Xương có nhiều đoàn khách đến tham quan, nhiều nhóm văn nghệ sĩ đến trao đổi, ngâm vịnh, làm thơ và nhiều người dân trong thành phố lui tới hóng mát, đánh cờ… Đặc biệt, nhiều sĩ tử thường đến đây để cầu đỗ đạt mặc dù đây là ngôi mộ của nhà thơ rất lận đận về đường thi cử.

Tú Xương đi thi tất cả 8 lần. Sau 3 lần thi trượt, ông mới đỗ bằng tú tài (nên được gọi là Tú Xương). Sau đó, ông thi nhiều lần nữa đều hỏng. Để thoát vận đen, ông đổi tên thành Trần Cao Xương nhưng trượt vẫn hoàn trượt!

Thời đó, người đỗ tú tài được xếp vào loại học hành dở dang, không được dự thi cấp cao hơn và cũng thiếu chuẩn để được bổ làm quan. Tên “Xương” có nghĩa là thịnh vượng, đẹp, thẳng nhưng số phận Tú Xương suốt đời bị việc hỏng thi. Vì vậy ông đã từng thốt lên:

 “Học đã sôi cơm nhưng chửa chín

Thi không ăn ớt thế mà cay!”

Hân Minh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông