Đến với những phụ nữ đảo Voọc

17:39 12/03/2011

Chiều mùa xuân, không gian mờ mịt như tấm voan khổng lồ trắng đục thấm đẫm nước, vẩy ra muôn vàn bụi mưa li ti, táp vào mặt người cùng những cơn gió mùa muộn mằn. Nhóm phóng viên chúng tôi cùng đoàn công tác của thành phố do Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành dẫn đầu đến vườn quốc gia Cát Bà đúng vào dịp 8-3.
Chiều mùa xuân, không gian mờ mịt như tấm voan khổng lồ trắng đục thấm đẫm nước, vẩy ra muôn vàn bụi mưa li ti, táp vào mặt người cùng những cơn gió mùa muộn mằn. Nhóm phóng viên chúng tôi cùng đoàn công tác của thành phố do Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành dẫn đầu đến vườn quốc gia Cát Bà đúng vào dịp 8-3.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành và bà Danien Schrudde - Giám đốc dự án bảo tồn voọc Cát Bà
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành và bà Danien Schrudde - Giám đốc dự án bảo tồn voọc Cát Bà

Nước mắt của rừng

Nói đến Cát Bà, người ta thường liên tưởng đến một trung tâm du lịch phồn hoa, mà ở đó là thư giãn, là an lạc… Nên có thể nói đây là một chuyến đi đặc biệt, bởi với cương vị là người lãnh đạo đứng đầu thành phố, đã từ lâu Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành muốn có một chuyến thăm những người phụ nữ nước ngoài đang thực hiện sứ mệnh bảo vệ loài voọc Cát Bà. Và dịp kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8-3 này, có lẽ mang nhiều ý nghĩa.  

Chiều muộn, thời tiết lại xấu, vượt qua hai bến phà Gót và Cái Viềng, mây mù khiến trời càng chóng tối, con đường xuyên đảo càng thêm cheo leo, chiếc xe chở chúng tôi vật vã đánh đu như võng rối lắc qua các khúc cua. Ngồi bên cạnh, nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Dũng cứ ngã dúi dụi, nhưng tiếng cười thản nhiên “khà khà” của anh làm cho người ta cảm thấy mây mù gió núi cũng trở thành trong trẻo. Đến nơi trời đã tối hẳn, khu vực trung tâm của vườn quốc gia lọt thỏm giữa một thung lũng tĩnh lặng.

Những người phụ nữ đảo voọc đều còn rất trẻ, dường như đã chờ đợi từ rất lâu, ai cũng tỏ ra bất ngờ vì đây là một sự kiện hiếm có khi người lãnh đạo cao nhất thành phố đến trong dịp này. Đứng lên giới thiệu với đoàn mà chị tổ trưởng nữ công có tên là Đỗ Thị Hạt - một phụ nữ từ miền quê lúa Thái Bình - ra lập nghiệp ở đảo cứ khóc thổn thức, những giọt nước mắt pha trộn giữa vui và tủi. Nỗi niềm tưởng như rất bình thường, là cảnh thân nữ dặm trường giữa hoang vu núi rừng, là đồng lương chắt chiu mặn mòi giữa biển giá của trung tâm du lịch, là nỗi thương con phải đi học trường xa, là nỗi nhớ chồng ngày đêm tất bật… Thì toàn những mơ ước được an sinh đấy thôi, phụ nữ Việt Nam mình là thế, không dám so sánh nhưng bất giác tôi chợt nhớ đến những cô gái Trường Sơn năm xưa, trong ký ức lịch sử.

Sau một hồi chìm trong những cảm xúc khó tả, không khí ấm cúng lan tỏa dần khắp căn phòng bé nhỏ giản dị, nụ cười làm rạng lại khuôn mặt từng người. Rồi đến lượt bà Daniela Schrudde - Giám đốc dự án bảo tồn voọc Cát Bà - phát biểu, bà nói nhiều nhưng tôi nhớ nhất: “Thật không thể tưởng tượng được lãnh đạo thành phố quan tâm đến thế, đàn ông Việt Nam coi trọng phụ nữ đến thế…”.

Ngậm ngùi cũng phải đành…

Chia tay huyện đảo, chúng tôi “nhập đoàn” về cùng chiếc tàu của bộ đội biên phòng. Đứng trên mũi tàu nhìn ra, mây mù vẫn giăng giăng, gió về đêm mạnh hơn, những hạt mưa bị tốc độ của tàu và gió tạo thành những mũi kim tê tái. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành gọi lấy mấy chiếc ghế nhựa kê gọn lại, bảo tất cả vào trong ca-bin ngồi cho đỡ gió lạnh.   

Vườn quốc gia Cát Bà rộng 15.200 ha, hình thành hệ sinh thái phong phú. Trong số 745 loài thực vật ở đây có tới 350 loài có khả năng sử dụng làm thuốc chữa bệnh và nhiều loài nằm trong danh mục quý hiếm cần bảo tồn. Hệ động vật rừng đa dạng với 282 loài, động vật phù du có khoảng 98 loài, cá biển 196 loài, san hô 177 loài... Đặc biệt, đây là nơi cư trú còn lại duy nhất trên thế giới của loài voọc đầu vàng, một trong 25 loài linh trưởng trên thế giới được liệt vào sách “đỏ”. Tôi lượn một vòng tranh thủ xem và ghi lại vài hình ảnh các tiêu bản động thực vật, thành thực mà nói, khu vực lưu giữ tiêu bản hơi khiêm tốn với tầm vóc của một khu bảo tồn quy mô quốc gia. Chợt liên tưởng, giá như một số nhà khách, phòng truyền thống trong nội thành, chỉ bớt đi mỗi nơi vài chi tiết, dồn lại chắc chắn vườn quốc gia sẽ được biết đến nhiều hơn, giá trị của các báu vật sẽ nhiều người hiểu hơn.

Bí thư Thành ủy kể chuyện: “Một lần tôi gặp bà Rosi Stenker - Giám đốc tiền nhiệm Dự án bảo tồn voọc Cát Bà, khi tôi tặng bà một bó hoa, bà nói sẽ tặng tôi một món quà đặc biệt, đó là thông tin về hai cá thể voọc mới ra đời…”. Ông ấn tượng mãi về chi tiết ấy, đơn giản không phải chỉ là sự tiếp nối phồn sinh của những linh trưởng hiếm hoi của thế giới, mà còn là ý chí, nghị lực, tâm huyết của người phụ nữ đến từ nước Đức, với hơn 7 năm gắn bó với Cát Bà của Việt Nam.

Quý thế, báu vật của mình mà đến người “ngoài” người ta còn bỏ công sức gìn giữ, nữa là chúng ta. Có lẽ đấy là ý nghĩa và lý do chính mà Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành quyết định có chuyến đi này, hơn nữa vị giám đốc kế nhiệm 3 năm nay lại là một phụ nữ trẻ hơn - bà Daniela Schrudde. Nhắc lại dấu ấn của tiến sỹ Rosie Stenke, bà đến Việt Nam năm 2000, khi mà Cát Bà đang đứng trước nguy cơ thành địa chỉ tuyệt chủng của những cá thể voọc đầu vàng cuối cùng trên thế giới.

Để rồi với những nỗ lực phi thường, sau hơn 7 năm ăn tết Việt cùng cái tên “bà voọc” mà dân đảo thân mật đặt cho, Rosie đã chứng kiến 15 con voọc con ra đời. Hơn thế, sự hy sinh của bà đã làm thay đổi nhận thức không chỉ người dân trên đảo, trong cái thời mà đến nơi đâu ở nước ta cũng dễ gặp trên thực đơn nhà hàng dòng chữ “đặc sản rừng biển quý hiếm”. Còn giờ đây, Danien Schrudde cùng các đồng sự Việt Nam đang tiếp tục sự nghiệp có thể nói là thiêng liêng này.

Trong lòng thấy man mác, nuối tiếc, chưa được tìm hiểu kỹ hơn về hệ sinh thái và những phụ nữ đang lầm lũi bảo tồn cho sự sống nơi đây. Phía trước, thành phố với lung linh sắc màu phồn hoa đã hiện lên, bao nhiêu trăn trở và cả sự bực dọc nữa, dường như đã trở thành nhỏ bé trước hình ảnh lưu lại về những phụ nữ đảo voọc. 

MT


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông