Di sản tư liệu - giá trị quý báu cần được bảo tồn và phát huy

09:43 14/10/2021

Hải Phòng là vùng đất in đậm dấu ấn chống ngoại xâm trong suốt quá trình lịch sử 4000 năm của dân tộc Việt Nam với niềm tự hào về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Những di sản tư liệu đó là tấm gương phản ánh một cách khoa học, hệ thống về lịch sử, văn hóa về mảnh đất và con người Hải Phòng.

Kho tàng di sản quý báu của Hải Phòng

Theo Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao thành phố) Đỗ Đình Tuân cho biết, hiện chưa có thống kê đầy đủ về số lượng tư liệu quý, có giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thành phố có hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó các tư liệu quý đều gắn liền các di sản cụ thể trên, nên kho tàng di sản tư liệu rất phong phú và mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa của Hải Phòng. Ngoài ra, lượng lớn tư liệu quý đang được lưu giữ tại các dòng tộc, gia đình và các đình, đền, chùa… Đến nay, các di sản tư liệu mới được bảo tồn riêng lẻ theo từng di tích lịch sử, văn hóa.

Theo Phó giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Đỗ Xuân Trung cho biết, bảo tàng từng thống kê, nghiên cứu tư liệu cổ, nhưng chưa thành hệ thống. Riêng tại Bảo tàng Hải Phòng hiện trưng bày hơn 2000 tư liệu các loại và giới thiệu tới khách tham quan, nhân dân thành phố. Là người gắn bó, tâm huyết với nghiên cứu di sản, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng Nguyễn Đình Chỉnh cho rằng, qua thăng trầm lịch sử, tại nhiều địa phương, di tích bị thất lạc, mất hoặc bị rách hỏng tư liệu quý. Ngoài ra, nhiều tư liệu quý do cơ quan nhà nước quản lý, nhưng chưa được mang ra giới thiệu tới đông đảo người dân hoặc có trưng bày cổ, song nhiều tư liệu là chữ Hán - Nôm, nên không phải ai cũng hiểu giá trị nội dung của tư liệu, phần nào làm giảm giá trị văn hóa, lịch sử của các tư liệu. Ngoài ra, nhiều người chưa biết đến, thậm chí còn ngỡ ngàng khi đề cập di sản tư liệu vì chỉ thường nghe di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.

Du khách đến thăm các di sản văn hóa tại Bảo tàng Hải Phòng

Các tư liệu quý “có một không hai” nhưng chưa được quan tâm thống kê và bảo quản đầy đủ. Mới đây, tại cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Kiện toàn Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam” được tổ chức ngày 30- 9 vừa qua tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền cho hay, di sản tư liệu là vấn đề mới và việc quản lý di sản tư liệu hiện vẫn chưa được quy định vào trong nội dung Luật Di sản văn hóa năm 2013.

Bảo tồn phát huy giá trị di sản tư liệu

Di sản tư liệu là thuật ngữ được sử dụng trong Chương trình Ký ức thế giới do UNESCO khởi xướng từ năm 1992 nhằm chỉ những tư liệu, tài liệu có giá trị đặc biệt và có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Di sản tư liệu còn được xem là những bảo vật, tài sản quan trọng của quốc gia mà qua đó có thể hiểu được lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của từng dòng họ, vùng, miền, đất nước…

Theo Phó giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Đỗ Xuân Trung cho biết, di sản tư liệu là hồn phách của dân tộc, kho báu giá trị về tri thức, lịch sử, văn hóa của từng vùng đất, địa phương. Tư liệu quý khi được đánh giá đúng mức, giao ngành Văn hóa quản lý, các tư liệu đó sẽ có cơ hội được khai thác, quảng bá và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa vốn có. Để làm được việc này, đòi hỏi thành phố triển khai nghiên cứu, rà soát tổng thể các tư liệu có giá trị di sản để có hướng bảo tồn, phát huy.

Trong thời gian gần đây, ngành Văn hóa và các nhà sử học bắt đầu quan tâm nghiên cứu, sưu tầm di sản tư liệu như: nhà sử học Ngô Đăng Lợi, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình Chỉnh, nhà sưu tập ảnh kiến trúc Pháp cổ Phạm Tuệ…, nhưng vẫn mang tính cá nhân, nhỏ lẻ.

Cuối năm 2020, tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa trong phát triển bền vững” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng, nhà sử học Dương Trung Quốc đề cập đến di sản tư liệu, cụ thể là lưu trữ ảnh, làm sử liệu về quá trình phát triển và văn hóa đặc thù của thành phố Cảng. Tại Hội thảo, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, ông giúp nhà sưu tập Phạm Tuệ sắp xếp, chú thích hệ thống ảnh tư liệu về công trình kiến trúc Pháp tại Hải Phòng để lưu giữ cho các thế hệ sau tự hào về quê hương. Tuy nhiên, để thực sự quan tâm, bảo tồn, phát huy tổng thể di sản tư liệu cần có cơ sở pháp lý giúp các cơ quan liên quan, các nhà khoa học thực hiện công tác bảo tồn, phát huy di sản tư liệu.

 Điều đó, đồng nghĩa với việc vấn đề quản lý di sản tư liệu phải được đưa vào Luật Di sản văn hóa. Vì vậy, ngành Văn hóa – Thể thao thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa phù hợp thực tế, để tránh mai một di sản tư liệu.

Theo Phó trưởng phòng Phụ trách Phòng Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao) Đỗ Đình Tuân, hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đang thực hiện Đề án Số hóa di sản và Đề án số hóa hiện vật của Bảo tàng Hải Phòng. Đây là việc làm cụ thể, thiết thực để kịp thời lưu giữ, bảo quản, phát huy các giá trị di sản thành hệ thống, trong đó có các tư liệu quý có giá trị lịch sử, văn hóa. Song, sau khi số hóa, các di sản tư liệu không chỉ được lưu giữ hình ảnh, thông tin trong các máy tính, hay “tủ khóa then cài” mà phải được trưng bày, giới thiệu nhiều hơn tới người dân thành phố và du khách bởi khi di sản tư liệu “sống” thì mới có thể bảo tồn, phát huy giá trị vốn có của nó.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông