Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang – Nơi hội tụ hồn thiêng sông núi

08:53 02/01/2021

Nằm ngay cửa sông Bạch Đằng, cách trung tâm thành phố khoảng 20km, Di tích lịch sử cấp quốc gia Bạch Đằng Giang (Tràng Kênh - Minh Đức - Thủy Nguyên) xứng đáng là quần thể hội tụ những dấu ấn lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng lớn bậc nhất Hải Phòng, một trong những điểm du lịch đáng đến của du khách thập phương.

Quần thể di tích Bạch Đằng Giang – nơi hội tụ hồn thiêng sông núi

          Niềm tự hào của cả dân tộc

          Trên thế giới, có lẽ chưa một địa danh nào đặc biệt như vùng cửa sông Bạch Đằng, chỉ trong một không gian không mấy rộng, nhưng lại gắn liền với 3 trận thủy chiến, được coi là lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, nếu như trận Xích Bích thời Tam Quốc ở Trung Quốc đơn thuần là một cuộc nội chiến, trận Trân Châu Cảng ở Mỹ là cuộc đối đầu giữa hai cường quốc trong chiến tranh hiện đại, thì những trận chiến Bạch Đằng là biểu tượng tinh thần của một dân tộc anh hùng, chống lại những thế lực ngoại xâm lớn gấp bội lần.

          Lần thứ nhất xảy ra năm 938, khi tướng Nam Hán là Hoằng Thao dẫn 2 vạn thủy quân xâm phạm nước ta. Tướng Việt là Ngô Quyền nghe tin bèn bày kế cho chế cọc gỗ nhọn, đầu bịt sắt đóng xuống lòng sông Bạch Đằng. Lúc thủy triều dâng, bãi cọc khuất hết, quân ta vừa đánh vừa nhử địch, đợi lúc thủy triều rút, mượn theo sức nước quân ta đánh thốc từ trên xuống.

Thuyền quân Hán lớn, mắc vào bãi cọc, Ngô Quyền cho dùng thuyền nhỏ, luồn lách đánh quân Hán thua tan tác. Sau trận này Ngô Quyền xưng vương, tái lập ra nhà nước của người Việt, nên chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất được coi như tuyên ngôn độc lập của nước ta, sau hơn nghìn năm bị người phương Bắc đô hộ.

          Năm 981, giặc Tống xua quân xâm chiếm nước ta. Đạo quân thủy do tướng địch Hầu Nhân Bảo thống lĩnh vào đến Lục Đầu Giang thì thất trận, mới tháo chạy theo hướng Bạch Đằng. Lúc này, Lê Hoàn cho quân sỹ đóng cọc ở cửa sông, giăng bẫy đợi sẵn. Ngày 28-1, quân Tống đang thoái thủy thì bị chặn đánh, thấy quân ta ít, địch nghĩ có thể đánh một trận oai thù.

Vừa khi thủy triều đổi hướng, quân ta giả thua bỏ chạy ra cửa biển, quân Tống thúc thuyền đuổi theo. Chiến thuyền của địch lao đầu vào bãi cọc, kẻ chết đuối, người bị truy kích, cả Hầu Nhân Bảo cũng chết trong đám loạn quân ấy. Đấy là chiến thắng Bạch Đằng lần thứ hai, đưa tên tuổi vua Lê Đại Hành trở thành lừng lẫy.

          Lần thứ ba, gắn liền với tên tuổi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, khi ông cùng vua tôi nhà Trần đánh tan giặc Nguyên Mông. Ấy là năm 1288, Mông Cổ là một đội quân hùng mạnh nhất thế giới bấy giờ, không chỉ chiếm được Trung Hoa, mà gót ngựa nhà Mông còn làm mưa làm gió ở châu Âu. Nhưng dù đã hai lần tràn xuống nước ta, quân Mông đều thua trận, cay cú, chúng quyết tâm khởi binh lần thứ ba. Lần này, thủy tướng địch Ô Mã Nhi thống lĩnh 5 vạn quân cũng tiến vào vùng sông Hải Phòng.

Sử sách ghi lại rằng: “Thủy quân Đại Việt mai phục phía sau các hang ghềnh, lạch nhỏ, còn bộ binh bố trí ở hai phía bờ Quảng Yên và Tràng Kênh. Giáp trận, quân ta theo kế cũ nhử địch vào thủy trận, rồi ồ ạt tổng phản công khiến quân địch không kịp trở tay. Quân ta thu được hơn 400 chiến thuyền, bắt sống tướng địch Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ…”.

Hình tượng 3 vị anh hùng dân tộc gắn liền với 3 chiến thắng lịch sử trên bến sông Bạch Đằng

          Văn hóa và văn minh hội tụ cùng lịch sử

          Vĩ đại như vậy, nhưng có lẽ những di sản còn lại đến ngày nay chưa đủ để phản ánh về tầm vóc của 3 chiến thắng Bạch Đằng lịch sử. Nhận thức được những giá trị to lớn ấy, từ năm 2008 tập thể cán bộ, công nhân Cty xi măng Hải Phòng (nay là Vicem Hải Phòng) đã cùng tâm huyết của người dân, quyết tâm tái dựng một quần thể, ghi lại dấu ấn hồn thiêng sông núi nước Nam.

          Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt công trình của Khu Di tích Bạch Đằng Giang đã được hình thành. Trước hết là quần thể 3 ngôi đền lần lượt gắn với tên tuổi 3 nhà cầm quân lẫy lừng của dân tộc: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền.

Cả 3 ngôi đền đều được kiến trúc theo dáng cổ, với sự kết hợp kỳ công giữa gỗ và đá tự nhiên, tọa lạc dưới bóng cây rờm rợp, dọc theo triền núi ven sông, tạo thành một vùng sinh thái thơ mộng, trên bến dưới thuyền, sơn thủy hữu tình gắn quyện.

          Ông Lê Quang Hiếu, một người dân ở thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên) cho biết, gần như năm nào Khu Di tích Bạch Đằng Giang cũng có công trình đầu tư mới được đưa vào sử dụng. Đến thời điểm này, ngoài 3 ngôi đền nêu trên, khu di tích còn có đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà truyền thống lưu giữ những phiên bản về 3 trận thủy chiến lịch sử, đền thờ thánh Mẫu, trên cao là ngôi chùa thờ Phật, khu trưng bày mô tả chiến trận bằng điêu khắc đá.

Ngoài bến sông Bạch Đằng có thêm con đường rộng thênh thang, dẫn lối tới những cầu đá nổi, được chạm khắc tinh xảo, tôn thêm vẻ hùng tráng đến kỳ vỹ của 3 pho tượng các bậc danh tướng, sừng sững ngự trên mặt sông. Phía dưới là một bãi cọc, tái tạo ấn tượng một thủa non sông vang dội. 

Du khách đến tham quan Di tích Bạch Đằng Giang (Ảnh chụp trước dịch Covid-19)

          Còn ông Nguyễn Bảo ở huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) thì trầm trồ: “Thế này mới xứng với tầm vóc của Bạch Đằng Giang…”. Là người đã đi nhiều nơi, ông Bảo nhận xét: “Nói về tâm linh, thì nơi đây có hàng vạn binh sỹ vô danh nằm xuống, thử hỏi còn ở đâu tụ khí thiêng hơn? Còn về tín ngưỡng, ở đây đáp ứng nhu cầu của người dân…”. 

Điều làm ông Bảo rất tâm đắc như ông nói, mỗi thềm đá, mỗi lối đi cho đến từng gốc cây đều đáng là một công trình, được bố trí tỉ mỉ từng chi tiết. Hơn thế, đến đây du khách chẳng phải chen lấn, bãi gửi xe sức chứa hàng vạn chiếc, điểm thờ nào cũng có nước uống phục vụ, hệ thống các nhà vệ sinh cũng được kiến trúc hài hòa, và tất cả là miễn phí.

Những sinh hoạt thiết thực, tưởng như hết sức giản đơn nhưng đã làm nổi bật nếp sống văn minh của Di tích Bạch Đằng Giang, điều hiếm nơi nào có được.

          Cảm giác trên cũng là nỗi niềm mãn nguyện của nhiều du khách khác khi đến tham quan Di tích Bạch Đằng Giang. Quả đúng với ý thơ của Phạm Sư Mạnh thời Trần:  “Vũ trụ kỳ quan Dương Cốc nhật/ Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu (dịch nghĩa: Kỳ quan của vũ trụ là mặt trời lên từ hang Dương Cốc/ Khí thiêng sông núi đọng lại ở chốn Bạch Đằng…”.

Nhưng điều quan trọng, như đánh giá của đa số du khách được hỏi, thì tất cả những gì đang hiển hiện đã trọn nghĩa cho lời hẹn ngày trở lại, và hấp dẫn những người chưa có dịp đến nơi này.

          Gia Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông