Dịch bệnh Covid-19, nốt nhạc buồn của ngành vận tải khách

15:34 16/07/2021

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai trên diện rộng, vận tải khách là một trong những phân ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây thực sự là nốt nhạc buồn trong bản “sầu ca” của cộng đồng vận tải nói chung.

Các doanh nghiệp vận tải khách chuyên tuyến cũng “dở khóc, dở cười”.

Xe hợp đồng “đắp chiếu”

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hùng – Chủ một đầu mối chuyên cho thuê xe hợp đồng than thở: “Càng nhắc đến lại càng buồn, thê thảm lắm nhà báo ơi…”. Nói về tình cảnh của mình, ông Hùng cho biết doanh nghiệp của ông có 7 chiếc xe lớn nhỏ cho thuê, ngoài ra còn hơn chục đầu xe của anh em, họ hàng, bạn bè liên kết làm ăn chung khi nhiều việc.

Mấy năm trước đây, đầu mối khách hàng của ông Hùng rất lớn, có những lúc huy động toàn bộ số phương tiện có thể nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu của khách. Thời điểm đắt “sô” nhất là mùa lễ hội đầu năm, xe lớn, xe nhỏ, tuyến xa, tuyến gần đủ cả, có những đầu xe quay “tua” 2 chuyến trong ngày.

Cùng với đó, mùa lễ hội cũng là lúc thời tiết mưa phùn gió nồm nên nhu cầu tăng cao, hầu như xe cấp độ nào cũng có người thuê. Đơn giản vì xe to cho cả đoàn đông, chở thêm lễ cồng kềnh đã là một lẽ, còn xe nhỏ từ 5 đến 7 chỗ lại phục vụ cho các gia đình, người ta thuê để tự lái.

Tình trạng “cháy” xe thường diễn ra thời gian dài, khách nào không đặt trước thì việc tìm được xe ưng ý là cực khó. Giá dịch vụ cũng dễ thỏa thuận, cơ bản cả chủ xe và lái xe đều thấy rất thoải mái khi doanh thu đạt cao. Ngoài mùa lễ hội đầu năm, vào mùa hè có du lịch biển, cuối năm là mùa cưới, nói chung không khi nào cảm thấy thiếu việc làm.

Nhưng kể từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lúc ấy Hải Phòng chưa phát sinh ca bệnh nào, nhưng dịch vụ xe khách là ngành đầu tiên phải gánh chịu hậu quả. Trước tiên là việc dừng các lễ hội cũng như các tụ điểm du xuân, du lịch tâm linh không chỉ ở Hải Phòng mà hầu như ở tất cả các điểm đến thuộc hệ thống khai thác dịch vụ vận chuyển khách hợp đồng.

Tiếp đến mùa du lịch hè các hoạt động liên quan cũng bị đình trệ, rồi mùa cưới cũng vậy, có những hợp đồng đã nhận tiền đặt cọc mà vẫn phấp phỏng. “Có đám cưới, chúng tôi làm hợp đồng, nhận tiền cọc, rồi đùng một cái có quy định dừng các hoạt động cưới hỏi, cực chẳng đã phải trả lại tiền đặt cọc người ta, vì họ cũng đâu có muốn như vậy” – Ông Hùng bộc bạch.

Nửa cuối năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 có phần dịu bớt, ngành dịch vụ xe hợp đồng làm ăn nhúc nhắc, dù ít khách nhưng chi phí xăng dầu giảm đã phần nào bù đắp. Ông Hùng bùi ngùi nói tiếp: “Tưởng dịch bệnh mau chóng qua đi, anh em làm xe sẽ trông chờ vào mùa vụ mới, ai dè…”.

Đấy là ông Hùng muốn nói đến tình cảnh đầu năm 2021, khi đợt dịch mới xuất hiện, đồng thời Hải Phòng sau một năm giữ vững trận tuyến, cũng đã có những ca mắc đầu tiên. Hoạt động dịch vụ xe chở khách hợp đồng cơ bản là tê liệt, nhiều chủ xe đã phải bán tống bán tháo xe để kiếm việc làm khác.

Dịch bệnh Covid-19 đang làm nản lòng những người kinh doanh Taxi

Xe chuyên tuyến cũng khốn khổ

Theo báo cáo thống kê, tính chung trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm, lượng hành khách được các doanh nghiệp vận chuyển đạt khoảng 22 triệu lượt, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên đó là số lượng chung, còn tính riêng từng dạng hình thì nhiều đơn vị vận tải chuyên biệt còn khó khăn hơn rất nhiều.

Cũng theo số liệu thống kê về vận tải hành khách, thành phố hiện có khoảng 40 tuyến cố định với hơn 600 đầu xe chạy nội tỉnh - liên tỉnh, 35 đơn vị taxi với  gần 3.000 đầu xe, 660 đơn vị có dịch vụ hợp đồng với 1.675 xe, 6 đơn vị xe buýt với 113 xe chạy 15 tuyến…

Ông Bùi Văn Cần – chủ xe thành viên của một doanh nghiệp chuyên vận tải khách du lịch chia sẻ, dịch bệnh bùng phát đã khiến ngành du lịch tê liệt, dẫn đến các nhà xe hợp đồng chở khách du lịch cũng liệt theo.

 Không chỉ các chủ xe khốn khổ, mà nhiều tài xế cũng không có việc làm, phải ngồi nhà cầm cự hoặc đi kiếm những công việc phổ thông khác. Điều này cũng hết sức dễ hiểu, bởi chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Hải Phòng đã giảm tới gần một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Dịch bệnh Covid-19 cũng được coi là khắc tinh của các doanh nghiệp có xe vận chuyển khách chuyên tuyến, vốn được xem là ổn định nhất từ trước đến nay. Nhưng hơn một năm qua, dịch bệnh lên xuống theo sóng hình “sin” cũng khiến các doanh nghiệp không ngừng nhấp nhổm, lúc thì phải dừng hẳn tuyến chạy, lúc phải giảm chuyến, khi chỉ được khai thác 50% cả lượng xe và lượng khách.

Kể cả những thời điểm dịch tạm lắng, được hoạt động bình thường thì lượng khách đi xe cũng giảm rất mạnh so với trước khi có dịch, bởi người dân cũng lo ngại mà hạn chế đi lại giữa các địa phương.

Tương tự, đối với dạng hình vận chuyển khách bằng Taxi cũng vậy, ông Vũ Quang Kiên – cổ đông lớn của một doanh nghiệp Taxi cho biết, không kể những thời điểm phải dừng hoạt động hoàn toàn, hiện Taxi trên địa bàn thành phố vẫn chỉ được khai thác 50% chỗ ngồi, vả lại có nhiều thời điểm chỉ được khai thác 50% đầu xe.

Trong bối cảnh khách du lịch cơ bản không có, khách nội địa cũng không mặn mà vì có những gia đình từ 3 người trở lên không thể đi chung xe, khiến tài xế Taxi điêu đứng. Doanh số giảm sút, tài xế bỏ việc, vốn nợ đầu tư thành khoản nợ lớn với ngân hàng, ông Kiên mới đây đã phải bán bớt một số đầu xe, chỉ giữ lại một phần vốn góp để chờ cơ hội khi dịch bệnh đi qua.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chuyển hành khách, thời gian qua các ban, ngành thành phố cũng như các ngân hàng, tổ chức… đã có không ít chính sách hỗ trợ. Như việc miễn giảm một số khoản thuế, gian hoãn công nợ, giảm lãi suất cho vay, tạm hoãn thời hạn nộp các khoản tiền chính sách khác…

Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều người trong ngành vận tải khách, nếu tình hình khó khăn tiếp tục kéo dài, thì các chính sách hỗ trợ cũng kém dần hiệu quả, vì đây là sự vận động chung của cả nền kinh tế.

Có quá nhiều câu chuyện tương tự kể trên xảy ra trong dịp này, mà dịch bệnh Covid-19 là thủ phạm chính.

Hy vọng rằng, với những nỗ lực đang được triển khai, dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới nhanh chóng được kiểm soát, để phân ngành kinh tế vận tải khách nói riêng và cả nền kinh tế nói chung được phục hồi và tái phát triển.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông