09:43 27/03/2020 Theo số liệu thống kê mới nhất từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến 21h ngày 26/3 (giờ Berlin), trên cả nước Đức đã ghi nhận 43.211 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 262 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong đối với người nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện là khoảng 0,5%, đây là một con số tương đối thấp, đáng ngạc nhiên khi so sánh với các quốc gia khác.
Trong bài viết của tờ Süddeutsche Zeitung ngày 26/3, tác giả bài viết chỉ ra một số vấn đề trả lời câu hỏi, điều gì tạo nên sự khác biệt ở Đức so với các nước khác. Trên thực tế, có những khác biệt rất lớn khi người ta tính toán tỷ lệ các ca tử vong trên số người mắc bệnh. Theo cách tính này, Bangladesh và San Marino có tỷ lệ ca tử vong hơn 10%, Italy dưới 10%. Ngược lại, Australia, Cộng hòa Séc và Israel có tỷ lệ tử vong chỉ dưới 0,4%.
Số lượng các trường hợp chưa bị phát hiện ở Đức có khả năng thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Theo ông Lothar Wieler– Chủ tịch Viện Robert Koch (RKI), Đức đã tiến hành xét nghiệm số lượng người nghi nhiễm tương đối lớn. Những người nhiễm bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng cũng được ghi nhận. Trong khi đó ở Italy, các ca bệnh nặng được kiểm tra rất nhiều trong các phòng khám, các trường hợp nhẹ hầu như không được thống kê.
Tại Đức, ngay từ ban đầu, các nhà chức trách y tế đã theo dõi các trường hợp nhiễm bệnh vô cùng cẩn thận. Ảnh: Reuters
Ngoài những thống kê về số lượng ca được xét nghiệm, tác giả bài viết chỉ ra những khác biết về độ tuổi của người bệnh và vị trí địa lý. Theo đó, ở Đức chủ yếu là những người trẻ tuổi mắc bệnh, ở Italy và Tây Ban Nha là những người lớn tuổi, có nguy cơ tử vong cao hơn.
Bênh cạnh đó, việc hút thuốc được cho là một trong các yếu tố ảnh hưởng. Những người hút thuốc lá với phổi bị tổn thương là tác nhân khiến mức độ bệnh trở nên nghiêm trọng hơn khi mắc virus SARS-CoV-2. Điều này có thể giải thích lý do vì sao những người đàn ông trong số những người hút thuốc mắc bệnh phổi sẽ nặng hơn và tử vong nhiều hơn phụ nữ.
Tiếp đó, ảnh hưởng của vấn đề ô nhiễm không khí cũng được thảo luận. Tác giả bài báo dẫn ý kiến của Bác sĩ môi trường Sara De Matteis tại Đại học Cagliari (Italy) rằng, nồng độ bụi mịn đặc biệt cao ở miền Bắc Italy có thể làm trầm trọng thêm các bệnh phổi mãn tính, khiến bệnh nhân khó chống lại bệnh viêm phổi hơn.
Ngoài ra, sự khác biệt về năng lực và chất lượng của hệ thống y tế cũng có thể là một yếu tố ảnh hưởng. Theo Chủ tịch RKI Wieler, mặc dù Đức có hệ thống y tế tốt, nhưng cũng không tránh khỏi những diễn biến kịch tính hơn.
Trong một diễn biễn liên quan, tối 26/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác bỏ thông tin cho rằng các biện pháp về hạn chế tiếp xúc ở Đức sẽ sớm được nới lỏng.
Trả lời báo giới qua cuộc họp báo trực tuyến, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định hiện vẫn còn quá sớm để bàn về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế tiếp xúc. Bà Merkel cho biết: "Hôm nay là thứ Năm (26/3) - trong khi chính phủ vừa mới ban hành các biện pháp hạn chế tiếp xúc hôm thứ Hai (23/3). Khoảng thời gian này là quá ngắn để chúng tôi có thể đối chiếu, so sánh xem các trường hợp nhiễm bệnh mới tiếp tục tăng hay giảm sau khi các biện pháp được đưa ra. Chúng ta cần biết rằng thời gian ủ bệnh có thể kéo dài ít nhất từ 5 đến 14 ngày. Do vậy, bây giờ chưa phải là thời điểm để nói về việc nới lỏng các biện pháp". Thủ tướng Merkel cũng kêu gọi người dân phải thật bình tĩnh và kiên nhẫn./.
Theo TTXVN