21:07 22/01/2020 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã rất gần, điều này càng làm cho dịch vụ đổi tiền lẻ càng trở nên náo nhiệt. Tỷ lệ phần trăm hoa hồng cho dịch vụ đổi tiền cũng vì thế mà “nóng” lên hàng giờ…
“Hôm nay là 28 rồi nhưng em H. vẫn sẵn sàng phục vụ các anh chị cho nhu cầu đổi tiền lẻ nhé”. “Cả nhà ơi, làm gì thì làm đừng quên đổi tiền lẻ, chỉ cần alo, e S. sẽ phục vụ các anh chị tận nhà”. “Không ngờ các bác đổi hăng quá, tiền nguyên cọc, nguyên seri nhà em hết sạch rồi. Thế nhưng bác nào còn nhu cầu mà chưa đổi được đừng vội buồn, em X. vẫn còntiền lướt tiền lọc mới 60%. Giá giao lưu anh chị em phí 30.000/ triệu nhé”...
Càng cận tết, dịch vụ đổi tiền lẻ càng sôi động
Lướt qua mạng một vòng, chúng tôi gặp rất nhiều lời chào mời từ các dịch vụ đổi tiền lẻ từ rất nhiều “nhà cái” trên cả nước. Từ Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội cho đến tận thành phố Hồ Chí Minh xa xôi. Càng giáp tết, dịch vụ đổi tiền lẻ trên thị trường tự do lại càng sôi động bởi sau tuyên bố của một lãnh đạo Ngân hàng nhà nước về dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục không đưa tiền mới mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông khiến cho tiền lẻ lại càng khan hiếm…
Chính lời khẳng định này khiến cho Vũ Hương Lan, ở Trại Chuối mấy ngày nay sau khi vận dụng các mối quan hệ để đổi tiền mệnh giá nhỏ như 1.000, 2.000, 5.000 đồng không được đành phải xoay qua dịch vụ đổi tiền. Trước đây vào dịp tết, khi tiền mới mệnh giá nhỏ dồi dào nên khoảng từ 28 trở ra chị sẽ tiện đổi cho bản thân và ông bà nội ngoại một vài triệu để các cụ đi lễ chùa. Tuy nhiên năm nay, lường trước được sự “khó khăn” nên khi gọi điện nhờ “mối ngân hàng” chị vẫn giao dịch thì nhận được câu trả lời “năm nay hạn chế lắm”.
Thấy tôi ngỏ ý nhờ đổi vài triệu tiền mệnh giá 500, 1.000, 2.000 đồng, chị Bùi Ngọc Anh – Trưởng phòng Kinh doanh của một Ngân hàng nhà nước cho biết: Năm nay tiền mới về không được nhiều, em là trưởng phòng cũng chỉ được tiêu chuẩn một số lượng nhất định, không có mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng, chỉ có 10.000, 20.000. 50.000. Mỗi loại em phần chị được một thếp thôi…
Ngọc Anh cho biết thêm: Những năm trước, tiền mới mệnh giá nhỏ về ngoài “nội bộ” có tiêu chuẩn nhất định, ngân hàng thường ưu tiên đổi tiền cho các khách hàng VIP, khách hàng thân quen không thu phí. Tuy nhiên năm nay, do chính sách siết chặt “từ trên” nên mỗi suất theo diện “tiêu chuẩn” cũng bị hạn chế. Chắc chỉ đủ cho gia đình và người thân chứ không dồi dào để đổi hộ như trước nữa. Nếu muốn đổi nhiều thì chị phải va ngân hàng vận dụng mối quan hệ với người nào làm ở Ngân hàng nhà nước hay Kho bạc thì khả dĩ hơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khi tiền lẻ ở các ngân hàng chính thống có phần hạn chế thì ở thị trường tự do, nguồn tiền mới mệnh giá nhỏ tương đối dồi dào. Năm nay, do mạng xã hội ngày càng phát triển, việc đổi tiền lẻ không chỉ bó hẹp ở các đầu mối khu vực Hải Phòng mà người có nhu cầu có thể liên hệ tại nhiều tỉnh thành khác như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, thậm chí tận trong thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu cũng có thể trao đổi được, miễn là khách hàng dám “đặt niềm tin” vào các đầu mối này.
Theo những lời quảng cáo được đăng đầy rẫy trên các trang web và mạng xã hội, các mệnh giá tiền lẻ đều là tiền mới nguyên cọc, nguyên seri với đủ loại với mức phí khác nhau. Tiền mệnh giá càng nhỏ (1.000, 2.000, 5.000) và phổ biến sử dụng để mừng tuổi (50.000 đồng) thì phí đổi càng cao. Đặc biệt càng cận ngày tết thì phí càng tăng mạnh.
Cụ thể loại tiền mệnh giá 1.000, 2.000. 5.000 đồng phí 6%, sau đó tăng lên 8% và hiện ở mức 9,5%. Loại tiền mệnh giá 10.000 đồng ban đầu phí 6%, sau đó tăng lên 7% và đến thời điểm 28 tết là 8%. Loại tiền mệnh giá 50.000 đồng ban đầu phát giá phí 4%, sau đó tăng 5% và hiện phí đã lên 6%. Thậm chí tiền dùng lướt, độ mới chỉ còn 60% lọc ra bó lại hiện phí đổi cũng lên tới 3%...
Nếu ở xa, ngoài phí đổi tiền còn tính thêm tiền ship từ 30.000-35.000 đồng tùy theo địa điểm xa gần khu vực giao tiền. Được biết, trước đây vào dịp tết, Ngân hàng nhà nước thường phát hành một lượng tiền mệnh giá nhỏ nhất định nhằm đáp ứng phong tục lì xì lấy may và đi lễ đầu năm của người dân trong dịp năm mới.
Thậm chí tiền dùng lướt chỉ còn mới 60% phí đổi trên "chợ đen" cũng lên tới 3%
Tuy nhiên vài năm gần đây nét văn hóa tốt đẹp này đang dần bị biến tướng chủ yếu phục vụ cho việc “rải tiền” lễ với hình ảnh phản cảm tại các khu vực di tích, lễ hội... những tờ tiền Việt Nam rải đầy các ban thờ, cành cây hoặc rơi trên đất bị nhiều người giẫm lên. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh đồng tiền và nét đẹp văn hóa của Việt Nam từ bao đời nay. Ngoài ra việc này còn làm phát sinh thêm hoạt động kinh doanh dịch vụ đổi tiền với mức chênh lệch khá cao, làm rối thị trường tiền tệ. Vì vậy, từ năm 2013, Ngân hàng nhà nước có chủ trương hạn chế in tiền mới mệnh giá nhỏ nhằm chấn chỉnh tình trạng trên và siết chặt quản lý hoạt động này.
Liên tiếp từ 4 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị chỉ đạo các cơ quan ban ngành tiếp tục tăng cường và siết chặt công tác quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết, đảm bảo an ninh, an toàn kho quỹ. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật. Sự xiết chặt này làm cho thị trường tiền lẻ trở nên khan hiếm. Nguồn cung kênh chính thức tại các ngân hàng bị hạn chế trong khi nhu cầu thực tế vẫn rất lớn nên mặc dù phải chịu mức phí rất cao, nhiều người vẫn chấp nhận đổi tiền trên thị trường chợ đen khiến cho hoạt động giao dịch tại đây vẫn diễn ra rất sôi nổi.
Được biết, nguồn tiền ngoài “chợ đen” được phân phối ra thị trường bằng 2 cách. Một là nhiều nhân viên ngân hàng khi được ưu tiên có suất đổi tiền lẻ đã không dùng tất cả để đổi tiền cho các khách hàng mà tuồn phần nào đó, hoặc chính những “suất” của họ ra ngoài thị trường chợ đen để ăn chênh lệch. Đây là nguồn tiền mới thực sự, nguyên se-ri, niêm phong. Nguồn thứ hai là tiền người dân đem cúng viếng chùa, đình, miếu… năm trước năm nay lại “có dịp” quay ngược ra thị trường. Nguồn tiền này độ mới chỉ được bảo đảm từ 60% trở lên.
Cơ quan chức năng đã siết chặt quản lý, pháp luật quy định việc đổi tiền lẻ có thu phí là vi phạm và có cả chế tài xử phạt nghiêm khắc nhưng trên thực tế hoạt động này vẫn diễn ra. Người có nhu cầu đổi tiền nếu không tìm được những đầu mối tin tưởng, nếu giao dịch qua mạng có thể đối mặt với nguy cơ bị lừa tiền giả, số lượng thiếu hay tiền cũ trà trộn dở khóc dở cười. Để ngăn chặn tình trạng trên, bên cạnh việc các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm thiết nghĩ cốt lõi vẫn là nhận thức của người dân trong việc tiếp nối phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc trong việc lì xì cũng như đi lễ cầu may vào các dịp đầu năm...
Hoàng Triệu
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão